Chiến tranh thương mại: Trung Quốc bị ảnh hưởng gấp 4 lần so với Mỹ?

An Huy |

Với mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu lớn hơn, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi nhiều hơn so với Mỹ trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nước - hãng tin CNBC nhận định.

Tuy vậy, hãng tin này cũng cho rằng không vì thế mà Bắc Kinh sẽ sớm nhượng bộ Washington, nhất là khi cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang tới gần. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được dự báo sẽ không sớm lùi bước trong cuộc đấu căng thẳng.

Tăng trưởng giảm sút

Trong diễn biến mới nhất của cuộc chiến thương mại, Mỹ áp thuế bổ sung 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn Bắc Kinh áp thuế bổ sung 5-10% lên 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Một số nhà phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ thiệt hại 0,5-0,6 điểm phần trăm trong năm 2019 nếu thuế bổ sung mà Mỹ áp lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc được nâng lên 25% từ ngày 1/1 như đã cảnh báo.

"Nếu hai nước tăng thuế lên toàn bộ hàng hóa của nhau, thì ảnh hưởng đến Trung Quốc sẽ lớn gấp 4 lần so với ảnh hưởng đến Mỹ, vì giá trị xuất khẩu của Trung Quốc (sang Mỹ) lớn gấp 4 lần giá trị nhập khẩu của họ (từ Mỹ)", nhà kinh tế học Ethan Harris, phụ trách nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch, phát biểu.

"Thuế quan được áp bổ sung tính đến thời điểm này có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hụt đi khoảng nửa điểm phần trăm… Đối với Mỹ, mức thiệt hại thấp hơn, vì cú sốc mà thuế quan gây ra là nhỏ hơn, chưa kể đà tăng trưởng mạnh hiện nay của nền kinh tế", ông Harris nói.

Bank of America hiện dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1% trong năm 2019, sau khi đã tính đến ảnh hưởng tích cực từ các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mà Bắc Kinh đưa ra.

Ngân hàng JPMorgan Chase thì dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm 0,6 điểm phần trăm do sự suy giảm của cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu.

Xung đột có thể kéo dài

Ông Harris cho rằng cuộc chiến thương mại có thể sẽ chưa kết thúc chừng nào người tiêu dùng Mỹ còn chưa cảm nhận rõ tác động, hoặc còn chưa lo ngại về việc cuộc chiến sẽ kéo dài và tiếp tục leo thang.

Cho đến hiện tại, thị trường chứng khoán Phố Wall vẫn "phớt lờ" việc Mỹ-Trung áp thuế lên hàng hóa của nhau và thiệt hại kinh tế mà hàng rào thuế quan có thể gây ra. Tuy nhiên, các chiến lược gia cảnh báo một đợt bán tháo cổ phiếu mạnh vì thuế quan - nếu xảy ra - sẽ ảnh hưởng đến các điều kiện tài chính và sẽ khiến chính quyền ông Trump phải chú ý.

"Thị trường vẫn nghĩ rằng kiểu gì rồi cũng sẽ có một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc… Tôi e là thị trường đã hiểu sai về những gì ông Trump muốn", chiến lược gia trưởng thị trường Marc Chandler thuộc Bannockburn Global Forex phát biểu. "Ông ấy có một cuộc tấn công hai mũi, một nhằm vào chuỗi cung cứng và một nhằm vào hành vi thương mại của Trung Quốc. Ông ấy muốn Trung Quốc phải thay đổi một cách căn bản".

Trong một bài phát biểu vào ngày thứ Tư, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận Bắc Kinh hiện đang đối mặt thách thức lớn hơn trong việc giữ ổn định kinh tế.

"Chiến tranh thương mại đang buộc Trung Quốc phải ra tay kích cầu tăng trưởng. Họ đã đúng khi thừa nhận sự giảm tốc tăng trưởng", ông Harris nói. "Kinh tế Trung Quốc có thể sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng. Mọi người vốn quen với việc Trung Quốc luôn đạt mục tiêu tăng trưởng, nên việc không đạt mục tiêu có thể đặt ra những câu hỏi về sức khỏe của nền tảng kinh tế".

Đối với người tiêu dùng Mỹ, mức thuế bổ sung 10% áp lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc đồng nghĩa với việc họ phải chi thêm 20 tỷ USD để mua số hàng hóa này.

"Đây là một con số rất nhỏ nếu so với chương trình cắt giảm thuế của ông Trump. Trong năm đầu tiên, giá trị cắt giảm thuế là 150 tỷ USD", ông Harris nhấn mạnh. 

"Rủi ro thực sự từ chiến tranh thương mại không phải là thuế tăng và ảnh hưởng đến tiêu dùng, mà nằm ở vấn đề niềm tin".

Nhiều chuyên gia cũng không cho rằng Trung Quốc sẽ phá giá đồng Nhân dân tệ để bù đắp ảnh hưởng của thuế quan, bởi một đồng Nhân dân tệ mất giá sâu có thể dẫn tới sự thoái vốn ồ ạt khỏi nước này. Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 19/9 cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ không phá giá đồng nội tệ để làm "vũ khí" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm thứ Ba cho thấy lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 1. Tuy nhiên, mức giảm khá khiêm tốn và giới phân tích cho rằng đây không phải là kết quả của việc Trung Quốc bán nợ Mỹ nhằm mục đích trả đũa.

"Nếu Trung Quốc thực sự muốn gửi một tín hiệu đến Mỹ, thì tín hiệu đó sẽ không mơ hồ như vậy", ông Chandler nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại