Chính quyền Tổng thống Trump đang tiếp tục phát đi những thông điệp mâu thuẫn và trái ngược tới Iran về các điều kiện đàm phán mới.
Tờ Daily Beast dẫn lời nhiều quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, sự rối loạn này khiến Tổng thống Trump rất bực mình và làm phức tạp các nỗ lực ngoại giao cho một số đồng minh của Mỹ ở nước ngoài, đồng thời gây trở ngại cho giới hoạch định chính sách trong nước.
Thời gian qua, Mỹ đã nỗ lực truyền đi một loạt thông điệp, thông qua các đồng minh, gửi tới Iran nhằm tiến tới các cuộc đàm phán ngoại giao chính thức với Tehran. Tuy nhiên, các ý kiến khác nhau trong nội bộ chính quyền Trump đang cản trở tiến trình ngoại giao đang trong thời kỳ trứng nước này, theo hai quan chức Mỹ và một nguồn thạo vấn đề.
Sự bất đồng đang kéo căng các trung gian nước ngoài kết nối gữa Washington và Tehran. Họ cho biết đã chán ngấy với việc nhận được các tín hiệu trái ngược nhau từ chính quyền Tổng thống Trump.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao tiết lộ với Daily Beast rằng, Tổng thống Trump đã tỏ rất rõ ông "sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran để tìm ra một thỏa thuận và trao cho Iran tương lai mà nước này đáng được hưởng".
Thời gian qua đã có thông tin về những căng thẳng tồn tại giữa Tổng thống Trump và một số quan chức cấp cao trong chính quyền, trong đó có Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, về mức độ cứng rắn khi tiếp cận với Tehran. Hồi tháng 6, ông Trump thậm chí yêu cầu các thành viên nội các cùng các trợ tá cấp cao hãy giảm bớt lời lẽ của họ về khả năng chiến tranh với Iran, dù xảy ra các cuộc tấn công tàu dầu ở Vịnh Oman mà Washington tố Tehran là thủ phạm.
Theo các nguồn tin của Daily Beast, những thông điệp cùng chỉ dẫn trái chiều được phát đi từ Mỹ bao gồm nhiều chi tiết khác nhau theo thời điểm về các điều kiện tiên quyết mà nước này đặt ra để ngồi lại với Iran, và các đề xuất khác nhau về thời hạn mà Mỹ xem xét hoãn trừng phạt kinh tế với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Các quan chức Mỹ, châu Âu và một số nhân vật liên quan đàm phán Mỹ - Iran tiết lộ thêm, một số nhân vật an ninh cấp cao của chính quyền Trump hiện nay cũng đang bất đồng về những gì sẽ được đặt lên bàn thương lượng, trong đó có việc có nên nới lỏng một số lựa chọn trừng phạt, hay giữ nguyên hoặc tạm dừng tất cả.
Căng thẳng hiện nay xuất phát từ tham vọng của Tổng thống Mỹ muốn tính toán một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, trong khi một số cố vấn không muốn như vậy. Nói chung, ông Trump nghiêng về hoãn cấm vận để có thời gian dài hơn cho đàm phán. Tuy nhiên, các quan chức an ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao lại khuyên ông đưa ra yêu sách khung thời gian nghiêm ngặt hơn cho nới lỏng cấm vận.
Hai nguồn thạo tin tiết lộ với Daily Beast rằng Mỹ đã dành hơn một năm qua để tổ chức đàm phán với Iran, dựa vào các nước trung gian như Oman, Thụy Sĩ, Nhật, Iraq và Pháp. Tuy nhiên, các thông điệp trái chiều đã gây không ít khó chịu cho họ, đặc biệt là với Pháp. Ông Trump đã bày tỏ với Pháp cách nhìn khác hẳn so với ý kiến của Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao về cách thức đưa ra yêu sách với Tehran. Và người Pháp bị kẹt ở giữa.
"Người Pháp lo ngại liệu họ có nhận được các chỉ dẫn rõ ràng và có thẩm quyền từ Mỹ hay không", một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói. "Không có quy trình chính sách nào về Iran. Thế nên người Pháp đang phải nhận những thông tin trái chiều. Vì vậy chẳng có gì lạ khi chính quyền nói 'Macron hãy làm điều này đi' rồi sau lại hủy bỏ chỉ dẫn đó".
Tình trạng này đang gây căng thẳng trong Nhà Trắng và một nguồn tin cho biết cách đây ít ngày ông Trump đã yêu cầu các trợ tá phải xóa bỏ nhiễu loạn.
Trong một lần thể hiện sự bực tức công khai, tuần trước Tổng thống Mỹ đăng đàn Twitter yêu cầu người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron không nên nói thay cho Mỹ về chuyện đàm phán với Iran.
"Iran đang rơi vào khó khăn tài chính nghiêm trọng. Họ khát khao muốn đàm phán với Mỹ, nhưng lại được cung cấp những tín hiệu nhiễu loạn từ tất cả những người có ý đại diện cho chúng tôi, trong đó có Tổng thống Pháp Macron của Pháp", ông Trump viết trên Twitter. "Tôi biết Emmanuel có ý tốt, và những người khác cũng vậy, nhưng không ai được phép lên tiếng thay cho Mỹ ngoại trừ chính Mỹ. Không ai được quyền theo bất kỳ cách thức, hình dạng hay hình thức nào, đại diện cho chúng tôi".
Dòng tweet này gây khó hiểu cho không chỉ giới chức Pháp mà cả giới chức Mỹ, làm nảy sinh lo ngại rằng Mỹ đang tẩy chay một đối tác chiến lược mà họ cần giành được ủng hộ trong vấn đề Iran.