Chính phủ Mỹ đóng cửa, toilet công cộng cũng đóng

Bình Giang |

Đang đi trong công viên quốc gia National Mall hôm 1/2, ông Ralph Snake bước vài bước thì dừng lại một lần để nhặt rác trên thảm cỏ từng được chăm chút gọn gàng nhưng đã trở nên bừa bộn kể từ khi chính phủ liên bang bị đóng cửa một phần từ gần 2 tuần trước.

“Tôi quyết định dọn dẹp khu vực này, vì đó là điều người Mỹ sẽ làm”, ông Snake, 64 tuổi, một thành viên của bộ tộc Ho-Chunk ở bang Wisconsin, cho biết.

Ông Snake đến thủ đô của Mỹ để chứng kiến bà Sharice Davids tuyên thệ trở thành một trong hai phụ nữ người Mỹ bản địa đầu tiên trở thành nghị sĩ quốc hội. “Dù nơi này đóng cửa nhưng trái tim chúng tôi không đóng cửa”, Reuters dẫn lời ông Snake.

Đợt đóng cửa một phần chính phủ liên bang Mỹ, khiến nhiều dịch vụ công phải dừng hoạt động, đã bước sang ngày thứ 13. Nó bắt nguồn từ sự bế tắc giữa phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang đòi chi 5,6 tỷ USD để xây tường biên giới nhằm ngăn người nhập cư trái phép.

Các công viên quốc gia Mỹ đóng cửa khu vực cắm trại vì sợ nhà vệ sinh công cộng sẽ ngập ngụa chất thải vì không có ai dọn. Hàng trăm ngàn nhân viên nhà nước đang làm việc không lương. Hệ thống tòa án di trú vốn đã ngập trong đống hồ sơ chất đống, gần như cũng đã dừng hoạt động.

Triển vọng mở cửa trở lại các dịch vụ công vẫn mù mịt, khi ông Trump hôm nay (3/1) tuyên bố giai đoạn đóng cửa sẽ còn kéo dài, và ông vẫn kiên quyết đòi chi tiền xây tường biên giới.

Tại Washington, 17 bảo tàng thuộc hệ thống Smithsonian và Vườn thú quốc gia đóng cửa từ hôm 2/1 vì hết ngân sách khẩn cấp, khiến du khách tiếc ngẩn ngơ và trách móc các chính trị gia.

“Điều này thật ngớ ngẩn. Đáng ra hai bên phải đối thoại với nhau nhiều hơn”, Laura Vanbragt, một sinh viên 20-year-old từ Grand Rapids, bang Michigan, nói.

Bên ngoài Cục khắc và in, anh Clint Woods cùng gia đình và các du khách khác đang đứng xếp hàng đợi một hướng dẫn viên du lịch mua vé để vào thăm, vì họ không thể đến các địa điểm du lịch nổi tiếng hơn.

“Điều này giống như việc hai đứa trẻ con đang đánh nhau. Cả hai đều nghĩ họ đúng, và họ lao vào nhau”, anh Woods, 43 tuổi, nói.

Công viên quốc gia Joshua Tree ở bang California là một trong nhiều công viên quốc gia trên khắp nước Mỹ phải cắt giảm hoạt động. Họ đóng cửa các khu vực cắm trại từ hôm 2/1 vì những toilet ngoài trời đã hết công suất phục vụ mà không có ai dọn, nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng.

Ông Victor Jerez, 53 tuổi, dành một ngày đi bộ trong công viên này cùng anh trai, chị gái và gia đình, nhưng họ cực kỳ thất vọng khi thất trung tâm du khách đã ngừng hoạt động.

“Sẽ rất tuyệt nếu có tấm bản đồ đi bộ và được nhân viên gợi ý”, vị du khách đến từ châu Âu nói.

Làm việc không lương

Khác những đợt đóng cửa chính phủ trước, nhiều công viên quốc gia ở Mỹ vẫn mở cửa, dù không có nhân viên lượm rác và dọn nhà vệ sinh. Nhiều người đã lên tiếng cảnh báo tình trạng đóng cửa kéo dài có thể gây tổn hại môi trường.

“Chúng tôi rất lo ngại trước thông tin về việc chất thải của người xuất hiện ở những nơi không phù hợp. Rác thải là mối quan ngại nghiêm trọng đối với động vật hoang dã”, ông John Garder, giám đốc ngân sách của Hiệp hội bảo tồn công viên quốc gia Mỹ, nói.

Tác động của đợt đóng cửa chính phủ này đã lan tới 62 tòa án di trú. Hàng trăm thẩm phán đang phải nghỉ việc tạm thời, và chỉ những trường hợp người nhập cư đang bị giam giữ mới được xử lý.

Chính quyền Trump đã mở rộng hệ thống tòa án này nhằm xử lý hồ sơ tồn đọng của hơn 800.000 trường hợp, nhưng đợt đóng cửa lần này khiến công việc đó trở nên phức tạp hơn, bà Ashley Tabaddor, chủ tịch hội thẩm phán di trú quốc gia, cho biết. “Việc sắp xếp lại lịch xử lý những trường hợp đó có thể mất nhiều năm vì các thẩm phán giờ đã kín lịch”, bà Tabaddor nói.

Trong khi đó, khoảng 800.000 nhân viên chính phủ đang phải nghỉ làm tạm thời hoặc làm việc không lương cho đến khi giai đoạn đóng cửa qua đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại