Hoạt động rút quân khỏi Syria của Mỹ dường như đã bị hoãn lại khi các nguồn tin trong Lầu Năm Góc mới đây tiết lộ, có đến 800 quân Mỹ vẫn còn ở lại chiến trường Syria để “bảo vệ” các mỏ dầu ở quốc gia Trung Đông.
Lực lượng quân sự Mỹ sẽ chiếm đóng một khu vực giàu dầu mỏ rộng lớn trải dài 150km từ Deir ez-Zor đến al-Hasakah, chính quyền của Tổng thống Trump hôm qua (6/11) đã thông báo như vậy. Có tất cả khoảng 800 binh sĩ sẽ đóng lại ở Syria. Trong số này có 600 binh sĩ đóng ở các khu vực đông bắc đang nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng ngưởi Kurd trong khi 200 binh sĩ hiện đang làm nhiệm vụ bảo vệ al-Tanf ở phía nam, các quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ tiết lộ.
Thông tin trên cho thấy, có vẻ như chính quyền ông Trump đã hủy bỏ lời cam kết được đưa ra hồi tháng trước về việc sẽ đưa 1.000 binh sĩ ở Syria quay trở về nhà. Thực tế này được coi là một chiến thắng cho lực lượng phản đối Tổng thống Mỹ rút quân khỏi Syria.
Động thái của Mỹ chắc chắn sẽ khiến cả Nga và Syria không vui, nhất là khi Mỹ công khai tuyên bố họ để lại quân ở chiến trường Syria là để bảo vệ các mỏ dầu nằm trong các khu vực thuộc quyền quản lý của lực lượng người Kurd. Washington thẳng thừng nhấn mạnh, lực lượng quân sự của họ không chỉ bảo vệ mỏ dầu ở Syria trước lực lượng khủng bố mà cả trước chính phủ Syria.
Ban đầu, khi Mỹ quyết định rút quân đi, người ta tin rằng, đây là một chiến thắng lớn mà chính quyền Tổng thống Trump hai tay “dâng” cho Nga và Syria. Rõ ràng, Mỹ rút quân đi đã giúp Nga có được vị trí chủ chốt ở Syria. Hơn thế nữa, việc Mỹ rút quân đi đã giúp đồng minh của Nga – chính quyền Tổng thống Assad có cơ hội giành lại được một phần lãnh thổ rộng lớn mà họ từng chật vật, khó khăn chưa giành lại được.
Tuy nhiên, với việc ông Trump để lại quân ở lại bảo vệ các mỏ dầu, Nhà lãnh đạo Mỹ đã ngăn chặn khả năng tiếp cận nguồn lực dầu mỏ nhiều lợi ích kinh tế của chính quyền Tổng thống Assad khi mà Syria đang cần rất nhiều tiền cho quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Với vai trò chủ chốt ở Syria, Nga chắc chắn sẽ tham gia sâu vào quá trình tái thiết nói trên và cũng mong muốn được hưởng lợi từ quá trình này. Việc không được tiếp cận vào các mỏ dầu ở đông bắc Syria chắc chắn sẽ khiến Nga gặp khó trong quá trình giúp đỡ đồng minh tái thiết đất nước cũng như khiến lợi ích kinh tế mà Nga muốn có được ở Syria giảm đi rất nhiều.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh của Syria sẽ phải mất khoảng 250 tỉ USD và Syria đương nhiên không thể chỉ dựa vào hai đồng minh lớn là Iran và Nga.
Chính vì lý do trên, Nga đã không giấu nổi sự tức giận. Giới chức Nga liên tục chỉ trích hành động của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin hôm qua đã miêu tả hành động của Mỹ là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Trước đó, Moscow còn miêu tả hành động của Mỹ là “cướp bóc quốc tế”.
Theo các nguồn tin từ báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đang dựng lên hai căn cứ quân sự mới ở Deir ez-Zor. Điều này cho thấy, Mỹ có ý định để lực lượng của mình đóng lại lâu dài ở khu vực này. Một căn cứ nằm gần thành phố Rmelan, tỉnh al-Hasakah. Căn cứ này nằm gần khoảng 1.300 giếng dầu và rộng khoảng 4km vuông.