Israel pháo kích các vị trí của Hamas. Ảnh: AFP.
Mới đây vào hôm 19/5/2021, Tổng thống Biden đã nâng lên đáng kể mức độ gây áp lực của ông đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong đó ông Biden muốn phía Israel chấm dứt giao chiến với phái vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestine – cuộc chiến này khi ấy đã kéo dài sang ngày thứ 10.
Mối quan hệ hàng thập kỷ giữa cá nhân ông Biden và ông Nentanyahu cũng đứng trước một thử thách lớn.
Cụ thể, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden nói với Thủ tướng Netanyahu rằng ông “muốn có một sự giảm leo thang đáng kể trong ngày hôm nay trong hành trình tới một lệnh đình chiến”. Đây là một dấu hiệu cho thấy ông Biden đang mất dần kiên nhẫn với ông Netanyahu, người mà ông Biden đã quen biết trong 4 thập kỷ.
Israel muốn đánh tới cùng còn Mỹ thì muốn dừng lại, với thái độ ngày càng rõ ràng
Đáng lưu ý Nhà Trắng đã công khai tiết lộ việc Tổng thống Biden đặt ra một thời hạn cho việc giảm bạo lực ở khu vực Palestine.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyhu sau khi thăm một trung tâm chỉ huy của quân đội Israel vào hôm 19/5 đã nói rằng ông “quyết tâm tiếp tục chiến dịch cho đến khi đạt được mục tiêu là khôi phục yên bình và an ninh cho các công dân của Israel”.
Thủ tướng có nói cảm ơn “người bạn Joe Biden” nhưng không đả động đến hạn chót mới do ông Biden đề cập và cũng không đưa ra cam kết nào về việc giảm bạo lực cả.
Theo các quan chức, Tổng thống Biden càng ngày càng mong muốn chấm dứt chiến sự giữa Israel và Hamas nhưng cũng cảnh giác về việc công khai gây áp lực lên Thủ tướng Israel, do tin rằng cách làm này có thể phản tác dụng.
Tuy nhiên việc ông Netanyahu bình luận rằng ông tiếp tục chiến dịch ở Gaza để nhổ sạch các mục tiêu Hamas đã khiến Mỹ không thể kiên nhẫn thêm được nữa. Ông Biden đã nói rõ với ông Netanyahu trong cuộc điện đàm rằng áp lực quốc tế sẽ gia tăng nếu chiến dịch quân sự của Israel tiếp tục.
Sau cuộc điện đàm trước đó vào hôm 17/5, Nhà Trắng lần đầu tiên nói rằng Tổng thống Biden bày tỏ ủng hộ ngừng bắn – một tín hiệu tinh tế nhưng rõ ràng gửi tới Israel rằng Tổng thống Mỹ đang chịu áp lực khi có nhiều người thiệt mạng trong chiến dịch chống lại Hamas.
Trước cuộc điện đàm hôm 17/5, người ta không nghĩ rằng Tổng thống Biden công khai đề cập chuyện ngừng bắn, theo các nguồn tin nắm rõ về chủ đề này.
Thủ tướng Netanyahu mất dần chỗ dựa trong chính quyền Mỹ?
Biden và Netanyahu biết nhau từ hồi Netanyahu được gửi tới công tác ở đại sứ quán Israel tại Washington khi hai người còn trẻ.
Khi ứng viên Biden đánh bại Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử Mỹ vào cuối năm 2020, ông Netanyahu đã gửi lời chúc mừng nồng ấm tới ông Biden: “Này Joe, chúng ta đã có một mối quan hệ cá nhân nồng ấm và lâu dài, trong gần 40 năm”.
Điều này rất đáng lưu ý trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu có mối quan hệ cá nhân sâu đậm với cựu Tổng thống Trump – người có cách tiếp cận xung đột Trung Đông theo hướng có lợi cho Israel.
Con rể của ông Trump, Jared Kushner, đã biết Thủ tướng Netanyahu trong nhiều năm trước khi ông Trump nhậm chức. Ông Netanyahu từng đến thăm nhà riêng của Kushner và Kushner đã xuống hầm ngủ để nhường phòng ngủ của mình cho ông Netanyahu.
Nhưng với việc ông Trump rời khỏi chức vụ Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Netanyahu không còn chỗ dựa từ phía con rể của ông Trump nữa. Trong khi đó, Tân Tổng thống Biden tìm cách lựa chọn quan điểm trung lập hơn trong vấn đề Israel-Palestine.
Ông Trump từng đề cử đại sứ tới Israel trước khi nhậm chức Tổng thống Mỹ. Còn ông Obama trong ngày thứ hai làm Tổng thống, đã bổ nhiệm một đặc phái viên cho khu vực Israel-Palestine.
Trong khi đó Tổng thống Biden không phân công một nhân vật cao cấp nào đảm nhận các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, ông chỉ cử một phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao tới đàm phán với giới chức Israel và Palestine.
Theo Nhà Trắng, ông Biden dự kiến sẽ chỉ định một đại sứ của Mỹ tại Israel trong thời gian 2 tuần tới. Nhưng tái khởi động tiến trình hòa bình không có vị trí cao trong danh sách các ưu tiên về chính sách ngoại giao của ông Biden.
Một quan chức Mỹ vào đầu năm 2021 đã miêu tả Trung Đông không nằm trong “top 3” các ưu tiên đối ngoại của ông Biden. Theo quan chức này, ưu tiên cấp bách hơn của ông Biden là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, và Tây Bán cầu.