Việc tên lửa của Nga S-400 được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ hay chưa vẫn là dấu hỏi.
Thông điệp thử nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ
Vào ngày 25-26/11, bầu trời Ankara đã chứng kiến các hoạt động của máy bay quân sự đầu tiên sau 3 năm, kể từ khi cuộc đảo chính thất bại năm 2016. Những chiến đấu cơ F-4 và F-16 đã cất cánh từ căn cứ không quân Murted để thử nghiệm radar trên hệ thống phòng không S-400.
Radar của S-400 được biết đến là có khả năng theo dõi mục tiêu tên lửa và máy trong phạm vi 570km. Radar 91N6E được phát triển trên S-400 có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu tầm gần của đối phương, bên cạnh radar điều khiển hỏa lực 92N6E Grave Stone.
Việc truyền thông đăng tải hình ảnh về thử nghiệm radar S-400 cho thấy Ankara không phủ nhận hoạt động này và thậm chí muốn công khai cho cả thế giới biết về hoạt động của mình.
"Sau thử nghiệm với F-16, sẽ có thêm các thử nghiệm trên nền tảng khác như máy bay không người lái vũ trang và không vũ trang, máy bay mô phỏng mục tiêu và tên lửa hành trình mô phỏng, cũng như máy bay hỗ trợ", Level Ozgul, một nhà phân tích từ Turkish Defense News cho biết.
"Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là S-400 có thể chống lại được các mối đe dọa chính vào cuối tháng 12/2019, đạt được khả năng hoạt động ban đầu trước khi tiến tới hoạt động đầy đủ".
Nga đã giao tên lửa của S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hay chưa?
Mặc dù đã tiến hành thử nghiệm radar cũng như nhận được các khóa đào tạo kíp vận hành từ phía Nga, công chúng vẫn chưa được thấy quá trình giao tên lửa của S-400 tới Ankara được diễn ra, ít nhất là trên các tuyên bố chính thức.
Trước đó, các lô hàng tên lửa của S-400 được Nga gửi đến Trung Quốc đã được thực hiện bằng đường biển để tránh rủi ro thiệt hại. Điều này đặt ra suy đoán rằng, tên lửa cũng sẽ được vận chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường biển và một khi đã được chuyển đến, nó sẽ không thể thoát khỏi tầm ngắm của giới truyền thông.
Mỹ-Thổ đang đi vào đường hầm không thể quay đầu.
Cho đến lúc này, vẫn chưa có hình ảnh nào liên quan đến quá trình tên lửa S-400 chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ được đăng tải, khiến nhiều người tin rằng có thể hoạt động này chưa diễn ra.
Trước đó, có thông tin cho rằng các tên lửa sẽ đến Ankara cuối tháng 10. Tuy nhiên đến nay quá trình giao hàng đã chậm trễ một tháng, khiến giới quan sát thắc mắc.
"Sự chậm trễ này có thể là ý đồ của Ankara trong việc sử dụng S-400 như một quân át chủ bài thương lượng với Mỹ và NATO. Khi các tên lửa chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ và được nạp vào các bệ phóng, lúc đó hệ thống sẽ được kích hoạt đầy đủ. Đây là lý do tại sao chúng ta đang theo dõi cẩn thận các báo cáo về lô hàng tên lửa", cây bút Metin Gurcan viết trên Al-Monitor.
Về phần mình, chuyên gia phòng không Hakan Kilic cho biết, cuộc thử nghiệm radar là một thông điệp ngoại giao nhiều hơn là vấn đề kỹ thuật. Cuộc thử nghiệm cho thấy sự quyết đoán của Ankara trong việc kích hoạt S-400.
"Các khóa đào tạo kíp vận hành S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đang được tiếp tục. Cả nhân sự và hệ thống S-400 sẽ được thử nghiệm liên tục cho đến tháng 4/2020", ông nói.
Trong khi đó, tuyên bố từ các quan chức Nga về việc sẵn lòng bán thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ S-400 có thể làm nhíu mày giới chức ở Washington. Theo nhà phân tích Ozgul, việc tranh cãi Mỹ-Thổ kéo dài cho đến tận thời điểm này là do lập trường của hai bên gần như không thể dung hòa.
Cả Ankara và Washington đều đã đi vào đường hầm không thể quay đầu. Mỹ buộc phải thông qua các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không các quốc gia khác như Ai Cập, Ấn Độ, UAE sẽ đổ xô đi mua S-400 của Nga .
Hơn cả, việc chuyển giao tên lửa S-400 cho Ankara lúc này đang trở thành vấn đề quan trọng. Nếu các tên lửa của hệ thống đã được chuyển đến Ankara, điều này đồng nghĩa với việc Ankara sẽ không thể lùi bước. Nhưng nếu tên lửa chưa được Nga chuyển đi, vẫn còn cơ hội cho một giải pháp ngoại giao.