Chiến thuật của Nga nhằm biến UAV Lancet thành “sát thủ” xuyên giáp

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Eurasia Times |

Ngoài khả năng xác định và theo dõi mục tiêu tự động, UAV Lancet cải tiến của Nga hiện giờ còn có thêm tính năng xuyên giáp, tạo ra mối đe dọa mới đối với các lực lượng Ukraine trên chiến trường.

Các đơn vị quân đội Ukraine đã bắt đầu tiếp nhận phiên bản tiên tiến của máy bay không người lái cảm tử (UAV) Lancet, được tích hợp camera phụ trợ và đầu đạn nổ lõm tandem (một thiết bị nổ được thiết kế để thực hiện 2 hoặc nhiều bước nổ lõm kế tiếp nhau), có thể xuyên phá giáp lồng bảo vệ và giáp phản ứng nổ ERA.

Cải tiến này đã bổ sung thêm tính năng mới cho UAV Lancet, ngoài khả năng bay tự động và nhận dạng mục tiêu tự động.

Chiến thuật của Nga nhằm biến UAV Lancet thành “sát thủ” xuyên giáp - Ảnh 1.

UAV Lancet được bổ sung camera phụ trợ. Ảnh: Telegram

Phiên bản UAV Lancet hiện đại có thiết kế khác biệt, với thân hình ống. Đáng chú ý, quân đội Ukraine đã thừa nhận mối nguy hiểm do các biến thể mới của UAV gây ra, đồng thời thảo luận về các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật để đối phó với mối đe dọa này.

Thời gian gần đây, có rất nhiều báo cáo về việc Nga đã tiến hành nâng cấp UAV Lancet, đặc biệt là cải tiến về động cơ, đầu đạn, tầm bắn, công nghệ theo dõi và hệ thống quan học. Tuy vậy, những tính năng mới này có thể không được tích hợp cho một mô hình duy nhất, thay vào đó, chúng xuất hiện trên nhiều phiên bản và lô sản xuất khác nhau.

Sự điều chỉnh này cho thấy không phải tất cả các đơn vị bộ binh và đơn vị lính dù của Nga đều có thể sử dụng các phiên bản giống nhau. Việc phân bổ UAV Lancet có thể được điều chỉnh dựa trên nhu cầu riêng của các nhánh trong quân đội Nga hoặc khu vực mà họ hoạt động chẳng hạn như Đông Bắc, Đông Nam hoặc phía Nam Ukraine.

UVA Lancet phiên bản mới của Nga có thể vượt qua lưới chống máy bay không người lái, xuyên qua lớp giáp lồng và giáp ERA, cũng như chống lại các giải pháp nhằm bẫy hoặc vô hiệu hóa UAV mà Ukraine sử dụng trước đó để chúng không thể lao tới mục tiêu.

UAV Lancet trở thành "sát thủ" xuyên giáp

Kênh Telegram "UAV_Tech" của Nga cho biết: "Phiên bản UAV Lancet nâng cấp đã xuất hiện trên chiến trường. Chúng được trang bị hệ thống LIDAR, cho phép đo khoảng cách chính xác đến mục tiêu và kích hoạt đầu đạn từ xa. Với đầu đạn nổ tandem, UAV Lancet có thể xuyên thủng lưới hoặc lớp giáp và phá hủy phần bên trong. Lưới chắn và giáp chắn sẽ không còn hiệu quả nữa. UAV có tính năng tìm kiếm mục tiêu tự động nhờ được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI)".

Theo "UAV_Tech", UAV Lancet đã phá hủy hệ thống tên lửa phóng loạt RM-70 (MLRS) và pháo tự hành DANA (SPG) của Ukraine vào giữa tháng 10. Hình ảnh được binh sĩ Nga công bố cũng cho thấy những chiếc Lancet được gắn hai camera cỡ nhỏ của hệ thống LIDAR, phía sau cụm cảm biến dẫn đường ở mũi UAV.

LIDAR, viết tắt từ cụm từ Light Detection and Ranging, là một công nghệ đo khoảng cách, lập bản đồ ba chiều với nguyên lý hoạt động tương tự radar, nhưng sử dụng các chùm tia laser hoặc hồng ngoại thay vì sóng vô tuyến.

Nguyên lý hoạt động cơ bản của LiDAR là phát một chùm tia laser tới một bề mặt và đo khoảng thời gian phản xạ lại của laser. LIDAR có thể đo đạc, khảo sát, lập bản đồ về địa hình Trái Đất.

Khi kết hợp với UAV, máy đo khoảng cách laser và camera quang học của hệ thống có thể đo khoảng cách tới mục tiêu. LIDAR sẽ xác định lồng bảo vệ hoặc lớp giáp kim loại ở phía trước xe tăng hoặc pháo và lập trình đầu đạn tương ứng.

"Giải pháp kỹ thuật này cho phép bạn giải quyết vấn đề với lưới chống máy bay không người lái, từng là rào cản lớn khiến UAV Nga khó hoạt động", báo cáo của Militarnyi cho biết. Việc xuất hiện phiên bản cải tiến có thể xuyên phá lớp giáp là tin tức cực kỳ xấu đối với Ukraine, trang tin này lưu ý.

Theo Militarnyi, hiện rất ít các biện pháp hiệu quả để đối phó với UAV Lancet phiên bản mới của Nga, ngoại trừ việc sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử mạnh mẽ như như Bukovel.

"Hoạt động của UAV Lancet có thể bị phát hiện nhờ máy phân tích phổ tần số vô tuyến. Lancet, Zala và các UAV trinh sát sát thường hoạt động trong dải tần 868-870 MHz và 902-928 MHz. Dải tần này thường có dạng đặc trưng là hai đỉnh nhọn".

Chuyên gia Serhii Flesh lưu ý rằng, các đơn vị tác chiến điện tử trên mặt đất của Nga không thể bảo vệ Lancet vì nếu họ phát tín hiệu gây nhiễu thì điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của UAV. Cần phải lưu ý rằng, Lancet không có mô-đun định vị được bảo vệ chống lại thiết bị tác chiến điện tử. Ukraine dường như đã xác định được lỗ hổng này và chuẩn bị biện pháp đối phó với Lancet khi không có hoạt động gây nhiễu hoặc sự can thiệp bằng EW của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại