Chủ tịch Duma quốc gia Nga nêu khả năng sửa hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống

Hải Võ |

Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin nêu ý kiến của mình trong cuộc họp tại điện Kremlin vào tối thứ Ba, 25/12.

Bloomberg (Mỹ) đưa tin, ông Volodin nêu ra khả năng sửa đổi hiến pháp Nga trong bối cảnh có những đồn đoán rằng điện Kremlin đang cân nhắc những phương án cho phép tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2024.

"Đã có những câu hỏi đặt ra trong dư luận, thưa ngài Vladimir Vladimirovich [Putin]," chủ tịch Duma phát biểu trong cuộc họp ngày 25. "Đây là thời điểm chúng ta trả lời những câu hỏi này mà không đe dọa đến những quy định cơ bản của hiến pháp."

Theo ông Volodin, hiến pháp hiện hành của Nga được soạn thảo vào 25 năm trước. "Đó là thời điểm rất gian nan, khi đất nước đứng bên bờ vực sụp đổ, khi những nghĩa vụ xã hội không được thực thi, và công dân của chúng ta mất niềm tin vào chính quyền.

Ông đề xuất các thẩm phán của Tòa hiến pháp cùng các chuyên gia pháp lý vào cuộc nhằm đánh giá " cách thức mà hiến pháp và các chuẩn mực phát triển hiến pháp đã phù hợp với những nguyên lý từng được thông qua".

Chủ tịch Duma quốc gia Nga nêu khả năng sửa hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống - Ảnh 1.

Ông Volodin (giữa) tham dự phiên họp tại điện Kremlin hôm 25/12 (Ảnh: Kremlin.ru)

Ký lục chính thức đăng trên website của điện Kremlin không đề cập thái độ của tổng thống Putin trước đề nghị của chủ tịch Duma.

Trả lời báo chí ngày 26/12 về vấn đề này, phát ngôn viên của tổng thống Dmitry Peskov nói: "Không có quan điểm nào [từ Kremlin] về vấn đề này. Thực tế, nhiều góc nhìn từ các chuyên gia đã được bày tỏ, bao gồm lập trường của ông Volodin, nhưng chưa có quan điểm nào được đưa ra" và không có công tác nào được thực hiện liên quan đến việc sửa đổi hiến pháp.

Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống 6 năm vào tháng 3 vừa qua, ông Putin cho biết "Ở thời điểm này tôi không có bất kỳ kế hoạch cải tổ hiến pháp nào". Ông cũng hài hước đáp lại câu hỏi về khả năng ra tranh cử vào năm 2030: "Tôi sẽ làm gì đây? Nắm quyền đến năm 100 tuổi hay sao? Không."

Dù vậy, tổng thống Nga mới đây không bác bỏ khả năng hiến pháp nước này được điều chỉnh. Trong cuộc họp báo cuối năm hồi tuần trước, ông Putin nói rằng các thay đổi trong hiến pháp là "một vấn đề để công chúng thảo luận rộng rãi".

Ngay cả khi không có sự điều chỉnh trong hiến pháp Nga, theo đúng quy định ông Putin vẫn được phép trở lại tranh cử tổng thống vào năm 2030. Kịch bản tương tự đã diễn ra vào năm 2012, khi ông Putin hoàn thành hai nhiệm kỳ tổng thống (2001-2008), và trở thành thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ 2008-2012.

Bloomberg cho hay, ông Putin - 66 tuổi - vẫn có sức khỏe rất tốt, và dù ông nói chưa có ý định tại nhiệm "vượt thời hạn", song hiện nay không nhiều người tìm thấy ứng viên phù hợp có thể thay thế ông.

Valery Solovei, nhà khoa học chính trị tại Viện Quan hệ Quốc tế quốc gia Moskva, bình luận "cảm nhận chung là không có ai thay thế Putin trong vai trò người gìn giữ thể chế".

"Không ứng viên tiềm năng nào có vị thế để duy trì 'liên hệ thiêng liêng' với người dân. Do đó lựa chọn tốt nhất có thể thấy được là thay đổi kết cấu chính phủ để bảo đảm ông Putin vẫn nằm ở trung tâm quyết sách."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại