Các chính phủ phương Tây đang cố gắng mở các tuyến đường bộ để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine khi các cuộc đàm phán chấm dứt phong tỏa các cảng của Ukraine đang kéo dài. Ảnh: Getty Images
Tuần qua, Tổng thống Joe Biden đã gây ngạc nhiên cho một số quan chức châu Âu khi ông công khai thông báo rằng Mỹ đang làm việc với các đối tác châu Âu để giúp vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua biên giới Ba Lan - một dấu hiệu cho thấy mức độ khẩn cấp mới khi thời gian không còn nhiều để đưa ngũ cốc tồn kho ra khỏi đất nước khi vụ thu hoạch hè bắt đầu.
Theo các quan chức Mỹ và EU, ông Biden dường như đã vội vàng công bố kế hoạch vẫn đang trong giai đoạn đầu. Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nông nghiệp Ba Lan Henryk Kowalczyk cho biết việc thực hiện các kế hoạch đó - bao gồm cả xây dựng các hầm chứa ngũ cốc tạm thời gần biên giới Ukraine - có thể phải mất vài tháng nữa. Một quan chức Ukraine nói với tờ Politico rằng, giới chức Ukraine không được thông báo chi tiết về can sự của Mỹ trong vấn đề giải cứu ngũ cốc.
Nhưng khi các cuộc đàm phán ngoại giao về chấm dứt việc Nga phong tỏa các cảng bên Biển Đen của Ukraine kéo dài mà không có kết quả, cộng với vụ thu hoạch lúa mì khác của Ukraine sẽ diễn ra trong vài tuần nữa, chính quyền ông Biden đang tuyệt vọng tìm cách chuyển càng nhiều càng tốt ngũ cốc ra khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá. Họ ước tính chiến dịch phong tỏa đang kìm hãm hơn 20 triệu tấn ngũ cốc Ukraine xuất khẩu ra thế giới, đẩy cao giá lương thực và nạn đói trên thế giới lên mức gần khủng hoảng.
Điều đó cũng làm dấy lên tình trạng báo động ngày càng tăng ở Brussels và Washington. Lúc này, hiếm khi nào ông Biden phát biểu mà không đề cập đến việc Nga phong tỏa kinh tế và quân sự đối với Ukraine cũng như những hậu quả tàn phá trên toàn cầu.
“Điểm mấu chốt ngay bây giờ, chúng ta chỉ cần đưa càng nhiều càng tốt [ngũ cốc] qua biên giới”, một quan chức Mỹ cho biết, đề cập đến các cơ sở lưu trữ tiềm năng ở Ba Lan và các quốc gia lân cận khác.
Nhiều tuần nay, chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh châu Âu đã nỗ lực hết sức nhằm thiết lập "các làn đường đoàn kết" của Liên minh châu Âu. Đây thực ra là nỗ lực chắp vá các tuyến đường sắt đặc biệt và đường xe tải dẫn ra khỏi Ukraine, với mục tiêu cuối cùng là vận chuyển phần lớn ngũ cốc tới các cảng biển của Romania. Từ đây, ngũ cốc có thể toả đến các quốc gia châu Phi và Trung Đông đang quay cuồng vì thiếu lương thực và hạn hán nghiêm trọng.
Nhưng hiện tại, các nước phương Tây đang cố gắng giữ cho ngũ cốc ùn ứ không bị đối phương đánh cắp hoặc bị hư hỏng trong các kho chứa tạm thời. Ông Biden cho biết Mỹ sẽ xây các hầm chứa ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine.
Các quan chức Ukraine đang cảnh báo rằng vấn đề lưu trữ ngũ cốc sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi tới vụ thu hoạch hè. Thứ trưởng Bộ lương thực Ukraine Markiyan Dmytrasevych đã cảnh báo các thành viên Nghị viện châu Âu rằng đất nước ông sẽ thiếu kho chứa 10 triệu - 15 triệu tấn ngũ cốc vào tháng 10. “Đó là lý do tại sao chúng tôi có nhu cầu khẩn cấp thiết lập các kho chứa ngũ cốc tạm thời”, ông Dmytrasevych nói.
Trong khi đó, đại diện EU bà Maja Bakran cho biết hôm 16/6 rằng khối đang hợp tác với “các đối tác quốc tế cùng chí hướng, như Mỹ, Anh, Canada [và] Nhật Bản” để tăng cường xuất khẩu trên đất liền. “Họ đã hoan nghênh các ‘làn đường đoàn kết’ và chắc chắn đang đóng góp vào việc thực hiện”.
EU hy vọng kế hoạch giải cứu đường bộ có thể giúp tăng xuất khẩu thêm vài triệu tấn mỗi tháng. Các quan chức Ukraine cũng cho biết trong tuần này họ đang tìm cách tạo thêm dung lượng lưu trữ trong nước. Ukraine hiện chỉ xuất khẩu được một phần nhỏ trong số 5 triệu đến 6 triệu tấn ngũ cốc vốn được xuất khẩu qua các cảng biển mỗi tháng trước chiến tranh.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết kế hoạch trên bộ vẫn còn nhiều vấn đề hậu cần lớn cần giải quyết. Rào cản lớn nhất là các tuyến đường bộ đòi hỏi thời gian và tiền bạc để vận hành. Ngoài ra, khổ đường sắt giữa Ukraine và Ba Lan không khớp nhau, vì vậy ngũ cốc cần phải được dỡ khỏi toa tàu và chuyển sang các tuyến đường sắt khổ khác ở biên giới. Các hầm chứa được Mỹ tính xây dựng nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình đó.
“Đường biển rõ ràng là con đường hiệu quả nhất và hiệu quả nhất, nhưng nó cũng là vấn đề nan giải nhất vì phải có sự cho phép của Nga”, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 17/6. “Theo một nghĩa nào đó, bạn phải có thỏa thuận của Nga. Vấn đề là chi phí và giá của điều đó là bao nhiêu? ”
Hiện nay, Liên Hợp Quốc tiếp tục dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mở lại Biển Đen cho các tàu hàng hóa của Ukraine. Nhưng các quan chức Mỹ nghi ngờ các cuộc đàm phán sẽ còn lâu mới đạt được một giải pháp, do yêu cầu của Moskva về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt để đổi lấy dỡ bỏ một phần phong tỏa.