Ngày 30/12/2006, bản án tử hình Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã được thực hiện. Nhân dịp ngày giỗ ông lần thứ 12, nhiều thông tin và bí mật đã được tiết lộ.
Đài BBC của Anh đăng tải chi tiết về những khoảnh khắc cuối cùng khi đội canh ngục người Mỹ trao Saddam cho đội hành quyết Iraq.
Chính quyền Iraq không biết vô tình hay hữu ý đã để lọt ra cho báo Al-Sharq Al-Awsat sắc lệnh do Thủ tướng Nuri Al-Maliki ký về việc "hành quyết Saddam Hussein bằng biện pháp treo cổ" sau khi Tổng thống Jalal Al-Talabani từ chối ký sắc lệnh này.
Bà Raghad, con gái của Saddam Hussein cũng công bố bức thư cuối cùng của cha mình gửi nhân dân Iraq.
Nhân dịp này ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iraq cũng lần đầu tiên nói về cuộc gặp gỡ với Saddam Hussein năm 1997.
Vụ xử tử Tổng thống Saddam Hussein vào rạng sáng ngày lễ Eid al-Adha linh thiêng của người Hồi giáo và ngày cuối cùng của năm đã gây ra nhiều phản ứng lan rộng, đặc biệt là sau vụ rò rỉ các bức ảnh và các đoạn băng video ghi lại cảnh hành quyết ông.
Đài phát thanh BBC của Anh đã đưa ra những chi tiết mà viên sỹ quan người Mỹ Will Berdenwerper, đội trưởng đội 12 người canh gác Saddam cung cấp. Will Berdenwerper nói: "Đơn vị 515 của cảnh sát quân đội Mỹ ở Iraq chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn và canh giữ cựu Tổng thống Iraq. Những người lính này tự đặt cho mình cái tên "Đơn vị Super 12".
Nhiệm vụ của nhóm này là canh giữ an toàn và tạo một không khí thoải mái cho ông. Thực sự, Mỹ rất muốn bảo vệ sự sống của Saddam Hussein và đảm bảo việc xét xử ông một cách công bằng, chứ không phải trả thù.
Berdenwerper nói thêm, đơn vị này cũng chịu trách nhiệm đưa Saddam Hussein từ nơi giam giữ đến phiên tòa xét xử và trở lại phòng giam nhỏ bé của ông.
Saddam Hussein và những cai ngục người Mỹ. Ảnh: AP
Ngày tháng trôi qua, một tình bạn đặc biệt đã nảy sinh giữa tù nhân đặc biệt này và những người lính canh Mỹ.
Saddam Hussein trò chuyện, hỏi họ về cuộc sống riêng tư và các thành viên gia đình. Thậm chí ông còn viết một bài thơ tặng cho vợ của một trong những người lính Mỹ. Một người lính trong "Đơn vị Super 12" nói: "Tôi tin chắc rằng nếu những người ủng hộ Saddam có thể đến để cứu ông thì cũng chẳng làm hại gì cho họ. Chúng tôi có mối quan hệ tốt với ông".
"Saddam đã đi đến phiên tòa không phải để bào chữa cho mình mà là để nói rõ về di sản mà ông để lại, như thể ông đang nói chuyện với những người sẽ kế thừa ông để viết lịch sử. Kết luận của phiên tòa hầu như đã được định đoạt trước. Mọi người đều tin chắc rằng ông sẽ phải đối mặt với cái chết. Mỗi lần ông trở về từ các phiên toà giống như ông trở về với bản lĩnh của mình. Ông ta coi chúng tôi là những đứa cháu ruột của ông".
Berdenwerper nói rằng khoảnh khắc khắc nghiệt nhất đối những người canh ngục là những giây phút cuối khi họ trao Saddam, một người mà họ có mối quan hệ thân thiện và hữu nghị, cho đội hành quyết Iraq. Trước khi bước vào phòng hành quyết, cựu Tổng thống Iraq đã ôm chặt những người lính Mỹ.
Những người lính Mỹ đứng bên ngoài không được nhìn thấy cảnh tượng hành quyết, nhưng họ thấy bên trong những bóng người màu đen, tiếng cọt kẹt của cánh cửa phòng được mở ra và Saddam đứng trên bục chiếc giá treo cổ. Rồi một tiếng rơi bịch xuống nền nhà và sau đó là những tiếng sột soạt khi người ta tháo sợi dây thừng ra khỏi cổ ông.
Trung sỹ Adam Rogerson, người trẻ nhất trong đội "Super 12" nói gì?
Nhân dịp này, BBC cũng đăng tải cuộc phỏng vấn với Trung sỹ Adam Rogerson, người lính canh Saddam Hussein lúc đó mới 22 tuổi đời. Anh nói:
"Đó là một ngày buồn. Trước khi rời khu nhà giam đến phòng tử hình, Saddam đã bước tới chỗ chúng tôi và nói: Tất cả chúng ta đều là những người bạn. Một số binh sỹ Mỹ đã khóc, còn ông ta thì không giấu nổi nỗi buồn. Một khoảnh khắc thật kỳ lạ! Tôi đã từng đi chiến đấu, đã từng thoát chết từ những vụ trúng mìn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình phải đối mặt với một tình cảnh như vậy".
Adam nói thêm: "Sau khi Saddam bước vào phòng tử hình, chúng tôi nghe thấy tiếng ồn ào, sau đó là những tiếng gào thét, rồi một tiếng rơi bịch xuống đất. Có tiếng súng nổ. Một lát sau, người ta khênh xác ông ra ngoài. Một số người lấy chân đá và nhổ nước bọt vào thi thể của ông. Đó là một khoảnh khắc hết sức tồi tệ! Phải chứng kiến một cảnh tượng như vậy đối với một người chỉ mới 22 tuổi đời thật không dễ dàng chút nào".
Để tưởng nhớ cha mình, người con gái Raghd Saddam Hussein hiện đang sống tị nạn ở Jordan mới đây đã công bố trên trang Twitter của mình bức thư cuối cùng của cha bà viết ngày 26/12/2006, tức trước khi ông bị tử hình bốn ngày.
Ông viết: "Hỡi nhân dân Iraq trung thành kính mến, xin vĩnh biệt! Tôi được trở về với Đức Thánh Allah nhân từ. Chúng ta sẽ không mất gì khi gửi mình cho Người, Người sẽ không làm cho các tín đồ trung thành phải thất vọng".
"Những người dân đáng kính, tôi giao phó các bạn và linh hồn tôi cho Thượng đế nhân từ, người không làm thất vọng những tín đồ trung thực nhất. Allah Akbar, Thánh Allah là vĩ đại nhất".
Dưới những lời nói cuối cùng này là chữ ký "Saddam Hussein - Tổng thống, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang".
Bà Raghad cũng đăng một bức ảnh Saddam Hussein hôn đứa cháu nội của mình Mustafa Qussay Saddam Hussein 14 tuổi đã anh dũng chiến đấu và bị giết cùng hai người con trai của ông Qussay và Uday khi quân Mỹ tấn công vào một ngôi nhà của họ.
Đến nay, không chỉ những người canh giữ Saddam Hussein như Will Berdenwerper và Adam Rogerson tỏ lòng thương cảm ông mà tôi tin còn nhiều người Mỹ khác nữa.
Saddam và Iraq lúc đó chẳng ghét gì nước Mỹ. Iraq không liên quan gì đến vụ khủng bố 11/9/2001, không có vũ khí hủy diệt hàng loạt và không hề có mối quan hệ nào với tổ chức khủng bố Al-Qaida, cũng như các tổ chức khủng bố khác. Như vậy, Iraq không phải là mối đe dọa đối với an ninh của nước Mỹ.
Trong lịch sử cận đại, các nước Ả rập vùng Vịnh luôn coi Iran là kẻ thù không đội trời chung, nhưng chưa có nước nào công khai tuyên chiến chống Iran. Trong khi đó, Iraq dưới thời Saddam Hussein đã một mình tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm 1980-1988 với Iran.
Hầu hết các nước Ả Rập lúc đó, thậm chí cả Mỹ cũng đứng về phía Iraq trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Tehran. Lúc đó các nước Ả Rập coi Iraq là người bảo vệ "cửa ngõ phía Đông" của thế giới Ả Rập. Còn bây giờ Mỹ và các nước Ả Rập đang tập hợp lực lượng để chống Iran và Iraq thì lại đang rơi vào vòng ảnh hưởng của Iran.
Mỹ đã từng mong muốn có mối quan hệ tốt với chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Năm 1983 và 1984 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã thăm Baghdad và gặp Saddam bày tỏ ủng hộ Iraq trong cuộc chiến chống Iran.
Lúc đó Washington đã từng ủng hộ Baghdad thông qua việc cho vay hàng tỷ đô la, cung cấp thông tin và các thiết bị tình báo, thậm chí còn cung cấp một số vũ khí, đạn dược cho Iraq.
Chính các công ty Mỹ lúc đó đã cung cấp cho Iraq các loại chất độc sử dụng vào việc chế tạo vũ khí hoá học để chống Iran. Báo New York Times ngày 29/3/1984 viết "các nhà ngoại giao Mỹ rất hài lòng về Iraq và kiến nghị thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Baghdad".
Như vậy, nếu Mỹ không tấn công Iraq thì mọi việc có thể sẽ khác. Sẽ không có các tổ chức khủng bố mọc lên như nấm, đứng đầu là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Iraq sẽ là lá chắn ngăn chặn ảnh hưởng của Iran, canh giữ "cửa ngõ phía Đông" của các nước Ả Rập.
Saddam là một người rất có cảm tình với các nước Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt rất yêu quý Liên Xô, nước Nga ngày nay và Việt Nam. Năm 1995, tôi đã được chính phủ Iraq bố trí trình Thư ủy nhiệm sau khi đến Baghdad 10 tiếng đồng hồ. Một kỷ lục chưa từng có!
Ông Saddam Hussein không bao giờ tiếp các đại sứ nước ngoài mà thường để cho Phó Tổng thống tiếp thay. Tuy nhiên, năm 1997 ông đã nhận lời tiếp tôi. Đại sứ Nga Nikolai Kortuzov cho tôi biết trước đó ông cũng đã được Saddam tiếp. Như vậy, ông Saddam chỉ tiếp hai Đại sứ nước ngoài là Nga và Việt Nam.
Ông Saddam Hussein tiếp Đại sứ Nguyễn Quang Khai năm 1997. Ảnh: NVCC
Tôi đã gặp nhiều Tổng thống các nước Ả Rập, nhưng chưa có một cuộc gặp nào thân thiện như vậy. Cùng dự cuộc gặp có ông Tareq Aziz, nhân vật rất quan trọng trong ban lãnh đạo Iraq và Bộ trưởng Thương mại Mohammed Mahdi Saledh. Trong cuộc gặp, ông nói hết sức ngắn gọn:
"Về Mỹ không cần phải nói nhiều, Việt Nam hiểu Mỹ hơn Iraq. Về tình hình Iraq, Đại sứ ở đây biết rất rõ cũng không cần nói nhiều. Về quan hệ hợp tác Iraq-Việt Nam, các bạn làm được gì, chúng tôi sẵn sàng".
Thời gian còn lại ông nói về tình cảm của ông đối với Việt Nam, hỏi thăm các nhà lãnh đạo Việt Nam và gia đình tôi. Tiễn tôi ra tận xe ở tô, Saddam đặt tay lên vai tôi, một cử chỉ hết sức thân thiện.
Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc cũng như sau khi giải phóng và thống nhất đất nước, Iraq đã dành cho ta sự giúp đỡ vật chất to lớn với việc cho vay 4 triệu tấn dầu không tính lãi và viện trợ không hoàn lại 400 ngàn tấn nữa, coi đây là món quà tặng cho nhân dân Việt Nam nhân ngày giải phóng.
Trong các phiên xét xử tại toà án Saddam thường nhắc đến Việt Nam. Hãng Reuters nhận xét: Saddam Hussein tỏ ra khinh thường án tử hình khi ông tuyên bố không sợ chết và kêu gọi Mỹ hãy rút quân về nước như họ đã từng làm tại Việt Nam.
Cũng tại một phiên toà, khi được một luật sư chuyển cho cuốn sách "Những năm tháng của tôi tại Iraq: Nỗ lực để xây dựng một tương lai hy vọng" do một quan chức Mỹ viết ca tụng những gì người Mỹ làm được ở Iraq, Saddam chỉ nói: "Tôi có thể nhìn thấy Mỹ đang chìm dần trong bãi lầy Iraq, giống những gì đã xảy ra với họ tại Việt Nam".
Tôi rất tâm đắc với nhận xét của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong cuốn hồi ký "Gia đình, Bạn bè, Đất nước" của bà về ông Saddam Hussein:
"Nếu cố Tổng thống Saddam Hussein có sai lầm gì trong đối nội, đối ngoại…, có tội lỗi gì với nhân dân của ông, lịch sử của Iraq sẽ phán xét. Nhưng đối với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta phải biết ơn sự giúp đỡ quý báu của ông trong những năm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh".
Và tôi cũng rất tâm đắc với phát biểu của Tổng thống mới của Iraq Jalal Talabani khi tiếp tôi năm 2005: "Chúng ta phải đưa mối quan hệ Iraq-Việt Nam phát triển tốt hơn so với thời chế độ cũ".
Đại sứ Nguyễn Quang Khai chụp hình cùng Tổng thống Jalal Talabani vào năm 2005. Ảnh do Đại sứ cung cấp.