Sáng nay (17/11), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu Hội đồng nhân dân đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Chung đã nêu ý kiến liên quan đến trách nhiệm cán bộ, công chức khi thời gian qua xảy ra một số vụ việc cán bộ, viên chức của thành phố đánh nữ nhân viên ở sân bay Nội Bài hay đánh Tiến sỹ Kh, 76 tuổi, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội bị thương.
"Trong quá trình cải cách hành chính có nội dung chấn chỉnh kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức, trong đó, có vấn đề văn hóa ứng xử tại cơ quan, khu dân cư sinh hoạt.
Quan điểm của Thành phố là sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm này", Chủ tịch Chung nói.
Ông cũng cho hay, thời gian tới Thành phố sẽ tăng cường chấn chỉnh lại kỷ cương đối với cán bộ công chức Hà Nội để không xảy ra trường hợp tương tự.
Trước ý kiến của ông Phạm Trọng Biển (cử tri phường Trần Hưng Đạo) cho rằng không biết công tác cấp phép loại hình kinh doanh có điều kiện như karaoke thế nào mà khi xảy ra cháy mới phát hiện quán họat động không phép?
Cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ cháy quán gây hậu quả nghiêm trọng?
Chủ tịch Chung cho biết, chiều thứ 2 vừa qua, thường trực Thành ủy đã họp xem xét trách nhiệm quản lý đối với UBND quận Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu và một số cán bộ liên quan.
"Quan điểm của Thành phố trong thời gian tới sẽ xem xét và xử lý nghiêm cán bộ, cơ quan có trách nhiệm liên quan đến cấp phép như Sở Văn hóa, Cảnh sát PCCC, Sở Công an… sau đó sẽ công khai kết quả xử lý", ông Chung nói.
Đối với, kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh, ông Chung cho hay, đến nay Thành phố đã trồng được khoảng 160.000 cây, tập trung ở đại lộ Thăng long, nút giao, nội đô khoảng 20.000 cây và từ nay đến Tết sẽ trồng ở các phường nội thành.
Liên quan đến sự cố cá chết hồ Tây, hiện thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm có kết luận nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
Bên cạnh đó, thành phố đã mời các công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát đánh giá "đúng là hồ Tây đang có vấn đề".
Ông Chung cho biết thêm, muốn làm sạch phải nạo vét trên hàng triệu tấn bùn, qua khảo sát có những điểm nông 5cm; muốn xử lý hồ Tây phải thu gom nước thải xả xuống hồ, hiện còn 8 cửa xả chưa được xử lý.
"Thành phố sẽ đầu tư toàn diện để hồ Tây là điểm du lịch hấp dẫn", ông nhấn mạnh.
Về ý kiến kiểm tra nhà nổi trên hồ Tây, hiện có 5 nhà nổi, từ trước khi có sự cố Thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra và yêu cầu đình chỉ vì có vi phạm Phòng cháy chữa cháy, xả thải.
"Sau sự cố cá chết Thành phố đã chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các nhà nổi này, chúng tôi cũng đã mời các chủ tàu lên yêu cầu di dời tàu ra khỏi hồ.
Sau khi hồ Tây cải tạo xong nếu đơn vị, cá nhân nào muốn kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu, mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, công năng sử dụng…", ông nêu rõ.