Israel có bao nhiêu chiếc AH-64 "Apache"?
Nói tới Không quân Israel (IAF) hẳn chúng ta đã biết về những khác biệt trên các tiêm kích F-15I "Ra'am", F-16I "Sufa" hay F-35I "Adir". Tuy nhiên ít người nhắc tới các phi đội trực thăng vũ trang AH-64 "Apache" của họ.
Được đặt tên theo một nhóm thổ dân da đỏ Mỹ, "Apache" bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1984 và với việc có hơn 2.400 chiếc được sản xuất. Hiện nay AH-64 là loại trực thăng vũ trang phổ biến nhất trên thế giới.
IAF nằm trong số những lực lượng không quân không chỉ trang bị AN-64 mà còn tích cực vận hành chúng trong thực chiến. Theo một số nguồn tin, IAF hiện đang trang bị 48 chiếc trực thăng vũ trang loại này.
Có thể nói người Israel luôn có hướng đi riêng trong việc hiện đại hóa khí tài quân sự. Và với thế mạnh là điện tử vô tuyến, họ đã biến IAF nói riêng và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói chung thành một trong những đội quân có công nghệ tiên tiến nhất hành tinh.
Và mặc dù công nghệ không phải lúc nào cũng là chìa khóa dẫn đến chiến thắng, nhưng công việc hiện đại hóa khí tài quân sự ở Israel đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện. Chúng ta hãy hãy cùng xem các kỹ sư Israel đã làm gì với "Apache".
Hình minh họa.
"Apache" của Israel khác gì của Mỹ?
Nhìn chung người Israel không tiếc tiền trong việc sửa đổi các khí tài quân sự, bao gồm cả trực thăng. Nhưng theo tôi (chuyên gia Nga Roman Skomorokhov), cách họ "nhồi nhét" các cải tiến vào "Apache" là một kiệt tác theo cách riêng của nó.
Các bức ảnh chụp AH-64 của IAF đang trực tiếp tham chiến ở Dải Gaza cho thấy chúng mang theo một "viên nang" dễ thấy dưới bụng.
Nằm phía sau pháo tự động 30 mm, thùng chứa này bao gồm một gói bổ sung về hệ thống điện tử hàng không và chính nó chứa đựng bí mật giúp "Apache" của IAF vẫn đang đứng ở tuyến đầu bất chấp "tuổi tác".
"Viên nang" này là một phần của quá trình hiện đại hóa những chiếc AH-64A "Peten" (được IAF trang bị từ những năm 1990) và được truyền thông biết đến từ năm 2013. Cải tiến này sau đó cũng được áp dụng trên 2 biến thể "Sarat" và "Serpent" của AN-64D.
"Viên nang" dưới bụng AH-64 "Apache" của IAF.
Nói chung "Serpent" được cho là tương đương với "Longbow" của người Mỹ và bắt đầu được đưa vào trang bị vào năm 2005.
Và ở bài viết này tôi xin xem xét sâu vào sự khác biệt giữa AN-64D "Serpent" và "Longbow". Ngoài radar điều khiển hỏa lực AN/APG-78, sự khác biệt nằm phần lớn ở hệ thống điện tử hàng không, vũ khí và hệ thống bảo vệ do Israel sản xuất.
Những điểm gì mà các bên chống lại "Apache" của Israel cần phải quan tâm?
Chúng ta thấy RAVNET 300 (thiết bị liên lạc thoại và truyền dữ liệu do Rafael sản xuất) và ELK-1891 SATCOM (thiết bị liên lạc vệ tinh do Elta sản xuất), Elbit HELICOM (thiết bị quản lý nhiệm vụ cung cấp khả năng hiển thị dữ liệu chiến trường theo thời gian thực).
Tiếp theo đó là Elisra Seraph, một tổ hợp phòng thủ bao gồm thiết bị cảnh báo tấn công tên lửa SPS-65, thiết bị gây nhiễm radar SPJ-40 và hệ thống phòng thủ chủ động Elbit Rokar, thứ không chỉ phóng đạn mồi bẫy nhiệt mà cũng có thể gây nhiễu.
Tại sao "viên nang" không ở thân trực thăng?
Câu trả lời khá đơn giản.
Một chiếc trực thăng không có các yêu cầu nghiêm ngặt về khí động học giống như một chiếc tiêm kích và vào thời điểm công việc hiện đại hóa của người Israel bắt đầu, khung thân của AH-64 chỉ đơn giản là không còn chỗ trống.
Hình minh họa.
Hệ thống điện tử hàng không, bình nhiên liệu, nơi chứa đạn, buồng lái cho 2 phi công cùng các thiết bị liên quan chiếm thể tích lớn tới nỗi người Israel phải quyết định bổ sung các thiết bị hiện đại hóa bên ngoài thân máy bay.
Ngoài ra việc hiện đại hóa 12 chiếc AH-64A lên chuẩn "D" rất tốn kém - vì phải chuyển chúng về Mỹ và giải pháp module hóa bằng 1 "viên nang" tiết kiệm hơn nhiều.
Vũ khí thì sao?
Hiện tất cả "Apache" của IAF đều thuộc 2 phi đội đóng tại Căn cứ Không quân Ramon ở Sa mạc Negev.
Ngoài tên lửa AGM-114 "Hellfire" do Mỹ sản xuất, những chiếc trực thăng này còn mang theo tên lửa Spike NLOS do Israel sản xuất (dự kiến người Mỹ cũng sẽ trang bị thứ này cho Apache của họ).
Được người Israel gọi là "Tammuz", Spike NLOS hiện được phân loại là đạn dược lảng vảng và có tầm bắn khoảng 20 km.
Một chiếc AH-64D mang tên lửa Spike NLOS trên giá treo bên phải còn radar dẫn bắn của nó lại nằm ở giá treo bên trái cùng với tên lửa AGM-114 "Hellfire".
Theo IDF, với tính linh hoạt và tốc độ thấp nên AH-64 của họ cũng đã được sử dụng trong các nhiệm vụ phòng không chống máy bay không người lái (UAV).
Trong các nhiệm vụ kiểu này, tên lửa đa năng AGM-114 "Hellfire" có thể được sử dụng để chống lại UAV. Dù "Hellfire" không thường được sử dụng cho mục đích này nhưng ở đây kết quả quan trọng hơn nhiều - và "Apache" của IAF đã khá thành công trong việc bắn hạ UAV.
Và những bức ảnh mới từ Dải Gaza đã xác nhận rằng bất chấp "tuổi tác", AH-64A nâng cấp vẫn là một phần quan trọng trong phi đội trực thăng vũ trang của IAF.
Với các cảm biến và hệ thống liên lạc mạnh mẽ, AH-64 của Israel ngoài vai trò cường kích cũng rất hữu ích trong vai trò trinh sát để hỗ trợ cho lực lượng trên mặt đất.
Quan trọng hơn, "Apache" của Israel thực sự không giống bất kỳ mẫu trực thăng nào khác trên hành tinh. Việc hiện đại hóa không những độc đáo vì áp dụng những phát kiến của chính mình mà còn đảm bảo việc gây khó khăn nhất cho đối phương nếu chúng trở thành chiến lợi phẩm.
Hình minh họa.
Hoài Giang (Nguồn: Topwar.ru).