Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân cho biết hội đồng đã thảo luận về các căn cứ xác định mức tăng lương. Đến cuối ngày, Hội đồng chưa chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Mức lương tối thiểu năm 2017 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng 100.000-180.000 đồng cho bốn vùng, mức tăng trung bình là 4,62%.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 250.000-400.000 đồng, tương đương khoảng 11%. Theo đó, vùng 1 dự kiến tăng thêm 400.000 đồng, vùng 2 tăng 350.000 đồng, vùng 3 tăng 300.000 đồng và vùng 4 tăng 250.000 đồng.
Như vậy, so với các đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, ban đầu các phương án tăng lương đều thấp hơn 30%-50%. Dự kiến Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục họp thương lượng và sẽ chốt phương án tăng lương vào tháng 8, mức tăng dự kiến sẽ thấp hơn năm 2016 là 12,4%.
Trước đó, kết thúc phiên họp buổi sáng 20-7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra ba phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2017. Theo đó, mức lương tối thiểu tại mỗi vùng có thể tăng 100.000-350.000 đồng/tháng.
Ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho biết ba phương án cụ thể được xét như sau:
Phương án 1 là tăng mức lương tối thiểu tại mỗi vùng lên khoảng 10%, ở mức tăng thêm 250.000-350.000 đồng/tháng; phương án 2 tăng 230.000-300.000 đồng/tháng; phương án 3 tăng 100.000-200.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1-1-2016: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015), vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng), vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng), vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 12,4%.