Tham dự và là khách mời tại Hội thảo "Hành trình từ 0 đến 1 – Những bài học trong 5 năm đầu vượt sóng" do "Cộng đồng quản trị và khởi nghiệp" tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit Nguyễn Lâm Viên đã chia sẻ những giai đoạn phát triển của một startup trong 5 năm đầu.
Trong đó, ông nhấn mạnh bài học gọi vốn từ trường hợp sụp đổ của Huy Việt Nam gần đây. "Huy Việt Nam gãy ở khâu cuối cùng, rất đáng tiếc. Họ đã huy động được 70 triệu USD nhưng cuối cùng gãy bởi khâu quản trị doanh nghiệp, quản trị nguồn vốn.", Chủ tịch Vinamit nhìn nhận.
Thường lỗi mà các startup ít để ý là kiểm soát nguồn vốn cũng như giá vốn của sản phẩm.
Ông cho rằng khi khởi nghiệp, startup phải lưu ý đến định vị kịch bản, lập doanh nghiệp ra để bán kiếm lời hay để đi xa hơn.
"Kịch bản một, nếu tính toán lập doanh nghiệp để kiếm lời thì phải đủ vốn để tạo được một cộng đồng có thói quen yêu thích sản phẩm của bạn. Còn kịch bản thứ hai là đưa ý tưởng đem bán cho nhà đầu tư và đó phải là nhà đầu tư chiến lược."
"Chúng ta nên mạnh dạn bán. Khi các nhà đầu tư hỏi, đừng vì muốn giữ ý tưởng mà chỉ cho họ đầu tư tài chính chứ không phải là nhà đầu tư chiến lược. Các nhà đầu tư tài chính không bao giờ chịu làm gì hết."
Như câu chuyện của Huy Việt Nam: "Nếu những cổ đông đầu tư vào công ty này là các nhà đầu tư chiến lược, thì chắc chắn anh Huy đó không bỏ trốn đâu. Bởi vì họ cùng chung chiến lược với mình, họ sẽ đẩy mình lên. Nhưng do anh chọn nhà đầu tư tài chính, cho nên khi thất bại, anh cảm thấy sợ rồi và phải bỏ chạy thôi".
"Kịch bản của anh Huy rất tốt, liên hệ với bốn công ty kiểm toán quốc tế để đi đúng ngay từ đầu, lợi nhuận lúc nào cũng là lãi gộp, 40% - 50%. Kịch bản rất đẹp để thu hút các nhà đầu tư nhưng cuối cùng fail (thất bại – PV).", ông Viên chia sẻ.
Ông cho rằng các startup dù còn non trẻ, yếu về nhiều mặt nhưng thường lại thích các nhà đầu tư tài chính, chỉ muốn họ bỏ tiền mà không tham gia vào quá trình quản trị chiến lược cho công ty.
Lật lại cuộc khủng hoảng của Món Huế, như Chủ tịch Vinamit nói, họ có kịch bản đẹp, thu hút vốn đầu tư lớn nhưng lại mắc sai lầm trong quản trị doanh nghiệp, quản trị nguồn vốn. Dẫu vậy, đó không phải là lý do duy nhất.
Mô hình kinh doanh đặc sản địa phương nhưng mở rộng theo chuỗi của Món Huế được các chuyên gia phân tích rằng rất khó để giữ được tính đặc sắc. Nhiều người thậm chí tỏ ra không mấy ngạc nhiên trước cú ngã của thương hiệu này vì thực tế món ăn kém đặc sắc, không tương xứng với mức giá mà khách hàng phải bỏ ra.
Mặt khác, trong khi doanh thu không đảm bảo thì giá thuê mặt bằng tại những khu vực trung tâm lại lên đến hàng chục nghìn USD. Tham vọng mở rộng chuỗi nhanh, với mong muốn rằng chi phí bình quân có thể tiết giảm nhưng lại không đúng với ngành hàng F&B hiện nay. Do vậy, "gãy đổ" là điều dễ hiểu.