Chuyện buồn người cao tuổi ở Trung Quốc: Tăng nhanh các vụ hộ lý giết chủ vì tiền, không muốn làm gánh nặng cho con nên chọn cách biến mất khỏi cuộc đời

HY LI |

Trong cơn tuyệt vọng, người già kết thúc cuộc đời một cách bình tĩnh mà đầy bi thảm.

Nhiều ngày gần đây những bài viết như "Hộ lý giết chết cụ bà 83 tuổi" hay "Con trai chôn sống mẹ ruột 79 tuổi" đang trở thành tâm điểm được chú ý nhất tại Trung Quốc. 

Chủ đề này cũng đã dấy lên nhiều luồng tranh luận trái chiều về vấn đề nuôi dưỡng người cao tuổi: Tỷ lệ tự sát của người cao tuổi ở Trung Quốc cao gấp 4 - 5 lần mức trung bình trên thế giới.

Khái niệm "người già tổ rỗng" hàm ý chỉ những người trung niên và cao tuổi sau khi con cái của họ rời khỏi nhà lập nghiệp hay lấy vợ gả chồng. 

Với tình trạng lão hóa ngày càng nặng nề như hiện tại, "người già tổ rỗng" đã trở thành vấn đề xã hội không thể bỏ qua. 

Khi những đứa con rời khỏi nhà vì nguyên nhân công việc, học tập, hôn nhân... các cặp vợ chồng trung niên và cao tuổi ở nhà một mình trong một chiếc "tổ rỗng" sẽ có thể mắc nhiều triệu chứng rối loạn tâm thần, gọi là hội chứng "tổ rỗng".

"Tổ rỗng", bệnh tật và nhiều lý do khác đã khiến một số người già lựa chọn tự sát vì không muốn dựa dẫm con cái, khiến chúng khó khăn hơn. 

Đây thật sự là một thảm kịch của con người trong xã hội hiện đại.

Những cụ già bị lãng quên

Ông Hồ Đại Thuận năm nay 69 tuổi, ông có một con trai và một con gái nhưng họ đều đã có gia đình riêng. 

Con gái gả đến huyện lân cận còn con trai cũng mua một ngôi nhà trong thị trấn. Hai vợ chồng ông Hồ Đại Thuận tại nhà cũ, để tránh làm phiền đến con cái, ông vẫn luôn làm việc để kiếm tiền chăm lo cho mình và vợ.

Ngày 3/5 vừa qua, ông Hồ Đại Thuận thức dậy như thường lệ, sau khi ăn sáng tại nhà, ông đến nơi làm việc. 

Vì không có chuyên môn cao nên ông chỉ có thể nhận những việc vặt như vận chuyển vật liệu xây dựng. Sáng ngày hôm đó, ông đã di chuyển các tấm ván trong 3 giờ liên tục khiến bản thân thấm mệt nhưng không được phép về nhà nghỉ ngơi.

Hết giờ làm việc, ông về nhà và tâm sự với vợ: "Tôi không đủ sức làm nữa". Tối hôm đấy, hai vợ chồng già đã gọi hai con về nhà nói chuyện. Người con trai không thể về vì bận rộn. Con gái và chồng đã ghé thăm ông sau buổi tối.

Ông nói với vợ chồng con gái rằng mình đã già không còn sức lực làm việc nữa, bản thân cũng không có bảo hiểm dưỡng già. Cuộc sống về sau đã trở thành vấn đề lớn, hi vọng hai con có thể chăm sóc hai vợ chồng già. 

Vừa nói ông vừa nhìn nét mặt của con gái và con rể, sống hơn nửa đời người ông mới mở miệng xin tiền các con, trong lòng rất khó chịu.

Nhìn vào gương mặt khắc khổ của cha, người con gái đỏ hoe mắt: "Bố, là chúng con không tốt, không chăm sóc bố mẹ. 

Chuyện này con sẽ nói lại với em trai, hai bố mẹ có thể yên tâm". Câu chuyện của ông Hồ Đại Thuận không quá tệ, ít nhất ông vẫn có thể chăm lo cho bản thân và các con đều sẵn sàng nuôi bố mẹ.

Chuyện buồn người cao tuổi ở Trung Quốc: Tăng nhanh các vụ hộ lý giết chủ vì tiền, không muốn làm gánh nặng cho con nên chọn cách biến mất khỏi cuộc đời - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu của cuộc điều tra dân số quốc gia năm 2019, đến cuối năm 2019, số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc đã vượt quá 170 triệu người, tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2018.

Đồng thời, số dân trong độ tuổi lao động 16 - 59 tuổi đã ít hơn 890.000 người so với cùng kỳ năm 2018.

Theo một cuộc khảo sát khác ở khu vực nông thôn Sơn Tây, Thiểm Tây và Cam Túc năm 2018, hơn một nửa số người trên 70 tuổi phải tự chăm sóc bản thân và vợ (hoặc chồng). 

Đối với những người không thể tự lo cho bản thân mà con cái cũng không thể đích thân chăm sóc họ được thì tìm một người hộ lý chăm sóc người lớn tuổi là cách tốt nhất.

Ngày nay, đó đã trở thành xu hướng tất yếu mà các gia đình Trung Quốc cần đến để chăm sóc người lớn tuổi.

Tuy nhiên, điều có vẻ tốt nhất cho cả bố mẹ lẫn con cái đều mang đến những rủi ro lớn. Vụ án "Hộ lý giết chết cụ bà 83 tuổi" không phải là trường hợp đầu tiên. 

Trong giới hộ lý có một kỹ thuật phổ biến gọi là "Giữ chết già", đề cập đến chuyện cái chết của người chủ lớn tuổi hay bệnh nặng sẽ mang đến những khoản tiền lớn một cách nhanh chóng.

Theo thống kê của WHO, cứ 6 người cao tuổi trên thế giới sẽ có 1 người bị ngược đãi. Tỷ lệ này tiếp tục tăng cùng với sự gia tăng của lão hóa dân số và vẫn đang tăng từng ngày. 

Trong đó có không ít vụ ngược đãi người già đến từ các hộ lý trẻ tuổi.

Ngày 23/12/2015, một vụ án hộ lý giết 8 người cao tuổi bằng cách hạ độc nước uống và dùng dây nilon siết cổ đã bị đưa ra xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân thành phố Quảng Châu. 

Cùng ngày, một vụ án khác do thủ phạm Trần Vũ Bình đã bị phanh phui khiến dư luận bàng hoàng. 

Người hộ lý này chỉ trong một năm rưỡi đã giết chết mười cụ già. Cô ta hạ độc vào nước dùng, tiêm thuốc độc vào người cần chăm sóc, thậm chí là siết cổ họ đến chết.

Những kẻ tội phạm đó xác định đây là một cách thức kiếm tiền nhanh chóng. Bởi chỉ chăm sóc người già vài ngày, sau đó họ chết thì thì người hộ lý vẫn nhận được một tháng tiền lương bình thường.

Chuyện buồn người cao tuổi ở Trung Quốc: Tăng nhanh các vụ hộ lý giết chủ vì tiền, không muốn làm gánh nặng cho con nên chọn cách biến mất khỏi cuộc đời - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trong một viện dưỡng lão ở Huệ Châu, Quảng Đông, một nhân viên điều dưỡng đã xảy ra tranh chấp với một cụ già 96 tuổi chỉ vì một chiếc khăn tay. 

Người điều dưỡng đó đã dùng tay đánh cụ già, sau đó đẩy đối phương xuống đất, nắm tóc kéo lê đi khiến toàn thân cụ già đầy vết máu và bầm tím.

Sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của các tin tức này khiến dư luận sợ hãi: "Thật sự không còn tin tưởng vào hộ lý chăm sóc người già nữa, con cái vẫn nên tự chăm sóc bố mẹ già thôi!".

Nhưng, trong hiện trạng lão hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm cùng nghiêm trọng thì chúng ta thật sự nói được làm được hay không?

Chân dung những cụ già tự sát ở nông thôn Trung Quốc

Năm 2014, WHO đã công bố báo cáo "Ngăn ngừa tự sát: Vấn đề phải được ưu tiên hàng đầu trên toàn thế giới", trong đó nhấn mạnh: Tỷ lệ tự sát của người cao tuổi ở Trung Quốc cao gấp 4 - 5 lần mức trung bình trên thế giới.

Theo tờ báo The Global And Mail, tỷ lệ tự sát của người già ở một số vùng nông thôn Trung Quốc đã vượt qua cả Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ tự sát cao nhất trong những nước phát triển.

Không giống với những địa phương khác, hầu như những vụ tự sát của các cụ già ở nông thôn Trung Quốc không xuất phát từ bệnh tâm thần hay lạm dụng thuốc mà đều có nguyên nhân từ những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống. 

Vì những lý do như "tổ rỗng", bệnh hiểm nghèo, vợ hoặc chồng đã chết, căng thẳng kéo dài, vấn đề kinh tế gia đình,... nhiều người già ở nông thôn đã chọn cách tự sát để chấm dứt cuộc sống bất lực của mình, họ không muốn trở thành gánh nặng của con cái.

Chuyện buồn người cao tuổi ở Trung Quốc: Tăng nhanh các vụ hộ lý giết chủ vì tiền, không muốn làm gánh nặng cho con nên chọn cách biến mất khỏi cuộc đời - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Một cuộc khảo sát trong dự án "Nghiên cứu xã hội học về tự sát của người già ở nông thôn" đã kết luận thảm kịch này đã trở nên đáng báo động. 

Những người thực hiện khảo sát đã cực kỳ ấn tượng với câu chuyện của cụ ông Lâm Mộc Văn 69 tuổi.

Ông Lâm Mộc Văn sống cùng gia đình con trai nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với con dâu. 

Đến một ngày, sau cuộc cãi vã, ông Lâm Mộc Văn đã tắm rửa, thay quần áo rồi ngồi giữa nhà đốt giấy tiền vàng bạc cho chính mình và uống nửa chai thuốc trừ sâu. Khi số giấy tiền vàng bạc đã chuẩn bị sẵn vơi đi một nửa thì ông cũng bất tỉnh.

Dân làng đoán rằng, nguyên nhân khiến cụ ông tự sát là vì mối bất hòa với con dâu: "Ông ấy sợ sau này khi mình chết đi thì con cái sẽ không đốt giấy tiền vàng bạc cho mình".

Trong một trường hợp khác, người con trai đang đi làm nơi xa phải trở về nhà gấp để gặp bố đang nguy kịch. Vài ngày trôi qua không thấy bố có dấu hiệu hấp hối, anh ta bèn hỏi: "Rốt cuộc bố có chết hay không? 

Con chỉ xin nghỉ làm có 7 ngày thôi, trong khoảng thời gian này mới làm đám tang cho bố được".

Sau đó, người bố đã tự sát. Người con trai đã hoàn thành đám tang trong vòng 1 tuần đó rồi lên thành phố tiếp tục công việc của mình.

Các nhà khoa học cho rằng, nếu có cách giải quyết khác, những cụ già sẽ không dễ dàng chọn tự sát.

Một số người cao tuổi đã nói rằng, thà sống lay lắt trên thế gian còn hơn nằm sâu dưới lòng đất. Tất cả những thứ được gọi là "vị tha", trên thực tế là sự tuyệt vọng cùng cực.

Trong xã hội truyền thống, gia đình và con cái là chỗ dựa của người già, nhưng cùng với hiện đại hóa và đô thị hóa, chỗ dựa khi về già đã chuyển sang chính quyền và cộng đồng.

Trong quá trình chuyển đổi đó, con cái sống quanh năm tại thành phố không thể chăm sóc bố mẹ ở nông thôn và những trợ cấp từ chính phủ cùng cộng đồng lại không giống lý thuyết. 

Những cụ ông cụ bà đã và đang cố gắng tự sát chính là nạn nhân của sự biến đổi xã hội.

Làm thế nào để người cao tuổi tận hưởng cuộc sống về già và hoàn thành đoạn cuối của hành trình cuộc đời là một vấn đề nan giải. 

Theo thống kê, nguyên nhân chính dẫn đến hành động tự sát ở lớp người này là việc tồn tại quá khó khăn, tiếp theo là sự đau đớn do bệnh tật gây ra. Hai lý do này chiếm 60% nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tự sát, lý do xếp thứ 3 chính là vấn đề tình cảm.

Nói cách khác, để giảm bớt những cái chết bất thường của người già, cần phải giải quyết 3 vấn đề: Không chết đói, không chết vì bệnh và không chết trong cô đơn.

Chuyện buồn người cao tuổi ở Trung Quốc: Tăng nhanh các vụ hộ lý giết chủ vì tiền, không muốn làm gánh nặng cho con nên chọn cách biến mất khỏi cuộc đời - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Tính đến nửa đầu năm 2019, tại Trung Quốc đã có 29.900 cơ sở chăm sóc người già ở Trung Quốc. Chất lượng của các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng đã được cải thiện hơn, khiến người già lẫn con cái của họ đều yên tâm.

Mặt khác, chăm sóc bố mẹ khi về già chính là trách nhiệm và bổn phận của con cái. Đừng để phần còn lại của cuộc đời phải sống trong hối hận vì đối xử với bố mẹ không tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại