Chính phủ Mỹ đóng cửa lâu dài: Không phải chỉ bên thắng, bên thua

Kiều Anh |

Đóng cửa chính phủ Mỹ lâu dài có thể dẫn đến 1 cơn suy thoái chính trị mà vấn đề không chỉ là bên thắng, bên thua mà còn ảnh hưởng đến hệ thống quốc tế.

Tổng thống Trump trong một cuộc họp với đảng Dân chủ ngày 4/1 đã khẳng định rằng ông đã chuẩn bị cho việc đóng cửa chính phủ một phần sẽ kéo dài trong vài tháng, hoặc thậm chí vài năm nếu Tổng thống Mỹ không nhận được số tiền mà ông yêu cầu để xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.

Tuyên bố này không phải không có khả năng thành sự thật. Cả hai bên đều coi bức tường biên giới là một vấn đề mà chiến thắng cho bên này cũng đồng nghĩa với thất bại của bên kia và không bên nào có nhiều thiện chí để sẵn sàng thỏa thuận hay thương lượng.

Thời gian chính phủ Mỹ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử là 21 ngày, từ cuối tháng 12/1995 - đầu tháng 1/1996. Nếu Tổng thống Trump đã đúng, rằng Mỹ có thể sẽ đóng cửa một phần chính phủ lâu dài, thì điều này sẽ có tác động thế nào đến đời sống chính trị Mỹ và hệ thống quốc tế?

Nếu dựa vào những phản ứng của công chúng hiện nay thì có vẻ tác động ấy là không quá lớn. Dù sao thì người ta cũng đã dần quen với việc Tổng thống Trump hay phá vỡ những quy tắc thể chế thông thường.

Tuy nhiên, việc đóng cửa chính phủ dài hạn thì lại khác, bởi nó sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của nền chính trị Mỹ, và có thể là với cả hệ thống quốc tế.

Đầu tiên, đó là thông điệp từ một cuộc suy thoái chính trị của Mỹ. Việc thông qua ngân sách, thậm chí là ngân sách tạm thời nhằm để chính phủ mở cửa lại là một dấu hiệu cho thấy cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều coi việc điều hành chính phủ là một công việc chung. Họ có thể có những khác biệt sâu sắc trong những ưu tiên về chính sách nhưng cả hai đảng đều nhất trí rằng chính phủ cần phải hoạt động để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan lập pháp và Tổng thống, cũng như để quốc gia có thể phát triển.

Tuy nhiên, khi mà hai đảng không đạt được một giải pháp và thực sự không có thiện chí giải quyết vấn đề, thông điệp mà họ gửi đến toàn nước Mỹ và thế giới sẽ thay đổi.

Thay vì thông điệp nhấn mạnh đến sự hợp tác thì đó sẽ là sự bất đồng và sự hợp tác nếu xảy ra sẽ chỉ là một sự tình cờ hiếm hoi. Nói cách khác, các cơ quan của chính phủ Mỹ sẽ cho rằng họ có những ưu tiên khác quan trọng hơn là chính phủ thực sự hoạt động.

Đóng cửa chính phủ ngắn hạn là vấn đề có thể giải quyết bởi công chúng tin rằng cả hai bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, nếu Quốc hội và Tổng thống không bên nào nhượng bộ về ngân sách chính phủ thì việc chính phủ Mỹ hoạt động trở lại trong thời gian ngắn sẽ cần phải xem xét lại.

Tiếp đến là khoảng cách trong việc thi hành luật lệ.

Sự tin tưởng của thế giới vào chính phủ Mỹ, và ở một mức độ nào đó là nền kinh tế Mỹ được nhìn nhận dựa trên các chức năng của nền chính trị Mỹ. Một chính phủ liên bang hoạt động hiệu quả thể hiện từ những việc cơ bản như đảm bảo sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, trong suốt thời gian chính phủ đóng cửa, sự ổn định ấy hoàn toàn chỉ dựa vào lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, trong khi trên thực tế để duy trì sự ổn định của một đất nước còn cần dựa vào các yếu tố khác như: thị trường, môi trường, thực phẩm, dược phẩm...

Nếu chính phủ đóng cửa dài hạn, các yếu tố trên sẽ không được đảm bảo. Dần dần, các chức năng xã hội được duy trì dựa trên sự ổn định sẽ bị "xói mòn". Sự suy giảm của việc thực thi các luật lệ có thể không phải là điều người Mỹ sẽ chú ý ngay lập tức, nhưng hậu quả của nó sẽ tích tụ dần qua thời gian.

Phần còn lại của thế giới cũng sẽ nhận ra rằng những thể chế tạo nên sự ổn định về chính trị và kinh tế của Mỹ đang bị suy giảm. Điều này sẽ khiến các quốc gia giảm bớt sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Mỹ cũng như nền kinh tế của quốc gia này.

Dưới thời Tổng thống Trump, nhiều người cho rằng những thành tố cơ bản của nền kinh tế khiến Mỹ có sức hút với các nhà đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi cơn suy thoái chính trị này.

Tuy nhiên đó là một sai lầm khi nhầm lẫn giữa những suy đoán ngắn hạn với những cấu trúc thể chế dài hạn đang bị phá hủy.

Suy giảm vai trò và quyền lực vì đóng cửa dài hạn sẽ khiến Mỹ phải "trả giá", có thể không phải hôm nay hay ngày mai nhưng chắc chắn sẽ là một kết quả có thể nhìn thấy được./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại