Đã trồng được 320.000 cây xanh
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vào sáng nay, cử tri Trịnh Quốc Việt (phường Thanh Nhàn) đã nêu ý kiến về vấn đề môi trường Hà Nội, trong đó, có đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua.
Theo ông Việt, đợt nắng nóng có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân là do chính chúng ta như ao hồ ở Hà Nội bị san lấp ngày càng nhiều, làm cho vấn đề điều hòa không khí bị ảnh hưởng.
"Đây là vấn đề không mới nhưng việc quản lý để ao hồ bị san lấp nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường sống.
Vừa qua, chúng ta tiếp tục đưa ra những giải pháp thay thế cây xanh nhưng theo tôi, thay thế phải thận trọng, nếu chặt hàng loạt cây xanh sẽ ảnh hưởng đến môi trường rất lớn", ông Việt nêu rõ.
Giải đáp ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng cao độ, với nền nhiệt có thời điểm lên tới hơn 42 độ C.
"Đây là đợt nắng nóng bất thường mà 40 năm Hà Nội mới gặp lại và nguyên nhân nắng nóng có nhiều nhưng còn có nguyên nhân từ việc lấp ao hồ, vấn đề cây xanh", ông Chung nhấn mạnh.
Theo ông Chung, tại các quận nội thành Hà Nội còn 122 hồ và rộng 1.097 ha, ngoại thành có 150 hồ, rộng 534 ha. Thêm vào đó, nếu so với đô thị tại các nước xung quanh thì Hà Nội có tỷ lệ nhiều ao hồ nhất.
Trong các năm vừa qua, ông Chung cho hay, thành phố đã kè các ao hồ này và từ tháng 3/2016, thực hiện kế hoạch toàn diện để xử lý ô nhiễm tại các ao hồ.
Ví dụ tại quận Hai Bà Trưng, hồ Giáp Bát đã được xử lý toàn bộ mùi hôi thối hay hồ Bảy Mẫu cũng được nạo vét, xử lý hồ hôi thối.
"Hiện 122 hồ đã được xử lý xong còn hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm thì TP đang xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên ngành để xử lý bùn, ô nhiễm, đảm bảo sạch sẽ", ông Chung nêu.
Chủ tịch Hà Nội cho biết thêm, trong những năm vừa qua, khi thực hiện Nghị quyết lần thứ 16 của Đảng bộ Hà Nội, TP đã xây dựng kế hoạch trong vòng 5 năm 2016-2020 sẽ xây thêm 25 công viên và trong các công viên đào thêm 25 hồ.
Hiện đã đào được thêm 4 hồ gồm hồ Bắc Mai Dịch, hồ công viên Nhân Chính, hồ công viên CV1 đã khởi công, phấn đấu 10/10/2019 sẽ hoàn thành hồ Trung Văn.
Về vấn đề cây xanh, theo ông Chung tới 31/12/2015, tính trung bình 1 người dân Hà Nội có 6,7-,68m2 cây xanh/người và sẽ phấn đấu tới năm 2020, diện tích cây xanh đạt từ 10-11 m2/người.
Để thực hiện chương trình này, TP đã đưa ra chương trình 1 triệu cây xanh và hiện đã trồng được 320.000 cây xanh.
Ông Chung thông tin, hiện thành phố thực hiện trồng cây xanh tại 5 nơi. Cụ thể, thứ nhất, trồng bổ sung tại các công viên xây dựng mới. Thứ hai trồng tại trường học. Thứ ba, trồng bổ sung trên các tuyến phổ mà trong nhiều năm cây bị đổ, mục nát.
Thứ tư, trồng trên các tuyến đường xây dựng mới và khuyến khích người dân trồng tại khuôn viên nhà riêng, các cơ quan nhà nước, công ty tư nhân.
"Theo các nhà khoa học tính toán, cây xanh khi trồng trong năm thứ nhất sẽ có tán rộng khoảng 1,5-2m2/ người, sau 3 năm cây xanh tán sẽ rộng 6-8 m2/người và sau 5 năm sẽ đạt 12-15 m2, tới năm thứ 7 sẽ đạt 18-22 m2.
Như vậy sau 5 năm 1 triệu cây xanh sẽ tạo ra 15-18 triệu m2 cây xanh và 7,5 triệu người dân sẽ tăng 2,5-2,7m2 cây xanh và hoàn toàn đạt được chỉ tiêu 10m2 cây xanh/người đã đề ra.
Nếu một đô thị có mật độ cây xanh từ 9-10 m2/người sẽ giảm được 1-1,5 độ C trong những ngày nắng nóng", ông Chung nêu rõ.
Không tránh khỏi việc chặt cây xanh
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng chỉ rõ, trong quá trình phát triển của đô thị nói riêng và của cả nước nói chung thì không tránh khỏi việc đôi khi phải đánh chuyển, cũng như chặt hạ các cây xanh đã trồng.
Có thể cây xanh trùng vào với quy hoạch cần mở rộng các tuyến đường hay mở rộng khuôn viên, cho nên bắt buộc giữa phát triển kinh tế, giao thông phải chặt hạ các cây quá già.
Hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng.
Về việc chặt hạ, dịch chuyển 1.300 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng như báo chí nêu, theo ông Chung, lãnh đạo TP và các ban ngành rất cân nhắc việc chặt hạ cây xanh.
Việc mở rộng tuyến đường vành đai 3, ông cho biết, để tránh ùn tắc giao thông và khi mở rộng ra thì Bộ GTVT mới có thể thi công đường trên cao vay bằng vốn ODA của Nhật Bản. Cùng với đó, nếu đến ngày 31/7, không thi công thì Nhật Bản sẽ rút vốn ODA.
Chủ tịch Hà Nội cho hay, trong quá trình khảo sát cho thấy, tuyến đường được quy hoạch từ 1992, trong khi đó, đa số cây xà cừ được trồng từ 1992-1996.
Khi làm việc với các nhà khoa học, lãnh đạo TP cũng có thể khẳng định các cây này không thể trồng ở các tuyến phố vì đường kính 3m và sâu 1,5m.
"Nếu chúng ta đánh chuyển và trồng lại trên các tuyến phố thì hiện Hà Nội không có vỉa hè nào có thể trồng được các cây xà cừ này, vì vậy chỉ có thể trồng những cây xà cừ vào các công viên mới.
Tuy nhiên không thể trồng tất cả xà cừ trong công viên vì phải trồng thêm hoa và các loại cây khác.
Chính vì vậy TP. Hà Nội lên kế hoạch đánh chuyển các cây còn khả năng phát triển cây thẳng còn những cây cong queo, không có thể phát triển thì sẽ chặt hạ để bán gỗ. Trong quá trình làm TP sẽ tính toán hiệu quả kinh tế.
Nếu đánh chuyển 1 cây xà cừ lớn chi phí 25 - 40 triệu, trong khi đó, trồng mới cây xanh có đường kính 20 - 25 cm thì chỉ có 3,2 triệu/ cây", ông Chung nói đồng thời khẳng định, sau khi tính toán xong, TP sẽ công khai toàn bộ việc di chuyển, đánh chuyển các cây xanh trên các tuyến phố.