Ngày nay, có nhiều gia đình sống trong các tòa nhà chung cư bởi giá thành rẻ hơn so với nhà đất và có nhiều tiện ích phục vụ cho các nhu cầu khác nhau trong cuộc sống. Song ở một số tòa nhà sẽ gặp khuyết điểm là cách âm giữa các phòng không được tốt, do đó đã có một số câu chuyện dở khóc, dở cười xảy ra.
Một buổi sáng sau khi ngủ dậy, cô con gái nhỏ 9 tuổi tên Tiểu Kỳ của một gia đình ở Trung Quốc chạy lại hỏi mẹ: "Mẹ ơi, ban đêm con hay nghe tiếng động gì bên cạnh nhà hàng xóm mà lạ lắm, đó là tiếng gì hả mẹ?"
Nghe thấy lời này bà mẹ tỏ ra vô cùng ngượng ngùng. Được biết, gia đình của đứa trẻ đang sống tại một tòa nhà chung cư. Khu vực này có hệ thống cách âm không được tốt nên nếu nhà bên cạnh làm gì thì rất dễ nghe thấy. Nhưng ở trường hợp "khó nói" của Tiểu Kỳ thì quả thực cũng chẳng biết nên giải thích làm sao cho phải lẽ về những tiếng động "lạ" ấy.
Sau một hồi suy nghĩ, chị cho rằng mình không thể né tránh hay nói dối con mãi về câu hỏi này được vì về lâu dài gia đình vẫn sẽ sống ở đây và đứa trẻ có thể sẽ gặp lại âm thanh tương tự. Do vậy, chị trả lời cho con gái mình rằng: "Đây là âm thanh hạnh phúc của cô chú hàng xóm. Khi có tiếng đó chứng tỏ là gia đình họ chẳng có mâu thuẫn gì lại rất yêu thương nhau. Sau khi có ai đó kết hôn, trong gia đình phát ra những âm thanh như vậy thì con đừng quá lo lắng mà nên đi ngủ!"
Trái ngược với suy nghĩ ban đầu rằng đó là một âm thanh gì đó khủng khiếp, sau khi nghe mẹ nói, cô bé đã cảm thấy nhẹ nhõm phần nào và thôi tò mò về tiếng động lạ kia.
Dù biết rằng, bố mẹ sẽ chẳng thế nào tránh né được những lần con đặt câu hỏi tương tự như Tiểu Kỳ nhưng quả thực rất khó để đối mặt và tìm ra một câu trả lời hợp lý để giải đáp thắc mắc của trẻ. Mặt khác, trẻ vốn là lứa tuổi rất dễ tò mò, thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh, nếu không được giải thích thỏa đáng, rất có thể chúng sẽ tự tìm cách để có câu trả lời, điều này thực sự rất nguy hiểm.
Đối mặt với những câu hỏi "khoai" và có phần nhạy cảm của con, cha mẹ nên làm thế nào?
Tùy theo độ tuổi của trẻ, thực hiện giáo dục có mục đích
Mọi trẻ em đều có quyền hiểu về tâm sinh lý của mình, điều này không chỉ giúp chúng nhận thức được cơ thể của bản thân mà còn để các em nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Cha mẹ không nên tỏ ra e dè hay bực tức khi con đề cập đến những câu hỏi này mà thay vào đó, hãy tìm cách tiếp cận phù hợp với độ tuổi của trẻ, chẳng hạn:
● Khi trẻ đang trong giai đoạn mẫu giáo: Cha mẹ có thể cho trẻ nhìn vào sách tranh để hiểu sự khác biệt giữa các bạn khác giới;
● Khi con đến tuổi đi học phổ thông: Cha mẹ có thể cho con xem các video giáo dục liên quan để hiểu cách bảo vệ bản thân và tôn trọng người khác giới;
● Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì: Cha mẹ nên chú ý dạy con cách tự bảo vệ mình, những hành vi nào sẽ gây hại cho bản thân hoặc người khác, nam và nữ sẽ khác nhau gì, điều gì tuyệt đối không nên làm với người khác giới nếu không được phép,...
Cha mẹ nên đối mặt với sự tò mò của con cái
Trước sự tò mò của trẻ, né tránh và không trả lời không phải là lựa chọn sáng suốt. Mặc dù những câu hỏi mà trẻ đưa ra sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy xấu hổ và ngượng ngùng nhưng nếu không giải thích chính xác cho trẻ sẽ càng khiến sự tò mò tăng cao. Sự tò mò và bức bối vì chưa được giải đáp các vấn đề mình đặt ra sẽ như quả bom nổ chậm, đến một ngày sẽ khiến bố mẹ và cả con cái đối mặt với những hậu quả không lường trước.
Theo Sohu