Tổng thống Donald Trump chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ bị luận tội, nhưng giờ đây, Hạ viện và Thượng viện lại vướng vào tranh cãi không được mong đợi về điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Đó là vì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cuối ngày 18/12 đã bất ngờ tuyên bố rằng bà vẫn chưa thực hiện các bước tiếp theo của mình: chọn “người điều hành luận tội”để chính thức chuyển các điều khoản luận tội lên Thượng viện.
Ở thời điểm này, điều đó không có nhiều ý nghĩa, bởi Quốc hội chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ và Thượng viện cũng sẽ chưa thể bắt đầu phiên xét xử cho tới tháng 1/2020. Tuy nhiên điều này khiến cho bước tiếp theo của vở kịch chương hồi luận tội – phiên xét xử luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện, dự kiến bắt đầu (và kết thúc) trong tháng 1 – rơi vào mơ hồ.
Thông qua và giữ lại
Bà Pelosi nói rằng bà vẫn do dự không dám chắcLãnh đạo phe đa số (Cộng hòa) tại Thượng viện Mitch McConnell có tổ chức một phiên xét xử công bằng hay không, dựa trên những bình luận mà ông McConnell đã đưa ra tuần trước về việc sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhà Trắng.
Vì thế, sáng 19/12, bà Pelosi nhắc lại rằng, bà quyết định sẽ chưa hành động cho đến khi thấy được một cách rõ ràng tiến trình tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào ở Thượng Viện.
Trong khi đó, ông McConnell trong một tuyên bố cùng ngày đã ám chỉ rằng điều gì diễn ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào bà Pelosi. Ông thậm chí còn nói rằng việc bà chưa sẵn lòng chuyển các điều khoản luận tội là một sự thừa nhận bà đang yếu thế.
Còn Tổng thống Trump, người đang "háo hức" để Thượng viện tha tội cho mình, cũng không hài lòng về điều này. “Bà Pelosi cảm thấy cuộc luận tội giả mạo của mình là thảm bại tới mức bà sợ phải đưa nó lên Thượng viện để có thể ấn định ngày và khiến toàn bộ âm mưu này phá sản nếu họ từ chối xuất hiện. Cái việc Chẳng Làm Gì đó là quá tệ cho đất nước của chúng ta”, ông Trump viết trên Twitter sáng 19/12.
Đây rõ ràng là một nỗ lực của bà Pelosi khi muốn lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và các Thượng nghị sỹ Cộng hòa phải nhượng bộ trước đảng Dân chủ về việc phiên xét xử sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt là liên quan đến việc triệu tập nhân chứng và lấy lời khai.
Ý nghĩ đằng sau điều này là việc hoãn tiến trình có thể sẽ tạo đòn bẩy cho đảng Dân chủ - vì ông Trump, người bị luận tội, đang rất mong muốn sẽ vô sự ở Thượng viện. (Phản ứng giận dữ của ông trên Twitter sáng 19/12 dường như chứng minh điều đó).
Đó là một ý tưởng, nhưng mọi việc diễn ra như thế nào còn phụ thuộc vào một vài yếu tố. Liệu ông McConnell, người ra quyết định thực sự, có động thái gì không? Nếu không, liệu bà Pelosi có tiếp tục kéo dài thời gian? Và liệu phe Cộng hòa tại Thượng viện có thử phản ứng trước chiêu bài “gây mất tập trung” kiểu như thế này hay không?
Vậy điều gì đang thực sự diễn ra?
Một khi Hạ viện luận tội Tổng thống, hai điều được cho là sẽ diễn ra tiếp sau đó.
Một là, chỉ định những người điều hành luận tội: Chủ tịch Hạ viện sẽ chọn các thành viên nhất định trong Quốc hội làm “những người điều hành luận tội – giống như bên nguyên, người sẽ biện luận nhằm vào Tổng thống trước Thượng viện. Năm 1998, có 13 thành viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư Pháp Hạ viện được chọn làm người điều hành ngay sau khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội Tổng thống khi đó là Bill Clinton.
Hai là, việc chuyển các điều khoản luận tội lên Thượng viện: Điều này về cơ bản là một bước đi mang tính kỹ thuật khi chuyển các điều khoản luận tội mà Hạ viện đã thông qua lên Thượng viện.
Cả 2 đều là những bước đi mang tính hình thức trước khi bắt đầu phiên xét xử của Thượng viện.
Ngoại trừ việc ngay trong đêm 18/12, bà Pelosi bất ngờ nói rằng mọi việc không đơn giản đến thế. Và ngày 19/12, Hạ viện tuyên bố sẽ không tổ chức phiên bỏ phiếu nào về nghị quyết liên quan đến việc chỉ định những người điều hành luận tội cho đến sau kỳ nghỉ - sớm nhất là ngày 7/1/2020 khi các nghị sỹ trở lại làm việc.
Vì sao bà Pelosi làm vậy?
Lý lẽ mà bà Pelosi ban đầu đưa ra là bà muốn chờ để có thể nắm bắt rõ hơn về các kế hoạch của Thượng viện và liệu họ có công bằng hay không. Lo ngại của bà Pelosi là vì những tuyên bố mà ông McConnell đã đưa ra với Fox News hồi tuần trước.
“Mọi thứ tôi làm trong quá trình này [phiên xét xử luận tội-ND], tôi sẽ phối hợp với cố vấn Nhà Trắng”, ông McConnell nói ngày 12/12. “Sẽ không có sự khác biệt giữa lập trường của Tổng thống với lập trường của chúng tôi liên quan tới việc xử lý vấn đề này như thế nào”.
Phe Dân chủ nhận thấy những bình luận này là kinh khủng và khẳng định có sự dàn xếp. Bà Pelosi cũng trích dẫn lại những tuyên bố này trong đêm 18/12, nói rằng Mc Connell đã cho thấy rõ là sẽ không có một phiên xét xử công bằng.
Vậy điều gì có thể giải quyết mối lo ngại này? “Điều đó phụ thuộc vào việc các thượng nghị sỹ sẽ đưa ra quyết định của riêng mình. Có những nhân chứng, những văn bản mà Tổng thống đã ngăn cản chúng tôi tiếp cận và tôi hy vọng các thông tin sẽ có sẵn để đi đến một phiên xét xử”, bà Pelosi nói.
Điều này được cho là nhắc tới một đề nghị của lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer về việc lấy lời khai từ 4 quan chức và cựu quan chức gồm: quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cố vấn Nhà Trắng Robert Blair và nhân viên Văn phòng Quản lý và Ngân sách Michael Duffey. Cả 4 người đều biết về việc ông Trump giữ lại khoản viện trợ Ukraine.
Tất nhiên, vấn đề về nhân chứng sẽ khó có thể đạt được thỏa thuận. Quan điểm riêng tư của ông McConnell là ông không muốn nhân chứng nào. Nhưng về mặt công khai, ông cho rằng, bất cứ quyết định nào về nhân chứng cũng nên để lại cho đến sau khi phiên tòa bắt đầu - đây cũng là cách mà Thượng viện xử lý vấn đề năm 1999. Nhưng cả ông Schumer và bà Pelosi vẫn đang yêu cầu một cam kết về vấn đề nhân chứng ở thời điểm này.
Quả thực, chiến lược thông qua và giữ lại các điều khoản luận tội dường như đã “lọt vào mắt” của phe Dân chủ sau khi một chuyên gia luật của Havard, Laurence Tribe, đề xuất ý tưởng này trong một bài viết trên Washington Post trước đó vài ngày. Tribe cho rằng, việc trì hoãn có thể củng cố thêm sức mạnh của đảng Dân chủ trong việc mặc cả về các quy tắc xét xử với McConnell, bởi mong muốn cấp bách của McConnell và Trump là nhanh chóng kết thúc toàn bộ quá trình này.
Theo Laurence Tribe, bản thân việc luận tội là đủ và rằng phiên xét xử của McConnell có thể quá thỏa hiệp và nó sẽ thất bại trong việc đưa ra một phán quyết có ý nghĩa.
Kết cục khó thay đổi
Tuy nhiên, sự trì hoãn một cách mập mờ của bà Pelosi cũng không nhất thiết sẽ là cái kết của câu chuyện. Đảng Dân chủ có thể sẽ bị giáng đòn đau vì chơi bài chính trị với việc luận tội, cho dù họ sẽ cố gắng nói rằng đó là vì ông McConnell đã chính trị hóa quá trình một cách không phù hợp.
Chiến thuật này cũng có thể sẽ gặp phải sự phản đối của các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa vốn thường chỉ trích Trump hay là những người đang dao động quan điểm, những người mà đảng Dân chủ sẽ cần đến lá phiếu của họ cho bất cứ giải pháp luận tội nào.
Ông McConnell có thể sẽ vẫn duy trì quan điểm hiện tại và nói rằng ông ổn khi không phải tổ chức phiên xét xử (thực tế kịch bản này lại được một số Thượng nghị sỹ Cộng hòa mong đợi do họ phải đối mặt với cuộc đấu tái tranh cử khá gay gắt, như Susan Collins của bang Maine và Cory Gardner của bang Colorado). Hoặc ông McConnell có thể sẽ bị “lái” vào quan điểm của Tổng thống Trump và cố đặt ra thời hạn chót cho việc đi đến phiên xét xử hơn là nhượng bộ trước các yêu cầu của bà Pelosi.
Tất nhiên, không kịch bản nào có khả năng thay đổi kết quả thực sự của phiên xét xử. Phải có ít nhất 67 phiếu mới có thể bãi nhiệm Tổng thống. Đảng Dân chủ chỉ có 47 Thượng nghị sỹ. Họ cần tới 20 lá phiếu ủng hộ của đảng Cộng hòa. Phiên bỏ phiếu tại Hạ viện cho thấy, không nghị sỹ nào “phản bội” đảng của mình. Nhưng điều đó sẽ tạo ra sự tò mò vào phút chót của vở kịch về việc phiên xét xử sẽ diễn ra như thế nào và liệu đảng Cộng hòa có nghị sỹ nào bỏ phiếu theo Dân chủ hay không./.