Từ ngày 24/6 đến ngày 9/7, Lục quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận chung "Lá chắn Phương Đông 21". Cuộc tập trận này được coi là một đợt huấn luyện phối hợp ở cấp chiến thuật của liên quân Mỹ - Nhật, nhằm kiểm tra và nâng cao khả năng lập kế hoạch chiến lược, khả năng phối hợp và tác chiến chung của quân đội hai nước.
Cuộc tập trận "Lá chắn phương Đông" được tổ chức thường niên kể từ năm 1985, và năm nay là lần thứ 36. Trong những năm gần đây, quy mô, phạm vi và lĩnh vực cuộc tập trận này có xu hướng tăng vọt qua từng năm.
Hình ảnh trong cuộc diễn tập Lá chắn Phương Đông 21. Nguồn: people.com.cn.
Năm nay, khoảng 1.600 quân Mỹ đến từ Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ đóng tại Nhật Bản, Sư đoàn Bộ binh số 40, Lữ đoàn pháo binh dã chiến số 17, Tiểu đoàn số 1 thuộc Trung đoàn Bộ binh số 28, Tiểu đoàn số 1 thuộc Trung đoàn pháo phòng không số 1/Lữ đoàn Pháo phòng không số 38, đã phối hợp cùng với khoảng 1.400 quân của Nhật Bản gồm Đội Mặt trận Trung tâm, Trung đoàn Lực lượng Đặc biệt số 1 và Đội Bảo vệ Vũ khí Đặc biệt Trung ương.
Nam Bắc hợp luyện
Bắt đầu từ ngày 24/6, cuộc tập trận chung "Lá chắn Phương Đông 21" đã được phát động tại các căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Kịch bản của cuộc tập trận là tấn công vào các hòn đảo xa xôi ở Tây Nam Nhật Bản, trong đó, Mỹ và Nhật Bản phối hợp thực hiện các cuộc tấn công tầm xa liên hợp đa miền và các hoạt động phòng không, chống tên lửa.
Quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay vận tải C-17 để khẩn cấp vận chuyển Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142 đến Hokkaido và hệ thống tên lửa phòng không "Patriot-3" từ Okinawa đến căn cứ Amami Oshima. Năm nay, cuộc tập trận được thực hiện tại hai địa điểm ở phía bắc và phía nam.
Địa điểm diễn tập thứ nhất: Thao trường Yausubetsu, Hokkaido. Lực lượng liên quân Mỹ - Nhật đã tiến hành các cuộc tập trận tấn công hỏa lực chung tại đây. Các lực lượng tham gia bao gồm: Lữ đoàn pháo binh dã chiến số 17 của Mỹ và Trung đoàn Lực lượng Đặc biệt số 1 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142 và hệ thống pháo hỏa tiễn đa nòng M270.
Mỹ và Nhật Bản sử dụng liên kết dữ liệu để chia sẻ tọa độ mục tiêu, hệ thống M142 của Mỹ khởi động cuộc tấn công đầu tiên, tiếp theo là hệ thống M270 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Hệ thống M142 có tầm bắn khoảng 300 km và có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công đất đối biển hoặc đất đối đất giữa các đảo.
Địa điểm tập trận thứ hai: Căn cứ Amami Oshima của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất tỉnh Kagoshima. Năm nay là lần thứ hai liên quân Mỹ - Nhật thực hiện huấn luyện chung tại căn cứ này, chủ yếu là diễn tập phòng không chung, hai bên mô phỏng và phối hợp đánh chặn các máy bay chiến đấu và tên lửa đang bay tới.
Lực lượng tham gia bao gồm: Lữ đoàn Pháo phòng không số 38 của Mỹ, Cụm pháo phòng không Teko số 8 thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất, hệ thống tên lửa phòng không Patriot-3 của Mỹ và hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa type 03 của Nhật Bản.
Điều đáng chú ý là đây là lần triển khai hệ thống tên lửa phòng không "Patriot-3" đầu tiên của Mỹ trên đảo, điều này chứng minh hai nước đã thiết lập mạng lưới phòng không chung trên các đảo xa xôi phía Tây Nam Nhật Bản. .
Hỏa lực hỗn hợp
Cuộc tập trận tập trung vào việc tăng cường khả năng hoạt động chung đa miền của Mỹ và Nhật Bản từ cấp độ chiến thuật, tức là "thử nghiệm và cải thiện khả năng hoạt động đa miền đồng thời tăng cường khả năng hoạt động chung giữa Mỹ và Nhật Bản."
Kể từ khi Lục quân Mỹ thành lập lực lượng đặc nhiệm đa miền vào năm 2017, mặc dù quy mô lực lượng nhỏ, nhưng lực lượng này có khả năng tiến hành các hoạt động trong không gian, mang, trên biển, trên không và mặt đất, phạm vi tác chiến của lực lượng này đã được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực hoạt động quân sự, Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến hỗ trợ.
Mỹ và Nhật Bản đang hướng tới xây dựng lực lượng tác chiến đa miền chung? Nguồn: people.com.cn.
Năm 2018, Mỹ đã thử nghiệm lực lượng đặc nhiệm đa miền lần đầu tiên trong cuộc tập trận "Vành đai Thái Bình Dương" ở Hawaii. Tháng 9/2019, Mỹ đã cử lực lượng đặc nhiệm đa miền tham gia cuộc tập trận "Lá chắn phương Đông 19". Sau khi Mỹ rút khỏi "hiệp ước tên lửa tầm trung", việc triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không còn bị hạn chế.
Mỹ tuyên bố sẽ triển khai các lực lượng đặc nhiệm đa miền ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian thích hợp. Nhật Bản đã nêu rõ trong "Đại cương kế hoạch phòng thủ" năm 2018 rằng, các hoạt động liên hợp đa miền sẽ là phong cách hoạt động mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, một loạt các hành động kết nối cơ chế giữa Mỹ và Nhật Bản đã chuẩn bị tốt cho hai nước này tiến hành cuộc tập trận chung đa miền. Điển hình như, trong lĩnh vực an ninh mạng, Mỹ và Nhật Bản đã khởi động cơ chế đối thoại và hợp tác an ninh mạng đa cấp, năm 2019, hai nước cùng xác nhận rằng các cuộc tấn công mạng được áp dụng theo “Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ”.
Năm 2018, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh Không gian, sau đó, Nhật Bản đã thành lập "Đội tác chiến không gian" vào năm 2020. Một nhiệm vụ quan trọng của các lực lượng này là cùng nhau thiết lập hệ thống nhận thức tình huống không gian thông qua việc sử dụng các vệ tinh hiện đại của Nhật Bản được trang bị các cảm biến của Mỹ, từ đó hình thành một cơ chế chia sẻ thông tin tình báo trong lĩnh vực theo dõi tên lửa.
Cuộc tập trận "Lá chắn phương Đông 21" năm nay sẽ tiến hành các bài tập thực chiến trên hệ thống chỉ huy và kiểm soát liên hợp đa miền và hệ thống tấn công bao gồm cả pháo binh nhằm nâng cao hơn nữa khả năng tích hợp hệ thống và hiệu quả của các hoạt động đa miền.
Phương thức tác chiến mới này cũng bao gồm việc sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để tiến hành các cuộc tấn công điện tử nhằm gây nhiễu thông tin liên lạc của đối phương, phá vỡ cấu trúc chỉ huy và cải thiện hiệu ứng tấn công; thu thập thông tin điện từ của đối phương và nắm rõ các kịch bản tấn công của đối phương.
Trên thực tế, phương thức chiến đấu mới này đã bắt đầu xuất hiện trong cuộc diễn tập hỏa lực tổng hợp Fuji hồi tháng 5/2021. Cuộc tập trận lần này là nhằm cải thiện các vấn đề còn tồn tại trong cuộc tập trên.