Xây dựng dự toán ngân sách quốc phòng cho năm tiếp theo là nhiệm vụ có tính nguyên tắc, một nội dung trọng tâm của công tác tài chính Quân đội; thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các ngành, đơn vị và cơ quan tài chính các cấp trong toàn quân.
Đây là khâu đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng, cơ sở để điều hành, chấp hành, giám sát và quyết toán ngân sách đảm bảo cho thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Năm 2016, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp, ngành Tài chính Quân đội đã tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn và tiến hành xây dựng, triển khai dự toán ngân sách theo phân cấp, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ.
Bởi vậy, việc xây dựng dự toán ngân sách của các ngành, đơn vị đã có nhiều đổi mới về thủ tục, phương pháp tiến hành, chất lượng được nâng cao. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước giao chưa đáp ứng đủ nhu cầu, toàn quân đã chủ động cân đối toàn diện, khoa học ngay từ bước lập dự toán.
Qua đó, tạo cơ sở để quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả ngân sách và các nguồn lực tài chính khác, đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất.
Bên cạnh những mặt tích cực là cơ bản, việc xây dựng dự toán ngân sách ở một số ngành, đơn vị, lĩnh vực vẫn còn những hạn chế, như: dự toán xây dựng chưa cân đối giữa các nhiệm vụ, tính khả thi thấp; số dự toán chi ngân sách thường cao hơn so với khả năng; việc phân bổ ngân sách cho cấp trực tiếp chi tiêu thực hiện chưa triệt để; dự toán thu chưa được quan tâm đúng mức.
Hhải quân đánh bộ luyện tập phương án chiến đấu chi viện biển, đảo.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng dự toán ngân sách cá biệt có nơi chưa sát sao, thiếu kịp thời, còn biểu hiện khoán trắng cho cơ quan tài chính, v.v.
Năm 2017, toàn quân tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X đề ra; nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển, yêu cầu cao.
Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cùng nhiều chế độ chính sách mới được ban hành và có hiệu lực. Nhu cầu ngân sách cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tăng cao.
Do tình hình kinh tế, tài chính đất nước còn khó khăn, nên ngân sách Nhà nước bảo đảm cho quốc phòng năm 2017 tuy có tăng nhưng không nhiều.
Trong bối cảnh đó, khi xây dựng dự toán ngân sách năm 2017, các ngành, đơn vị cần nhận thức rõ và chia sẻ trước những khó khăn chung của đất nước, Quân đội; đồng thời, chủ động bám sát phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, có biện pháp khắc phục khó khăn, giải quyết hợp lý sự mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng bảo đảm của cấp trên, chủ động xây dựng dự toán đúng định hướng, có chất lượng, tính khả thi cao, tạo cơ sở cho triển khai thực hiện.
Để thực hiện tốt điều đó, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các ngành, đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách và phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan tài chính trong việc tham mưu, hiệp đồng, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
Do thời gian cho lập dự toán, phân bổ ngân sách không nhiều, nên các ngành, đơn vị cần thực hiện nghiêm Quy chế lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tài chính, có biện pháp lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra sát sao, kịp thời.
Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy các ngành, đơn vị cần chủ động dự kiến phương hướng nhiệm vụ năm 2017, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ mới phát sinh và nhu cầu bảo đảm về tài chính, để cơ quan tài chính có căn cứ cân đối, lập dự toán ngân sách sát, đúng.
Về nguyên tắc, các nội dung, chỉ tiêu dự toán thu, dự toán chi ngân sách của ngành, đơn vị phải được cấp ủy thảo luận và quyết định. Người chỉ huy (chủ tài khoản) phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp và người chỉ huy cấp trên về dự toán ngân sách của ngành, đơn vị mình.
Hải quân Việt Nam duyệt đội hình trên biển.
Cùng với đó, cơ quan tài chính các cấp cần tích cực, chủ động thu thập, nắm vững tình hình mọi mặt và các yếu tố xây dựng dự toán ngân sách, nhất là quán triệt, nắm vững Chỉ thị 86/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc "Xây dựng kế hoạch bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng và dự toán ngân sách quốc phòng năm 2017"; Công văn 2646/CTC-KHNS, ngày 24-6-2016 của Cục Tài chính về "Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2017" và những nội dung có liên quan trong Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), làm cơ sở cho lập, phân bổ dự toán ngân sách năm 2017 đạt chất lượng cao nhất và đảm bảo yêu cầu về thời gian theo quy định.
Từ kinh nghiệm xây dựng dự toán ngân sách những năm qua, các ngành, đơn vị cần đặc biệt chú trọng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch các khâu, các bước trong lập, phân bổ dự toán ngân sách.
Thực hiện lập và phân bổ ngân sách đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên ngân sách, kiên quyết không để nảy sinh cơ chế "xin, cho".
Năm 2017, ngân sách Nhà nước bảo đảm cho quốc phòng cơ bản như dự toán đầu năm 2016 và chủ yếu tập trung bảo đảm cho các chế độ chính sách về đời sống bộ đội và các nhiệm vụ, chương trình, mục tiêu, dự án, đề án, theo định hướng của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Vì vậy, để đảm bảo khả thi, cân đối ngân sách, các ngành, đơn vị cần rà soát kỹ và bám sát nhiệm vụ được giao để lập, phân bổ ngân sách; không tổng hợp vào dự toán ngân sách các nội dung chưa rõ nhiệm vụ, dự án ngoài quy hoạch, chưa được phê duyệt.
Quá trình thực hiện, chú ý bao quát hết các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đồng thời, chủ động dự kiến nhiệm vụ chi phát sinh trong năm, yếu tố biến động về quân số, giá thị trường, làm cơ sở tính toán, cân đối, khắc phục tình trạng dự toán quá cao, vượt khả năng bảo đảm hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị cần quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Bộ Quốc phòng về thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và chú trọng giải quyết kịp thời tồn tại, thiếu sót của những năm trước, ngay trong khâu lập dự toán ngân sách.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tài chính các cấp cần đề cao trách nhiệm, tích cực hướng dẫn, chỉ đạo và tiến hành lập, tổng hợp, thẩm định dự toán ngân sách theo quy định.
Trong đó, chú trọng làm tốt việc thẩm định dự toán của đơn vị thuộc quyền, nhất là dự toán chi, kiên quyết cắt bỏ các khoản ngân sách bố trí sai nội dung, vượt định mức. Các phòng chức năng của Cục Tài chính tích cực phối hợp, thực hiện tốt quy định về thẩm định chéo trước khi giao ngân sách cho các ngành, đơn vị.
Trên cơ sở định hướng chung đó, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội căn cứ vào loại hình tổ chức hoạt động, đặc thù nhiệm vụ để xây dựng dự toán thu, dự toán chi ngân sách cho phù hợp.
Trong đó, phải thuyết minh, giải trình đầy đủ, chi tiết cơ sở, căn cứ xây dựng dự toán, mức dự toán chi (thu) ngân sách đề xuất cho từng đầu mối, nhiệm vụ.
Để đảm bảo thống nhất, khi xây dựng dự toán, các ngành, đơn vị lấy quân số theo số bảo đảm năm 2016; mặt bằng giá tính tại thời điểm cuối quý 2 năm 2016; giá thanh toán sản phẩm quốc phòng theo mức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thanh toán năm 2016.
Cụ thể, đối với dự toán thu, phải xác định chi tiết số thu nộp ngân sách nhà nước, số thu cân đối ngân sách và số thu được để lại đơn vị (thu quản lý qua ngân sách). Đây là nội dung quan trọng, giúp tăng khả năng cân đối ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Do đó, các ngành, đơn vị cần phấn đấu tăng mức thu so với năm 2016 trên cơ sở tính đúng, tính đủ các nguồn thu theo quy định.
Để xây dựng và thực hiện tốt dự toán thu, các ngành, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp quân đội phải nắm vững nội dung thu, chính sách, chế độ thu; rà soát, cân đối vào nguồn thu các phương án có tính khả thi và dự kiến yếu tố tác động đến nguồn thu, để xác định số thu phù hợp với khả năng thực hiện.
Đồng thời, tích cực rà soát, khai thác nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương chi cho công tác quân sự, quốc phòng; tăng cường nguồn thu từ nội bộ, nhất là thu từ chuyển đổi, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế, từ tăng gia, sản xuất, dịch vụ và huy động vật tư, hàng hóa tồn kho đưa vào sử dụng, cũng như thanh lý các loại tài sản không còn sử dụng, nằm ngoài quy hoạch trang bị theo đúng quy định, v.v.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Quân đội cần tăng cường quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và nộp điều tiết về Bộ Quốc phòng.
Đi liền với xây dựng dự toán thu, các ngành, đơn vị tập trung xây dựng dự toán chi ngân sách đảm bảo cân đối hợp lý và triệt để tiết kiệm.
Dự toán chi phải xác định rõ các nội dung: chi ngân sách quốc phòng, chi ngân sách Nhà nước giao, chi ngân sách địa phương đảm bảo cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và các khoản chi từ nguồn thu đơn vị được để lại theo quy định.
Năm 2017, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo tập trung ngân sách bảo đảm cho các cân đối lớn; trong đó, ưu tiên cho các nhiệm vụ: sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập; thực hiện chế độ, chính sách, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; các nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo (ưu tiên các đảo gần bờ), giữ vững chủ quyền quốc gia; giáo dục, đào tạo; đảm bảo duy trì đồng bộ kỹ thuật của vũ khí, trang bị hiện có; bảo đảm xăng dầu cho các nhiệm vụ.
Vì vậy, quá trình lập dự toán, các ngành, đơn vị cần chủ động cân đối, điều chỉnh cơ cấu chi hợp lý, bảo đảm toàn diện cho các nhiệm vụ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên, chú ý rà soát, giảm trừ những nội dung chi cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã hoàn thành trong năm 2016.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện khoán chi đối với một số nội dung chi nghiệp vụ; tăng cường phân cấp ngân sách cho đơn vị cơ sở, hạn chế tối đa phần chi mua sắm tập trung, cấp phát hiện vật, nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.
Đối với dự toán chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị tính toán tổng hợp chung vào dự toán ngân sách năm, trên cơ sở bám sát Danh mục các dự án mở mới hoặc triển khai theo tiến độ đã được Bộ phê duyệt kế hoạch vốn trong năm 2017.
Cục Tài chính sẽ cân đối, báo cáo Bộ bố trí đủ vốn cho các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020), theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng; trước hết, ưu tiên các dự án quan trọng, cấp thiết và giải quyết nợ đọng các công trình huấn luyện, thao trường, bãi tập; kiên quyết không bố trí vốn cho dự án không có trong quy hoạch, dự án mở mới sai quy định.
Xây dựng dự toán ngân sách quốc phòng năm 2017 là một nhiệm vụ quan trọng ở thời điểm hiện nay, cần được các ngành, đơn vị trong toàn quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, tạo cơ sở để thực hiện tốt công tác tài chính, ngân sách năm 2017, góp phần bảo đảm cho toàn quân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.