Dù đã bước sang năm mới 2019, nhưng chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục đóng cửa một phần do bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và Quốc hội về kinh phí xây dựng tường biên giới vẫn chưa được giải quyết.
Kết quả là sau 2 tuần dừng hoạt động (bắt đầu từ ngày 22/12/2018), hàng trăm nghìn nhân viên đã bị ảnh hưởng khi không được hỗ trợ và không được trả lương. Nhiều cơ quan đã phải cắt giảm những công việc không cần thiết. Người dân trên toàn nước Mỹ đã bày tỏ sự lo lắng và bất bình về tình hình hiện tại.
Công nhân viên chức điêu đứng
Trong thời gian chờ đợi, khoảng 25% cơ quan trong chính phủ liên bang sẽ không có kinh phí hoạt động. Chỉ các nhân viên thực sự cần thiết mới tiếp tục làm việc nhưng họ cũng chưa được trả lương.
9 bộ ngành của Mỹ đã bị ảnh hưởng, trong đó có Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Khoảng 800.000 công nhân viên chức liên bang đang mất việc (tạm thời bị sa thải do thiếu kinh phí) hoặc đi làm mà không được trả lương. Nhiều người hy vọng sẽ nhận được tiền lương khi chính phủ nối lại hoạt động nhưng điều này vẫn chưa chắc chắn.
Trước đó vào ngày 31/12, liên đoàn lao động, đại diện cho khoảng 400.000 người làm công ăn lương đã đệ đơn kiện chống lại chính quyền của Tổng thống Donald Trump với cáo buộc chính quyền vi phạm Đạo luật Các tiêu chuẩn lao động công bằng vì không trả lương cho nhân viên kể từ ngày 22/12/2018.
Rác chất đống trong công viên quốc gia
Cơ quan quản lý công viên quốc gia Mỹ đã tạm dừng tất cả các dịch vụ phi khẩn cấp trong đó có dịch vụ dành cho du khách như nhà vệ sinh công cộng, dọn dẹp rác thải, bảo trì các tuyến đường và trung tâm hỗ trợ. Ước tính hơn 21.000 nhân viên phải nghỉ việc.
Nhìn chung, các công viên vẫn mở cửa cho du khách vào tham quan, nhưng điều kiện đã xuống cấp do thiếu nhân viên. Nhiều người cảnh báo, việc kéo dài tình trạng đóng cửa chính phủ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường.
Ông John Garder, người quản lý ngân sách của Hiệp hội Bảo tồn Công viên quốc gia cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại về một số báo cáo cho biết một số người đã đi vệ sinh không đúng nơi quy định. Rác thải là mối lo ngại rất nghiêm trọng đối với các loài động vật hoang dã”.
Đáng chú ý, rác thải cũng bắt đầu chất cao thành đống ở bên ngoài nhiều địa danh, kể cả quanh Nhà Trắng và Công viên quốc gia National Mall ở trung tâm thủ đô Washington.
Thị trưởng Washington Muriel Bowser đã phải sử dụng các nguồn lực địa phương để giữ cho Washington sạch sẽ, với chi phí 46.000 USD mỗi tuần. Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo đã cam kết trả 65.000 USD mỗi ngày để đảm bảo Tượng Nữ thần Tự do và Đảo Ellis được dọn dẹp sạch sẽ và mở cửa cho khách du lịch tham quan.
Không có máy cào tuyết hoặc các nhân viên dọn dẹp tuyết, số vụ tai nạn đã gia tăng tại các công viên quốc gia Sequoia và Kings Canyon do nhiều tuyến đường trơn trượt rất nguy hiểm. Trong những ngày gần đây, các tổ chức phi lợi nhuận và tình nguyện viên đã tham gia dọn dẹp công viên trên khắp nước Mỹ.
Việc tạm ngừng một số dịch vụ cũng ảnh hưởng đến sự an toàn của khách tham quan. Tại bang Texas, nhân viên kiểm lâm đã phải cõng một du khách bị gãy chân đi trên con đường mòn suốt hai giờ đồng hồ.
Ngoài ra, các công trình kiến trúc hoặc tượng đài thuộc quyền quản lý của nhiều công viên quốc gia Mỹ cũng phải đóng cửa, không đón khách tham quan, kể cả di tích lịch sử Frederick Douglass, Nhà hát Ford và Đài tưởng niệm quốc gia về bình đẳng cho nữ giới Belmont-Paul.
Ngành tòa án bị ảnh hưởng
Việc đóng cửa chính phủ cũng ảnh hưởng đến 62 tòa án xử lý tình trạng nhập cư của Mỹ. Hàng trăm thẩm phán tạm thời phải nghỉ việc và chỉ những trường hợp người nhập cư đang bị giam giữ mới được xét xử.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mở rộng hệ thống tòa án này, vốn được điều hành bởi Bộ Tư pháp, nhằm xử lý hồ sơ tồn đọng của hơn 800.000 trường hợp, nhưng đợt đóng cửa lần này khiến công việc đó trở nên phức tạp hơn. Bà Ashley Tabaddor, Chủ tịch Hội thẩm phán di trú quốc gia, cho biết: “Việc sắp xếp lại lịch xử lý những trường hợp đó có thể mất nhiều năm vì các thẩm phán giờ đã kín lịch”.
Tác động đến lĩnh vực khoa học
Các phòng thí nghiệm trên khắp nước Mỹ đang phải chịu tác động tiêu cực do nhiều nhà khoa học được chính phủ thuê đã phải ngừng làm việc tại những cơ quan như Hiệp hội Khoa học quốc gia. Còn giới nghiên cứu thì lo ngại bị giới hạn khả năng tiếp cận các dữ liệu liên bang và kết nối với các quan chức chịu trách nhiệm tài trợ dự án của họ.
Ông Rush Holt, người đứng đầu Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ cho biết: “Việc chính phủ đóng cửa có thể làm gián đoạn hoặc trì hoãn các dự án nghiên cứu, làm cản trở các nghiên cứu mới và hạn chế việc tiếp cận của các nhà nghiên cứu với cơ sở hạ tầng và dữ liệu cần thiết”.
Các cộng đồng thổ dân thiếu hỗ trợ
Các cộng đồng thổ dân Mỹ lâu nay vẫn nhận được sự hỗ trợ của chính phủ liên bang về lương thực và y tế, trong khuôn khổ thỏa thuận đã được đàm phán kéo dài nhiều thập kỷ qua.
Tờ New York Times cho biết, tại bang Michigan, bộ lạc Chippewa đã buộc phải sử dụng nguồn quỹ riêng của họ để chi trả khoảng 100.000 USD mỗi ngày, nhằm duy trì hoạt động của các phòng khám và các quầy hàng.
Còn một số bộ lạc Navajo ở các bang New Mexico, Arizona và Utah đang bị mắc kẹt trong nhà mà không có nguồn cung thuốc men hay thực phẩm do đường sá ngập tuyết, không thể đi lại.
Phúc lợi xã hội
Việc đóng cửa chính phủ làm dấy lên nhiều lo ngại trên toàn nước Mỹ về sự gián đoạn các chương trình phúc lợi. Hiệp hội Hỗ trợ phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh (WIC), vốn cung cấp lương thực và giáo dục cho các bà mẹ mang thai có thu nhập thấp hay trẻ em nghèo đã ban thành tuyên bố hối thúc các nhà lập pháp Mỹ sớm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ trước khi các cơ quan liên bang cạn kiệt ngân quỹ.
Chủ tịch hiệp hội Douglas Greenaway cho biết: “Hơn 7 triệu bà mẹ, phụ nữ mang thai và trẻ em phụ thuộc vào WIC. Việc đóng cửa chính phủ không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người mà còn dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe”.
Nhiều cặp đôi đã phải tổ chức lễ cưới mà không có giấy tờ đăng ký kết hôn do văn phòng đăng ký kết hôn đang tạm dừng hoạt động. Song, theo trang Buzzfeed News, những ai muốn ly hôn vẫn có thể tiến hành các thủ tục như bình thường, do trung tâm phụ trách vấn đề này vẫn mở cửa.
Một số cuộc điều tra bị gián đoạn
Các cuộc điều tra của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) sẽ vẫn tiếp tục theo kế hoạch được đưa ra trước thời điểm chính phủ đóng cửa của Bộ Tư pháp. Thông báo của bộ này cho biết: “Mọi hoạt động của FBI đều được chỉ đạo theo hướng đảm bảo an ninh quốc gia, cùng với đó là các cuộc điều tra về vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân”.
Văn phòng công tố viên đặc biệt Robert S.Mueller cũng sẽ tiếp tục cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 bởi cuộc điều tra này không phụ thuộc vào nguồn tài trợ do Quốc hội quyết định. Tại cơ quan điều tra tội phạm tài chính của Bộ Tài chính, một số cuộc điều tra vẫn không bị ảnh hưởng nhưng một số khác sẽ phải tạm dừng cho đến khi ngân sách được khôi phục./.