Chứng kiến ông lão va vào xe mình, ông bố hành động bất ngờ và bài học dạy con đắt giá

Trần Quỳnh |

Những câu chuyện giáo dục nhân cách ý nghĩa dưới đây sẽ trở thành hành trang quý báu dành cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con em của mình.

Câu chuyện thứ nhất: Khoe khoang

Trên một con đường nọ, có ông lão không may va quệt với một chiếc xe sang đang đỗ trên lề. Chủ xe đang không có ở đó, còn ông lão thì mặt mày ủ dột, đứng tần ngần bên cạnh chẳng biết nên làm thế nào.

Bấy giờ, có người qua đường đang dắt theo một đứa bé tiến lại hỏi ông:

"Ông có đền nổi không?"

Ông lão lắc đầu:

"Tôi đền sao nổi…"

Người đó nói:

"Vậy tại sao ông còn đứng đây? Ông định chờ người ta đến bắt đền tại trận hay sao?"

Ông lão muốn nói lại thôi, cuối cùng vẫn quyết định quay đầu rời đi. Đến khi ông đi khuất, người qua đường ban nãy mới từ từ rút trong túi ra một chiếc chìa khóa xe, mở cửa chiếc ô tô bị va quệt ban nãy rồi thong thả đưa con mình trở về nhà.

Bài học rút ra: Trên thế gian này, thứ đáng để khoe khoang nhất vốn không phải là tài sản, cũng không phải là sự khôn khéo hay thủ đoạn, mà chính là tấm lòng thấu hiểu và sự cảm thông.

Câu chuyện thứ hai: Bao dung

Chứng kiến ông lão va vào xe mình, ông bố hành động bất ngờ và bài học dạy con đắt giá - Ảnh 1.

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Nếu để một giọt mực rơi vào một cốc nước trong, cốc nước sẽ lập tức đổi màu và thậm chí chẳng thể uống được nữa.

Thế nhưng nếu giọt mực ấy rơi vào đại dương, biển khơi vẫn cứ mãi trong xanh như vậy, chẳng có bất cứ thứ gì bị thay đổi.

Vì sao lại như vậy? Bởi vì độ sâu của ly nước và đại dương vốn chẳng hề giống nhau.

Bài học rút ra: Tha thứ cho người khác chính là độ lượng, mà sự độ lượng, bao dung mới thực sự là thứ quyết định giá trị của mỗi con người.

Câu chuyện thứ ba: Thấu hiểu

Có một chiếc khóa vô cùng phức tạp và kiên cố được khóa trên cánh cửa. Ngay cả khi người ta dùng một chiếc búa sắt đập mạnh vào nó, chiếc khóa ấy vẫn chẳng hề suy chuyển.

Thế nhưng khi dùng một chiếc chìa khóa bé nhỏ tra vào ổ, chiếc khóa kiên cố kia lại được mở ra nhẹ nhàng trong nháy mắt.

Chiếc búa thấy vậy liền không khỏi thắc mắc với chìa khóa:

"Tại sao tôi dùng sức lực lớn tới vậy mà vẫn không thể mở ra còn cậu chỉ cần xoay nhẹ là đã có thể mở được rồi?"

Chìa khóa đáp:

"Bởi vì tôi là người duy nhất hiểu rõ bên trong của chiếc khóa ấy".

Bài học rút ra: Trái tim của mỗi người đều có một chiếc khóa kiên cố. Chỉ có sự quan tâm, thấu hiểu mới có thể biến  ta trở thành chiếc chìa khóa tinh tế có thể tiến vào trong lòng họ.

Câu chuyện thứ tư: Vui vẻ

Chứng kiến ông lão va vào xe mình, ông bố hành động bất ngờ và bài học dạy con đắt giá - Ảnh 2.

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Có một đội đào vàng tiến vào trong sa mạc. Thế nhưng càng tiến vào sâu, bước chân của cả đoàn càng lúc càng trở nên nặng nề.

Khi ai hầu như đã đều trở nên mỏi mệt, chỉ có một người trẻ tuổi vẫn vui vẻ nhẹ nhàng cất bước. Người trong đoàn nhìn thấy dáng vẻ thong thả của anh ta thì lấy làm lạ, liền hỏi:

"Vì sao anh lại vui vẻ như vậy. Chẳng lẽ anh không thấy mệt hay sao?"

Anh chàng trẻ tuổi cười và đáp:

"Tôi nào có thấy mệt mỏi gì đâu. Bởi vì tôi là người mang theo ít hành lý nhất mà!"

Bài học rút ra: Hóa ra, vui vẻ là một chuyện rất đơn giản, chỉ cần sở hữu ít đi, ham muốn ít đi, niềm vui sẽ tự khắc tới gõ cửa tìm bạn.

Câu chuyện thứ năm: Kỹ năng

Bên bờ sông nọ có một ông lão đang ngồi câu cá. Lúc sau, một cậu bé nhà gần đó cũng bước tới chỗ ông chăm chú ngồi xem. Kỹ xảo câu cá của ông lão rất thuần thục, chẳng bao lâu đã thu về đầy một giỏ.

Ông lão thấy đứa trẻ dễ thương, liền ngỏ ý muốn cho cậu bé cả giỏ cá. Nào ngờ cậu bé lắc đầu từ chối và nói:

"Cháu muốn có chiếc cần câu trong tay ông chứ không phải giỏ cá này".

Ông lão lấy làm lạ:

"Cháu muốn cần câu làm gì?"

Cậu bé nói:

"Giỏ cá ông cho cháu ăn vài lần là hết rồi. Nếu cháu có cần câu, cháu có thể tự mình câu cá, như thế thì cả đời cũng không lo thiếu cá ăn".

Bài học rút ra: Nếu đưa cho cậu bé chiếc cần câu của ông lão, e rằng đứa bé ấy ngay tới một chiếc vây cá cũng chẳng có để ăn. Bởi cậu không hiểu rằng, thứ cần thiết nhất để câu được cá không phải là cần câu mà là kỹ năng.

Câu chuyện thứ sáu: Tình cảm

Chứng kiến ông lão va vào xe mình, ông bố hành động bất ngờ và bài học dạy con đắt giá - Ảnh 3.

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Có một cậu bé lên núi dạo chơi, trong lúc vô tình đã quay đầu về phía hang động nói một tiếng:

"Xin chào".

Thanh âm vừa dứt, từ bốn phương tám hướng lại truyền về tiếng vang y như câu nói vừa nãy của câu:

"Xin chào".

Cậu bé cứ ngỡ là ngọn núi đáp lời mình, liền hỏi:

"Bạn là ai?"

Thanh âm lại truyền về:

"Bạn là ai?"

Đứa trẻ bắt đầu mất kiên nhẫn, lớn tiếng nói:

"Tại sao không nói cho tớ trước?"

Núi lớn cũng "đáp":

"Tại sao không nói cho tớ trước?"

Nghe vậy, cậu bé tức giận quát lớn:

"Tớ ghét cậu!"

Lời nói vừa dứt, khắp nơi liên tục truyền lại lời trách móc y hệt ban nãy:

"Tớ ghét câu! Tớ ghét cậu!"

Cậu bé bật khóc chạy về nhà kể cho mẹ. Người mẹ nghe xong liền khuyên bảo:

"Con à, lần này con hãy thử lên núi và nói rằng ‘tớ yêu cậu’ xem sao".

Cậu bé làm theo, quả nhiên lần này núi lớn đã "đáp" lời cậu một cách vui vẻ:

"Tớ yêu cậu! Tớ yêu cậu!"

Trong những âm thanh vang vọng nơi núi rừng ấy, cậu bé vui vẻ mỉm cười đầy thỏa mãn.

Bài học rút ra: Có nhiều lúc, chúng ta chỉ chăm chăm oán trách thái độ lạnh nhạt, lãnh đạm của người khác đối với mình. Thế nhưng ít ai hiểu rằng thái độ của người khác chính là tấm gương phản chiếu thái độ của chính chúng ta.

Cho nên trước khi đem lòng trách móc đối phương, hãy tự hỏi chính mình xem bản thân ta đã thực sự đối tốt với họ hay chưa. Nếu muốn được người khác yêu quý, trước tiên ta nên học cách quý mến, yêu thương người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại