Không có sách giáo khoa để đọc chứ nói gì đến những cuốn sách khác
Thượng Cửu là một xã miền núi nghèo của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Toàn xã có 10 xóm, với khoảng 3.500 người, trong đó 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số: Tày, Dao, Mường.
Trình độ dân trí ở đây tương đối thấp, bà con sống chủ yếu bằng nghề nông. Cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu, dân cư sống rải rác, không tập trung. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo hiện chiếm: 21,2%; hộ cận nghèo chiếm 34,8%.
Mặc dù, rất mong muốn được đến lớp nhưng nhiều em học sinh ở đây không đủ điều kiện để mua sách, vở hay dụng cụ trang bị cho học tập.
Em Đặng Thùy Dung người dân tộc Dao, sống ở xóm Sinh Tàn thuộc xã Thượng Cửu đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để có thể được đi học. Năm nay Dung học lớp 7, trường THCS Thượng Cửu (khu Cáp, xã Thượng Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ).
Đặng Thùy Dung (trái) và cô bạn Lê Thị Triều ở cùng phòng bán trú tại ngôi trường THCS Thượng Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ.
Bản Sinh Tàn nơi Dung sống, nằm cheo leo trên đỉnh núi Èn Choong cao và xa vẫn chưa có điện thắp sáng. Con đường từ nhà đến trường của em phải vượt qua chặng đường hơn 10 cây số.
Nơi đây là mảnh đất mưu sinh từ bao đời của hơn 60 hộ người Dao. Bà con chủ yếu trồng lúa nước, ngô và sắn. Nhiều năm dài, trình độ canh tác lạc hậu nên năng suất thấp và chuyện thiếu ăn với dân bản Dao diễn ra triền miên.
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng từ lâu, sự học vẫn nhen lên niềm tin và sức sống nơi sơn thẳm này. Hàng ngày bố mẹ đi làm nương, cô học trò Đặng Thùy Dung là chị gái cả trong nhà nên vừa phải lo trông giữ, lo cho hai em ăn uống, lại vừa đảm bảo việc học theo các bạn.
Những học sinh phải đi học xa nhà như Dung và Triều được nhà trường bố trí ăn ở bán trú tại trường. Mỗi phòng có 8 bạn cùng sinh hoạt.
Dung nói, từ ngày lên cấp hai, học xa nhà, không có ai trông hai em, Dung thương bố mẹ vất vả hơn, thu nhập của gia đình giảm xuống.
Ở ngôi trường mới, cô học trò người Dao Sinh Tàn có nhiều bạn, và được ăn uống đầy đủ hơn. Mỗi ngày, Dung cùng cô bạn Lê Thị Triều cùng phòng bán trú tìm đến thư viện trường để đọc sách, cũng làm các em vơi đi nỗi nhớ nhà.
Tuy nhiên, sách ở thư viện trường rất ít ỏi, chủ yếu là sách giáo khoa cũ, sách tham khảo, sách nghiệp vụ và truyện tranh cũ.
Khi chúng tôi đọc tiêu đề những cuốn sách như Hạt giống tâm hồn, Tôi tài giỏi bạn cũng thế, Đắc nhân tâm, Mười vạn câu hỏi vì sao,... thì rất nhiều học sinh ở đây chưa em nào nghe tới tên.
"Chúng cháu có sách giáo khoa để đọc là thấy may mắn lắm rồi, còn chưa nghe, không biết có những cuốn sách như chú vừa kể tên", Dung nói với chúng tôi như vậy.
Khi nói về điều kiện sống và học tập của bản thân, hai cô học trò nhỏ như trầm tư hơn. Điều kiện khó khăn, thiếu thốn khiến các em thua thiệt cả từng cuốn sách.
Nếu được ủng hộ sách, học sinh của chúng tôi sẽ có cơ hội tiếp xúc với những tri thức mới
Khi biết về chương trình GÓP 1 CUỐN SÁCH, anh Cao Xuân Thu – Hiệu trưởng trường THCS Thượng Cửu đã chia sẻ một số tình hình mới của ngôi trường vùng cao này:
"Thượng Cửu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Thanh Sơn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc phát huy nội lực trong nhân dân để đầu tư phát triển giáo dục còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Học sinh đến trường còn thiếu về sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, nơi ăn chốn ở còn thiếu nhiều đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Năm học 2020 – 2021, trường có 6 lớp với 190 em học sinh.
Nhiều em còn thiếu sách giáo khoa phục vụ các môn học, nhà trường còn thiếu sách tham khảo, sách nâng cao phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh và bồi dưỡng của giáo viên..."
Được biết, những năm trước, tình trạng học sinh khó khăn không có sách để học, các thầy cô giáo còn nghĩ ra sáng kiến cho học sinh mượn sách tới trường. Bằng nguồn sách giáo khoa vận động được và sẵn có trong kho, nhiều em học sinh đã có thể yên tâm theo học. Tuy nhiên, sách mượn nhiều đã bị cũ và rách đi nhiều. Hiện tại cũng không đủ sách cho các em mượn.
"Sách là nguồn tài liệu rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Nếu được ủng hộ sách, học sinh của chúng tôi sẽ có cơ hội tiếp xúc với những tri thức mới. Thầy trò chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt văn hoá đọc trong nhà trường", anh Cao Xuân Thu bày tỏ mong muốn được cộng đồng quan tâm, ủng hộ sách cho các học trò của mình.
Không chỉ anh hiệu trưởng Cao Xuân Thu, không chỉ có hai cô học trò Đặng Thùy Dung, Lê Thị Triều của ngôi trường THCS Thượng Cửu, mà còn hàng ngàn em học sinh của các ngôi trường trên địa bàn huyện Thanh Sơn (nơi dự án GÓP 1 CUỐN SÁCH đã tới khảo sát) còn rất khó khăn về cơ sở vật chất, về nguồn sách.
Họ có chung một khát khao, nguyện vọng, là sẽ thêm những cuốn sách mới, sách hay, để học trò không chỉ còn biết có mình sách giáo khoa trên đời, mà còn có nhiều loại sách rất thú vị khác chờ được khám phá.
Khó khăn không ngăn được những bước chân tìm tòi sự học. Chúng tôi muốn cùng quý bạn đọc giúp cho nơi đây có sách để học để đọc, để các em nhỏ không còn khát sách, tiếp bước các em tới những chân trời tri thức mới.
Kính mong, Quý bạn đọc gần xa chung tay, mỗi người GÓP 1 CUỐN SÁCH - THẮP VẠN ƯỚC MƠ.
Các loại sách phù hợp cho học sinh THCS như: truyện, truyện tranh, tạp chí, sách văn học, lịch sử, dư địa chí, sách y tế sức khỏe, giáo dục giới tính, sách kỹ năng sống, sách hạt giống tâm hồn, sống đẹp, gương hiếu học, danh nhân, gương người tốt việc tốt, bài học cuộc sống, sách tham khảo, sách nâng cao, khám phá, khoa học, tin học, ngoại ngữ,...
CHUNG TAY GÓP 1 CUỐN SÁCH ỦNG HỘ học sinh các trường THCS tại Thanh Sơn, Phú Thọ.
Mọi sự đóng góp ủng hộ xin ghĩ rõ: Ủng hộ Dự án GÓP 1 CUỐN SÁCH
Số tài khoản: 12410008685555. BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm Hà Nội. Chủ TK CONG TY CO PHAN VCCORP.
Địa chỉ tiếp nhận: Soha.vn, số 85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Người nhận: Phạm Đình Mạnh: 0974.974.104.
Fapage: GÓP 1 CUỐN SÁCH
Chúng tôi sẽ đăng tải công khai những khoản đóng góp của Quý vị cho dự án, và biến những đóng góp này thành sách tặng học sinh nghèo!