Chưa kịp ‘cất cánh’ đã đón cú sập đầu tiên – đây mới là lý do thực sự khiến các hãng xe điện hoảng loạn giảm giá kích cầu

Đức Nam |

Doanh số xe điện toàn cầu trong tháng 1/2023 đã giảm còn một nửa so với tháng 12/2022.

Thị trường xe điện (EV) toàn cầu đang quay cuồng với một trong những đợt sụt giảm doanh số nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Theo số liệu của Rystad Energy, chỉ có 672.000 chiếc xe điện được bán ra trên toàn cầu trong tháng 1/2023, bằng gần một nửa so với doanh số của tháng 12/2022 và chỉ tăng 3% so với tháng 1/2022.

Thị phần EV trên tổng doanh số bán xe du lịch cũng giảm xuống còn 14% trong tháng 1, so với mức 23% trong tháng 12/2022.

Doanh số xe điện có xu hướng tăng ổn định trong những năm gần đây - ngoại trừ giai đoạn bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng, liên quan đến Covid-19. Sự sụt giảm doanh số này là một tin đáng lo ngại với ngành công nghiệp xe điện.

Cho đến nay, các khoản tín dụng thuế và trợ cấp của chính phủ là động lực chính thúc đẩy thị trường xe điện khi nhiều quốc gia xác định điện khí hóa là chiến lược trọng tâm để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, việc giảm hoặc loại bỏ các khoản trợ cấp này trong năm 2023 đã khiến người dùng bớt hào hứng với xe điện.

Các nhà sản xuất đang cố gắng lật ngược thế cờ, đảo ngược vòng xoáy đi xuống và cứu vãn thị trường. Đợt cắt giảm vào tháng 1 đã gây ảnh hưởng nặng nề hơn dự kiến, gây ra “cú sập” nghiêm trọng. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng quý I và khả năng là cả phần còn lại của năm 2023.

Các khoản trợ cấp cho xe điện ở Trung Quốc và nhiều nước châu Âu đã bị cắt giảm vào đầu năm nay. Tuy nhiên, một tia hy vọng cho triển vọng toàn cầu là thị trường Mỹ - nơi quá trình điện khí hóa mới bắt đầu, đồng thời nước này cũng cung cấp các khoản tín dụng thuế lớn nhờ Đạo luật Suy giảm Lạm phát.

Chưa kịp ‘cất cánh’ đã đón cú sập đầu tiên – đây mới là lý do thực sự khiến các hãng xe điện hoảng loạn giảm giá kích cầu - Ảnh 1.

Mỹ chính là thị trường lớn duy nhất có sự gia tăng cả về doanh số và thị phần xe điện so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù đóng góp của Mỹ vào tổng doanh số toàn cầu vẫn còn tương đối nhỏ.

Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu, đã giảm gần 50% doanh số xe điện vào tháng 1/2023 so với tháng trước. Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô nước này dự báo đà bán hàng sẽ chậm lại trong năm nay – dự báo đạt khoảng 8 triệu xe.

Trong khi đó, châu Âu, dù có mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tình hình chung vẫn rất tệ. Nhiều quốc gia báo cáo doanh số xe điện giảm mạnh kể từ tháng 12/2022. Trước thời điểm các khoản trợ cấp bị dừng lại, nhiều người yêu thích xe điện đã tranh thủ mua vào tháng 12/2022, dẫn đến lượng mua tăng đột biến.

Đức chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh số và thị phần xe điện. Doanh số đã giảm khoảng 1/3 vào tháng 1, chỉ đạt 27.000 xe. Thị phần xe điện từ 55% vào tháng 12/2022 đã giảm xuống chỉ còn 15% vào tháng 1.

Ở những nơi khác, thị phần xe điện ở Anh đã giảm một nửa từ khoảng 40% xuống 20% và từ 50% xuống 24% ở Hà Lan. Xu hướng đi xuống này diễn ra ở hầu hết các nước châu Âu và sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô “mất ngủ nhiều đêm”.

Mỹ hiện là một trong số ít thị trường công bố các biện pháp khuyến khích xe điện mới thông qua tín dụng thuế liên bang. Khoảng 80.000 xe điện đã được bán tại đây trong tháng 1, chiếm 7,8% thị phần. Tuy nhiên, ngay cả khi có các khoản tín dụng này, doanh số vẫn không tăng đột biến.

Các nhà sản xuất đang phải vật lộn để đưa ra định giá cho các mẫu xe của mình. Việc giảm giá trên diện rộng đang giúp các hãng xe phần nào “cứu” doanh số từ đầu 2023 nhưng liệu các nhà sản xuất có thể chịu được tình trạng này đến bao giờ. Bằng chứng là việc Tesla đang dần tăng giá xe trở lại để đánh giá tình hình sau khi giảm giá mạnh trước đó. Triển vọng cho thị trường Mỹ vẫn là rất lớn khi thị phần xe điện có thể phá mốc 10% tổng doanh số xe du lịch trong năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại