Pacer tấn công mục tiêu trong thử nghiệm.
Theo RIA Novosti, cho đến gần đây, chỉ có một bằng chứng trên trang web của Bộ Quốc phòng Nga về việc sử dụng loại UAV Pacer trong chiến đấu. Vào mùa hè năm ngoái, Bộ Quốc phòng đã công bố video về cuộc tấn công vào những chiếc xe bọc thép.
UAV Pacer đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10 tháng 10 năm 2016. Đây là loại UAV độ cao trung bình, thời gian dài (MALE, Medium Altitude Long Endurance). Phiên bản xuất khẩu (tên gọi Orion) có trọng lượng cất cánh lên tới 1.000 kg, bán kính chiến đấu 250 km, độ cao 7.500 m, tốc độ 200 km/h.
Rất có thể, phiên bản trang bị cho quân đội Nga có các đặc điểm tốt hơn nhiều. Nhưng, ngay cả bản xuất khẩu Orion cũng vượt trội so với UAV tấn công - trinh sát tầm xa Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù cả hai đều thuộc phân khúc máy bay không người lái chiến thuật.
Pacer là máy bay không người lái đa chức năng. Tùy thuộc vào tải trọng, nó có khả năng chụp ảnh và quay video với độ phân giải cao, hoạt động như một trạm radar bay, thu thập thông tin tình báo vô tuyến và tiến hành tình báo điện tử.
Đối phó với HIMARS
Pacer cũng rất giỏi trong vai trò UAV tấn công. Ngoài các tên lửa chống tăng có điều khiển, máy bay không người lái này có thể được trang bị bom dẫn đường KAB-20, KAB-50, bom lượn UPAB-50, bom rơi tự do FAB-50.
Tất nhiên, các loại bom này kém hơn so với bom hạng nặng FAB-500 hoặc FAB-1000 được thiết kế cho máy bay ném bom. Nhưng nhiệm vụ của UAV là tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao chứ không phải bao phủ toàn bộ khu vực.
Cuộc xung đột Karabakh năm 2020 lần đầu tiên chứng minh tính hiệu quả cao của các loại bom có kích thước nhỏ. Những chiếc Bayraktar của Azerbaijan được trang bị bom dẫn đường có kích thước nhỏ gọn MAM-C và MAM-L đã trở thành một tai họa thực sự đối với quân đội Armenia.
Những máy bay không người lái của Azerbaijan đã tấn công các cơ sở phòng không, vị trí pháo binh, sở chỉ huy và trong một số trường hợp là cả các đơn vị bộ binh.
Hiện nay, cả quân đội Nga và Ukraine đều đang sử dụng rộng rãi những vũ khí này. Ngoài ra, UAV tấn công đang được sử dụng cùng với các đội pháo binh để phản pháo.
Các binh sĩ thực chiến trong xung đột Nga Ukraine cho rằng, những "con chim" như vậy làm cho mọi thứ dễ dàng hơn nhiều.
Trước hết, bom lượn hạng nhẹ cho phép máy bay không người lái "gây ác mộng" cho các khu vực hậu phương gần của Lực lượng Ukraine mà không cần bay vào vùng nhận dạng phòng không của họ.
Thứ hai, nhờ vũ khí tên lửa, chúng giúp ích rất nhiều cho quân đội và không quân chiến thuật để tiêu diệt các phương tiện bọc thép, hệ thống pháo phản lực cơ động như HIMARS.
Đòn phối hợp
Các cuộc đọ súng, đấu pháo ở mặt trận Donetsk không lắng xuống. Tại đây, các đội pháo 152mm Giatsint chịu trách nhiệm tác chiến phản pháo nhờ nhận được chỉ định mục tiêu từ trinh sát, những người quan sát ở trên mặt đất và cả Pacer.
Nhờ UAV Pacer hiệu suất đội pháo tăng lên đáng kể. Pháo tự hành có thể bắn đạn Krasnopol dẫn đường bằng laser. Và máy bay không người lái "làm nổi bật" mục tiêu.
Chỉ huy của một trong những sư đoàn pháo binh thuộc Quân đoàn 1 Nga giải thích: "Nếu có một 'con chim' như vậy ở mỗi 50 km tiền tuyến - thì chúng tôi có thể quên đi pháo binh Ukraine. Pháo tự hành Giatsint có tầm bắn tới 30 km.
Chúng tôi có thể tiêu diệt pháo mặt đất nhưng không thể phá hủy các hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Và một máy bay không người lái như vậy sẽ dễ dàng theo dõi và đối phó các hệ thống cơ động cao như HIMARS".
Hồi tháng 12 năm 2021, công ty Kronstadt đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy đầu tiên ở Nga chuyên sản xuất UAV tấn công và các thiết bị bay không người lái kiểu trực thăng.
Nhờ đó, trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt chắc chắn sắp xuất hiện thêm nhiều chiếc Pacer tối tân.