Clip: Người đàn ông 40 năm hành nghề vá áo mưa rách ở Huế. Thực hiện: Hà Nam
Vá áo mưa rách cho người lao động nghèo - Nghề bị lãng quên ở thời hiện đại
"Vá áo mưa tàu ngầm" - Có lẽ mới nghe qua, nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên với cái nghề lạ hoắc lại huơ này. Ấy thế mà, suốt mấy chục năm nay, ở một góc chợ nơi cố đô, vẫn tồn tại một nghề mà dường như đã bị lãng quên ở thời hiện đại.
Chú Tí là người duy nhất còn làm nghề vá áo mưa ở chợ Đông Ba.
Chú Tí là người duy nhất hành nghề dán và sửa áo mưa ở khu chợ lớn nhất thành phố Huế này. Với bộ đồ nghề giản đơn là cái dũa, mỏ hàn, dao, kéo, lò than và vài ba miếng nilon, chú Tí đã gắn bó với cái nghiệp "ăn bám bệnh của trời" hơn 40 năm qua.
Tháng đầu năm, đất cố đô trời rả rích mưa. Bên góc chợ, người đàn ông mái tóc lốm đốm bạc vừa cẩn thận nheo mắt nhìn từng lỗ hổng để tìm cách vá áo mưa, vừa chậm rãi kể về chuyện đời chuyện nghề của mình. Nhà nghèo nên chưa học hết lớp 5 chú đã phải ra ngoài chợ bốc vác thuê, bán vé số để kiếm tiền phụ gia đình.
Cái nghề mà nghe qua cũng đủ biết "miếng cơm" phụ thuộc vào "bệnh của trời". Bởi, trời có mưa thì nghề của chú Tí mới tồn tại.
Bộ đồ nghề được chú Tí "tự chế" để hành nghề vá áo mưa...
Nhìn đôi tay thoăn thoắt vá từng mảng áo mưa, chúng tôi hiểu nếu không có sự yêu nghề thì chú Tí đã không làm nghề này lâu đến vậy.
Với những người lao động nghèo, việc vá lại những chiếc áo mưa rách giúp họ tiết kiệm được nhiều chi phí...
Thời bao cấp, nghề vá áo mưa khá thịnh và đông đảo người làm công việc này. Thế rồi, trong những lần trời mưa, không làm việc được, chú Tí lại lân la đến xem các "tiền bối" vá áo mưa rồi nghề ngấm vào máu khi nào không hay. Gần 30 tuổi, chú quyết định mang cái nghề mình "học lỏm" được ra chợ "kiếm cơm" và gắn bó đến nay.
"Ngày xưa, sắm được cái áo mưa rất khó khăn, nếu cứ rách một tí đã bỏ đi như bây giờ thì chỉ có đại gia mới dám thôi. Hồi đó, áo mưa tiện lợi mặc một lần chưa phổ biến nên hầu hết ai cũng sử dụng áo mưa cánh dơi, áo mưa bộ. Cứ mỗi khi rách, thủng chỗ nào là người ta lại mang đi vá, nhiều cái áo vá đi vá lại hàng chục lần…", chú Tí tâm sự.
Chú Tí tỉ mẩn tìm từng lỗ thủng trên chiếc áo mưa của khách.
Bà Nguyễn Thu Lành, bán cá tại chợ Đông Ba chia sẻ: "Mùa mưa năm nào tôi cũng thu gom áo mưa rách trong nhà mang ra nhờ chú Tí vá. Vá mỗi cái lành lặn, chú ấy lấy 5.000 đồng, may mà chú còn làm nghề, chứ vứt đi thì uổng quá, còn mua cái mới thì tốn lắm…".
Vá áo mưa nuôi 3 đứa con ăn học
Thời hoàng kim, dù tiền công vá một chiếc áo mưa chỉ vài trăm đồng thế nhưng được cái đông khách nên mỗi ngày chú Tí cũng giắt lưng kha khá tiền.
Về sau, tiền công ngày càng lên giá 1.000 đồng, 2.000 đồng/lỗ rồi đến 5.000 đồng/lỗ như bây giờ nhưng chú Tí có "nguyên tắc", rất hiếm khi lấy của khách quá 5.000 đồng/áo mưa, trừ những chiếc bị rách quá nhiều.
Bởi theo chú: "Những người mang áo mưa đến vá đa số là người nghèo, họ cũng chắt chiu, tiết kiệm từng đồng nên mình cũng không nỡ lấy đắt. Dù thu nhập bèo bọt nhưng tôi rất hạnh phúc vì duy trì được cái nghề một thời giúp tôi nuôi sống cả gia đình và lo cho 3 đứa con ăn học…".
Chú Tí tự gọi cái nghề của mình là "nửa mùa" vì chỉ "kiếm cơm" được vào mùa mưa, còn mùa nắng thì "thất nghiệp".
Bỏ dở câu chuyện, có người phụ nữ mang áo mưa đến vá, chú Tí tỉ mỉ xem độ dài rộng của chỗ rách rồi ướm, cắt miếng nilon cùng loại với chiếc áo mưa này một cách vừa vặn. Sau đó, chú nhẹ nhàng rút chiếc dùi sắt đã nung đỏ trong lò than ra và chà qua sáp nến (để giảm nhiệt độ giúp nilon không bị cháy và làm bề mặt chiếc dùi trơn hơn).
Thấy đống nến bốc khói mù mịt, chú gật đầu tỏ vẻ dùi đã vừa nhiệt độ, rồi lấy một miếng nilon khác (loại không dính), đặt lên trên miếng vá và áo mưa, bên dưới có kê sẵn một tấm sắt bề mặt sần sùi.
Sau đó, chú dùng mỏ hàn đang nóng đè mạnh, dí lên, dí xuống nhiều lần để chúng bám chặt vào nhau.
Rít một hơi thuốc dài, chú Tí cười khà khà chia sẻ: "Nhìn thì đơn giản nhưng nếu cái mỏ dùi nóng quá, không cẩn thận làm hư cái áo mưa, mất công không có tiền mà đền.
Ớn nhất là khi gặp những cái áo mưa quá rách hoặc những chiếc mà chất liệu mình chưa thấy bao giờ. Suốt 40 năm, tôi làm vui lòng nhiều vị khách khó tính nhưng cũng không ít người bắt đền lại cái mới vì lỡ làm hư cái áo mưa của họ...".
Chú Tí 5K năm nay đã 70 tuổi, hy vọng thêm nhiều mùa mưa sau nữa, người dân Huế vẫn có thể nhìn thấy chú ngồi đó vá những chiếc áo mưa – cái "nghề muôn năm cũ" đầy thân thương nhưng đang dần "biến mất"…
Thấy tôi thắc mắc tại sao lại gọi "vá áo mưa tàu ngầm", chú Tí chép miệng, đó chỉ là một cách nói ngoa cho vui, bởi thường sau khi được dán lại bằng dùi nóng, chiếc áo mưa chắc đến mức giống như tàu ngầm, không thể ngấm nước.
"Chiếc tàu ngầm bị lủng, nước tràn vô thì người chết hết. Còn chiếc áo mưa bị lủng, nước thấm vô sẽ làm người mặc bị đau. Tôi vá áo mưa lành như mới, chắc như chiếc tàu ngầm vậy, bảo đảm không thấm nước, nếu hư lại chỗ đã vá thì tôi trả lại tiền…", chú Tí cười đắc chí.