Ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng

Hoàng Đan |

TAND TP Hà Nội đang tuyên án ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ PVN bị mất trắng 800 tỷ đồng khi góp vốn đầu tư vào Oceanbank. Đây là bản án sơ thẩm thứ 2 ông Thăng phải nhận.

Sau 10 ngày xét xử và nghị án, chiều 29/3, TAND TP Hà Nội tuyên án ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Họ bị cáo buộc làm trái khiến Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

HĐXX tuyên án ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm trong vụ án làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN

15h45: Sau hơn một giờ đọc bản án: HĐXX tuyên bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh này, các bị cáo Ninh Văn Quỳnh nhận 7 năm tù; Vũ Khánh Trường lĩnh 5 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn 30 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng 22 tháng tù; Nguyễn Thanh Liêm 20 tháng cải tạo không giam giữ; Phan Đình Đức 15 tháng cải tạo không giam giữ.

Riêng bị Ninh Văn Quỳnh còn bị tuyên thêm 16 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt Quỳnh phải nhận là 23 năm tù.

PVN mất 800 tỷ do hành vi trái pháp luật của ông Đinh La Thăng

14h: Hội đồng xét xử bắt đầu làm việc. Buổi tuyên án có sự góp mặt của đại diện của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và điều tra viên Bộ Công an.

Bản án do HĐXX TAND Hà Nội nêu rõ, tại phiên tòa, cơ bản các bị cáo thừa nhận sai phạm. Có một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội như VKSND Tối cao truy tố.

Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai các bị cáo, căn cứ vào phần tranh tụng có thể thấy các bị cáo "có hành vi phạm tội".

Cụ thể, năm 2008, sau khi không được phép thành lập Ngân hàng Hồng Việt, PVN đã góp vốn sang Oceanbank. Bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo góp vốn vào Oceanbank để trở thành cổ đông chiến lược. 

Các bị cáo khác làm theo chỉ đạo, chủ trương của bị cáo Thăng đã quyết định 3 lần góp vốn trị giá 800 tỷ đồng.

Do năng lực yếu kém và hành vi sai phạm của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceanbank), nhà băng này đã thua lỗ nghiêm trọng, không còn giá trị vốn chủ sở hữu, dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng mà PVN góp vốn đã bị mất hoàn toàn.

Ngân hàng Nhà nước sau đó phải mua lại Oceanbank để khắc phục hậu quả.

Nguyên nhân dẫn đến 800 tỷ đồng của PVN bị mất là do hành vi trái pháp luật của Đinh La Thăng và các bị cáo gây ra. Ngoài ra, Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng PVN) còn lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Đối với bị cáo Đinh La Thăng, với tư cách Chủ tịch HĐQT đã ký thỏa thuận tham gia  góp vốn vào Oceanbank với Hà Văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT PVN.

Ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng  - Ảnh 3.

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: Chụp màn hình.

Bị cáo quyết định việc tham gia góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank và ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo điều kiện về góp vốn.

Đinh La Thăng biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng không thực hiện và vẫn góp vốn 800 tỷ đồng.

Thời điểm 1/1/2011, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực, quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Với vai trò Chủ tịch HĐTV PVN, Đinh La Thăng vẫn duy trì tỷ lệ vốn sở hữu của PVN tại Oceanbank là 20%, vượt 5% so với quy định.

Đồng thời, bị cáo Thăng ký quyết định cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank. Ông Thăng để Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục góp vốn 100 tỷ đồng vào Oceanbank trái với quy định của pháp luật.

Hậu quả toàn bộ 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank làm ăn thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc. 

Hành vi cố ý làm trái nêu trên của Đinh La Thăng đã vi phạm điều lệ tổ chức của PVN, các văn bản của Chính phủ, Luật tổ chức tín dụng và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hành vi của bị cáo đã gây tổng thiệt hại cho PVN số tiền 800 tỷ đồng - bản án nêu rõ.

Oceanbank lợi nhuận là ảo, báo cáo tài chính không chính xác

Liên quan đến việc mua Oceanbank với giá 0 đồng, HĐXX cho rằng giai đoạn 2009-2013, nhà băng này đã kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế dẫn đến âm vốn chủ sở hữu.

Số liệu trước và sau thanh tra là một khoảng cách biệt rất lớn, từ có lợi nhuận cho đến âm vốn chủ sở hữu cho thấy báo cáo tài chính hàng năm của Oceanbank là không chính xác.

Báo cáo phản ánh không đầy đủ và không trung thực hoạt động tài chính, đặc biệt là không phản ánh các sai phạm trong việc cấp tín dụng cũng như huy động vốn tại Oceanbank.

Đặc biệt chủ trương chi lãi ngoài của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đã gây thiệt hại cho khách hàng hơn 69 tỷ đồng, cho các cổ đông của OceanBank là 1.500 tỷ đồng, trong đó PVN là 49 tỷ.

"Do vậy lợi nhuận cũng như cổ tức có được theo báo cáo tài chính là ảo, không đúng sự thật với hoạt động của Oceanbank" – bản án nêu.

Do vậy, HĐXX cho rằng có căn cứ xác định hành vi cố ý làm trái do bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo trong vụ án thực hiện.

Vốn điều lệ Oceanbank âm lớn, không thể trả 800 tỷ cho PVN

Về việc các bị cáo và luật sư cho rằng số tiền 800 tỷ đồng PVN góp vốn không bị mất sau khi NHNN mua bắt buộc Oceanbank với giá 0 đồng và nhà băng này vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. 

Bị cáo và luật sư cho rằng đây chỉ là sự chuyển giao vốn Nhà nước từ PVN sang Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (Oceanbank mới sau khi bị mua 0 đồng). Việc PVN mất 800 tỷ là do NHNN mua bắt buộc toàn bộ cổ phần các cổ đông Oceanbank với giá 0 đồng và do Chính phủ yêu cầu PVN dừng thoái vốn.

Về việc này, HĐXX cho rằng, việc NHNN mua bắt buộc cổ phần của các cổ đông Oceanbank là quan hệ mua bắt buộc giữa NHNN và các cổ đông của nhà băng này.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng, vốn điều lệ là vốn cổ đông thực góp, được ghi nhận tại điều lệ và đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. 

Quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể có lãi hoặc bị lỗ. Khi có lãi thì làm tăng giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Ngược lại, khi bị lỗ làm giảm giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ.

Trong mọi trường hợp, theo quy định của pháp luật, vốn điều lệ vẫn được ghi nhận tại điều lệ và đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng giá trị các cổ đông đã góp trước đây.

Trong trường hợp này, dù vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (Oceanbank mới) ghi 4.000 tỷ đồng nhưng giá trị thực của vốn điều lệ này âm rất lớn - bản án nêu.  

Bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng

HĐXX đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm uy tín của Tập đoàn PVN, xâm hại sự đúng đắn trong công tác quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài hành vi cố ý làm trái, bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã thực hiện hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn là 20 tỷ đồng. Các bị cáo phải bị xử lý nghiêm khắc mới đủ sức răn đe.

HĐXX cho rằng bị cáo Đinh La Thăng giữ vai trò chính trong vụ án. Hành vi của bị cáo gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền 800 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, xử lý hành chính, HĐXX buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN phải bồi thường 15 tỷ đồng.

Các bị cáo Phan Văn Đức, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm mỗi người bồi thường 15 tỷ. Bị cáo Vũ Khánh Trường bồi thường 40 tỷ; Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ đồng.

Theo HĐXX, tại tòa bị cáo Ninh Văn Quỳnh khai đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng được lấy từ tiền chi lãi ngoài.

Sơn cũng khai nhận được Hà Văn Thắm chuyển cho hơn 200 tỷ và đã đưa cho bị cáo Quỳnh hơn 20 tỷ và mua nhà cho Quỳnh. Do đó, HĐXX  kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ số tiền và tài sản liên quan theo lời khai của bị cáo Sơn. Nếu có sai thì xử lý theo quy định của pháp luật.  

Ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng  - Ảnh 4.

VKS đề nghị mức án với 7 bị cáo. Đồ họa: 7pm.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng ông Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceabank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính, nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.

Từ chủ trương góp vốn của bị cáo Thăng, 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank bị âm vốn sở hữu, thua lỗ nghiêm trọng. Nhà băng này sau đó Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng.

Như vậy, đủ cơ sở kết luận, ông Thăng biết năng lực yếu kém của Oceanbank và biết rõ việc PVN muốn đầu tư vốn vào Oceanbank thì phải xin ý kiến và được sự đồng ý của Thủ tướng, nhưng đã cố ý làm trái. Ông Thăng còn có hành vi nhằm hợp thức hóa, che giấu hành vi vi phạm.

Với nhận định trên, ngày 22/3, đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án 18-19 năm tù.

Nghe mức án trên, trong phần tự bào chữa, ông Thăng bày tỏ lo lắng không còn đủ thời gian để thi hành án tổng cộng 2 bản án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại