Nội dung câu chuyện dưới đây được đăng tải trên trang Secretchina.com. Bài viết như sau:
Từ nhỏ, mẹ đã dạy tôi không được tùy tiện lấy đồ của người khác, lớn lên tôi càng hiểu rõ ý nghĩa của hành động có qua có lại.
Có qua có lại
Còn nhớ có một lần đi tàu cao tốc đến Trịnh Châu, tôi có mang theo ít bánh quy xinh xắn được đóng gói cũng rất đẹp.
Khi tôi đang ăn một cách vui vẻ thì thấy có một bé gái cứ nhìn chằm chằm thèm thuồng chiếc bánh quy trên tay mình.
Thấy dáng vẻ đó của cô bé thú vị, tôi tiện tay cầm một gói nói: "Em cầm lấy ăn đi." Cô bé vốn đã đưa tay về phía tôi, cuối cùng lại rụt về, nét mặt thay đổi liên tục như thể đang đấu tranh tâm lý kịch liệt.
Cô bé nói với tôi: "Mẹ em nói không được tùy tiện nhận đồ của người khác. Anh ơi, em không muốn nữa."
Tôi nói: "Vậy em nói cảm ơn anh, như thế không phải là tùy tiện lấy nữa." Em bé gái ngọt ngào nói cảm ơn tôi, nhận gói bánh của tôi rồi cực kỳ vui mừng chạy đi.
Ảnh minh họa.
Một lát sau, cô bé lại quay lại, tay cầm một quả táo lớn nói với tôi: "Anh ăn táo đi." Tôi nói: "Anh không ăn nhưng anh cảm ơn em." Em ấy nói: "Mẹ em nói rồi, nhận đồ của người khác thì phải tặng quà cho người khác. Anh không nhận, em không đi."
Tôi nói: "Được, được, được. Anh nhận rồi. Cảm ơn món quà của em." Chuyện này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Cô bé nhỏ vậy mà đã biết rằng chiếm lợi từ người khác là sai. Tôi nghĩ điều này là được dạy dỗ.
Còn một câu chuyện nữa mà có lẽ mọi người cũng đã biết liên quan đến việc người mẹ dùng 3 bát mỳ trứng gà để dạy con không chiếm lợi.
Lần thứ nhất
Một bữa trưa, mẹ nấu 2 bát mỳ trứng gà rất ngon, một bát có trứng để trên mỳ, một bát không nhìn thấy trứng bên trên. Đặt 2 bát mỳ lên bàn, người mẹ hỏi con trai: "Con muốn ăn bát nào?"
"Bát có trứng ạ." Cậu bé chỉ vào bát mỳ trứng nói.
Mẹ cậu hỏi: "Con không nhường cho mẹ sao? Con nhớ câu chuyện Khổng Dung nhường lê mà mẹ đã kể cho con nghe không? Người ta 7 tuổi đã biết nhường lê, con 10 tuổi rồi đấy."
Cậu con trai không đồng ý nói: "Khổng Dung là Khổng Dung, con là con, con không nhường."
Mẹ cậu lại hỏi dò: "Con không nhường thật sao?"
Cậu bé trả lời dứt khoát: "Thật ạ.", rồi cắn ngay nửa miếng trứng thể hiện rằng bát mỳ này là của mình.
"Con không hối hận chứ?" Chị hết sức ngạc nhiên trước hành động của con mình nhưng vẫn nhẫn nại hỏi lại lần cuối.
"Không ạ." Và để thể hiện quyết tâm không thể lay chuyển của mình, cậu ta ăn luôn nửa miếng trứng còn lại.
Lặng lẽ nhìn con ăn xong bát mỳ, người mẹ quay sang bắt đầu ăn bát mỳ không có trứng của mình. Tuy nhiên, mẹ cậu bé đã giấu 2 quả trứng bên dưới mỳ. Lúc này chị cố ý gạt mỳ ra để con trai nhìn thấy rõ.
Người mẹ chỉ vào 2 quả trứng trong bát, dạy con rằng: "Con hãy nhớ, người nào muốn chiếm lợi trước mắt, sẽ không bao giờ có được lợi ích to lớn hơn ở đằng sau."
Cậu bé cúi mặt xấu hổ.
Lần thứ 2
Một buổi sáng ngày nghỉ, mẹ lại nấu 2 bát mỳ. Cũng như lần trước, một bát thấy rõ trứng trên bề mặt, một bát không có trứng. Chị thản nhiên hỏi: "Con muốn ăn bát nào?"
"Con đã 10 tuổi rồi. Con phải biết nhường bát mỳ có trứng cho mẹ ăn." Cậu bé nói, rồi bê bát mỳ không có trứng lại chỗ mình.
"Con không hối hận chứ?" Người mẹ hỏi. "Không ạ." Cậu con trai trả lời kiên quyết, rồi cậu ăn thật nhanh nhưng ăn hết cả bát mỳ cũng chẳng thấy trứng đâu.
Mẹ cậu bê bát mỳ có trứng còn lại lên ăn. Khi mẹ ăn, cậu ta thấy trên bề mặt có một quả trứng, không ngờ dưới mỳ còn có một quả trứng nữa. Người mẹ chỉ vào quả trứng nói: "Con hãy nhớ, người muốn chiếm lợi về mình có thể sẽ phải chịu thiệt nhiều hơn."
Lần thứ 3
Vài tháng sau, tình huống vẫn như vậy. Mẹ lại hỏi con trai: "Con muốn ăn bát nào?"
"Khổng Dung nhường lê, con trai nhường mỳ. Mẹ là bậc bề trên, mẹ chọn trước đi ạ."
"Vậy mẹ không khách sáo nhé."
Quả nhiên chị thật sự không hề khách sáo bê ngay bát mỳ có trứng. Con chị điềm tĩnh bê bát mỳ không trứng lại ăn.
Ăn một lát thì cậu thấy trong bát mỳ của mình cũng có giấu trứng. Người mẹ ý tứ sâu xa nói với con trai: "Người không muốn chiếm lợi, cuộc sống sẽ không để họ phải chịu thiệt thòi."
Câu chuyện này nói cho chúng ta biết, thực tế việc có vẻ như "chịu thiệt" này là dạy con đạo lý "giáo dưỡng" và "tu dưỡng". Mà người như vậy sẽ không hề thấp kém trong xã hội.
Trên thực tế bao nhiêu năm nay, tôi đã hình thành một thói quen: Không tùy tiện chiếm lợi. Giả dụ không nhận không được thì ít nhất cũng biết nói tiếng cảm ơn.
Có lần, bạn học nói ai đó sinh nhật mời ăn cơm, hỏi tôi có đi không. Tôi lắc đầu nói: "Mình không quen cậu ấy, đi ăn cơm của người ta không thích hợp lắm."
Bạn tôi khăng khăng nói, có lợi mà không chiếm thì quá ngốc rồi cứ khăng khăng kéo tôi đi.
Há miệng mắc quai
Khi đi qua tiệm đồ lưu niệm, tôi vẫn mua một món quà nhỏ. Đến nơi, chủ bữa cơm sinh nhật thấy thế bảo tôi khách sáo quá. Sau bữa cơm vô cùng vui vẻ, cậu ấy xin tôi số điện thoại liên lạc. Sau đó chúng tôi đã trở thành bạn tốt của nhau.
Có một lần tôi hỏi cậu ấy: "Sao chúng ta lại trở thành bạn nhỉ? Rõ ràng chúng ta vốn chẳng quen biết gì nhau."
Cậu ấy nói: "Năm đó cậu là một người không quen biết còn mang quà đến dự sinh nhật mình, mình biết cậu có lòng và còn không thích chiếm lợi của người khác. Người như vậy đương nhiên đáng làm bạn rồi."
Mọi tình cảm trên đời này đều là một loại cách thức. Thông qua cách thức "không chiếm lợi", "có qua có lại" thế này, chúng ta biết được rằng "tôi nhớ đến bạn, tôi quan tâm bạn, tôi cần có bạn".
Điều quan trọng không phải là khi bạn huy hoàng có bao nhiêu người biết bạn, mà là khi bạn khốn khó có bao nhiêu người nhớ đến bạn.
Dựa vào cái gì, người ta nhớ đến bạn, chính là dựa vào cách thức có qua có lại như vậy. Hiểu được đạo lý "có qua có lại" là một cách tu dưỡng đối nhân xử thế.
Trong "Hồng Lâu Mộng", Tào Tuyết Cần viết: "Thế sự nâng cao học vấn, tình người luyện thành văn chương".
Biết cách đối nhân xử thế, đi đến đâu cũng có người nhớ đến bạn. Nếu chỉ biết đến mình thì quan hệ không bền, phải có qua có lại thì quan hệ mới càng gắn kết.
Có người nói đến bản thân tôi cũng chẳng lo được, còn lo chuyện có qua có lại sao?
"Đói cho sạch, rách cho thơm", bạn nghèo cũng được nhưng đừng chiếm lợi của người khác. Đây chính là điều giáo dưỡng bạn "giữ mình".
Người thông hiểu lẽ thường "thành đạt không quên người khác" chính là đạo lý tu dưỡng đối nhân xử thế.
"Giáo dưỡng" và "tu dưỡng" là bài học quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời của một đứa trẻ. Mỗi cha mẹ đều nên lấy mình làm gương. Bồi dưỡng nhân phẩm và tố chất này cho con, đứa trẻ như vậy mới có thể vươn cao hơn, đi xa hơn.