Cho bạn mượn tài khoản ngân hàng, phải chịu án 8 tháng tù giam

Huỳnh Duy |

Bản án tuyên phạt bị cáo 8 tháng tù giam và số tiền 3,5 triệu đồng vì hành vi cho bạn mượn tài khoản ngân hàng.

 - Ảnh 1.

The Paper đưa tin, Tòa án Nhân dân huyện Songtao (Quý Châu, Trung Quốc) đã xét xử một vụ án liên quan đến việc che giấu tội phạm và tài sản bất hợp pháp. Bản án tuyên phạt bị cáo Lưu 8 tháng tù giam và số tiền 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng).

Lĩnh án 8 tháng tù giam vì cho bạn mượn tài khoản ngân hàng

Thông tin cho biết, vào ngày 02/01/2024, bị cáo Lưu Mỗ Mỗ đã cho một người bạn mượn tài khoản ngân hàng của mình để giao dịch và vay tiền online. Người này hứa sẽ trả công từ 1.000 đến 2.000 NDT (khoảng 3,5 - 7 triệu đồng) và được Lưu đồng ý.

Thực tế tài khoản của Lưu được người bạn này sử dụng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp và lưu trữ khoản tiền thu được từ những phi vụ lừa đảo qua Internet. Lưu biết rõ điều này nhưng vẫn chuyển tiền đến những tài khoản được chỉ định theo yêu cầu của người bạn, để nhận được khoản thù lao.

 - Ảnh 2.

Theo The Paper, thời điểm khi bị phát giác, tài khoản ngân hàng của Lưu có tổng cộng 14.630 NDT (khoảng 51,5 triệu đồng) tiền của các bị hại. (Ảnh: The Paper)

Bản án tuyên phạt bị cáo Lưu 8 tháng tù giam và số tiền 1.000 Nhân dân tệ. Hành vi của Lưu cấu thành tội bao che, che giấu số tiền thu được do phạm tội mà có. Bản án này được đưa ra dựa trên tình tiết phạm tội, tiền án, hậu quả, thành khẩn khai báo và sự ăn năn hối cải của bị cáo Lưu.

Cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng sẽ bị xử lý thế nào?

Theo Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN có quy định về các nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán như sau:

 - Ảnh 3.

Chủ tài khoản cho người khác sử dụng tài khoản của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh hoạ)

- Đảm bảo có đủ tiền trên tài khoản thanh toán để thực hiện các lệnh thanh toán đã lập. Trường hợp có thỏa thuận thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản thì phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan khi chi trả vượt quá số dư Có trên tài khoản;

- Chấp hành các quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán;

- Kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng;

- Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình;

- Cung cấp đầy đủ, rõ ràng, chính xác các thông tin liên quan về mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Thông báo kịp thời và gửi các giấy tờ liên quan cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi có sự thay đổi về thông tin trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán.

- Duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

- Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình;

- Không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình;

- Không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Như vậy, việc cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Theo đó, chủ tài khoản thanh toán không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình.

Cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán sẽ bị xử lý thế nào?

Theo điểm a khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định:

 - Ảnh 4.

Nếu người cho thuê, cho mượn biết được người thuê, mượn tài khoản sử dụng vào việc vi phạm pháp luật mà vẫn cố tình cho thuê, cho mượn thì sẽ là hành vi đồng phạm. (Ảnh: Công Lý)

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm

Đồng thời, theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối với hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán cá nhân có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt lên đến 200 triệu đồng, ngoài ra còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, theo quy định hiện nay không quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản, nhưng có quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, đối với hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán tài khoản thanh toán ngân hàng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại