Theo Spiegel, thành trì cuối cùng của phiến quân ở Syria, khu vực phía Bắc đã lấp đầy với 3 triệu người. Thành trì này đang trở thành cuộc chơi của 2 người chuyên quyền mà mối quan hệ giữa hai người kể cả vào lúc tốt nhất cũng được đánh giá là "phức tạp".
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan thường xuyên tái khẳng định mối quan hệ nồng ấm với nhau trước khi gây tổn hại cho các đồng minh của nhau.
Dưới chiến thuật tinh tế, giới lãnh đạo Nga đã chọn ông Erdogan làm đối tác ở Syria và đang trong quá trình dần đưa nhà lãnh đạo của Ankara ra khỏi NATO, cản trở tham vọng quyền lực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả hai nhà lãnh đạo dường như đều đang thăm dò nhau khi họ đang theo đuổi những lợi ích trái ngược. Và không chỉ ở vấn đề Idlib.
Ở phía Đông Bắc Syria do người Kurd kiểm soát, Moscow đã bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới sau khi Mỹ rút quân khỏi nơi đây và cùng lúc đó, Moscow cũng gây áp lực để người Kurd phải chấp nhận chính quyền của ông Assad.
Cả hai quốc gia cũng đã ủng hộ những bè cánh khác nhau ở Libya.
Trong khi Ankara gửi vũ khí và lính đánh thuê cho nhà lãnh đạo Fayez Sarraj vốn được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, Moscow cũng làm điều tương tự với Khalifa Hifter.
Tổng thống Erdogan và nhà lãnh đạo Nga Putin
Dường như chẳng có nơi nào trên thế giới này sự bất ổn chính trị đã gây phiền phức như ở Idlib.
Một thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2018 mà theo đó Ankara được trao quyền kiểm soát toàn bộ Idlib và đổi lại Ankara phải điều tiết và đuổi toàn bộ phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có liên kết với al-Qaida ra khỏi khu vực này. Điều kiện thỏa thuận thực quá đáng quý nhưng tiếc thay chẳng bên nào thực hiện được thỏa thuận.
Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ hoặc không thể hoặc không muốn loại bỏ HTS còn ông Putin và ông Assad tiếp tục triển khai việc ném bom vào khu vực này.
Sau đó, người châu Âu lại giảm hỗ trợ về tài chính cho chính quyền sở tại với lập luận rằng tiền có thể rơi vào tay các chiến binh thánh chiến. Nhưng thực tế, những người duy nhất bị suy yếu đi là đối thủ của các chiến binh thánh chiến.
Syria cần phải được giải phóng bằng mọi giá
Tổng thống Syria Assad luôn bày tỏ mong muốn đòi lại từng tấc đất của Syria. Mỗi năm trôi qua, phiến quân lại lần lượt thu hẹp diện tích đất do chúng kiểm soát, trả lại đất cho chính quyền Syria. Tuy nhiên, tại Idlib, phiến quân vẫn ra sức hoành hành người dân nơi đây.
Hy vọng cuối cho việc giải phóng Idlib phụ thuộc nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang lo ngại vì nếu giải phóng Idlib, hàng triệu người tị nạn Syria sẽ tràn vào nước này. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi cư trú của hơn 3,6 triệu người tị nạn. "Tình hình ở Idlib thật khó chấp nhận", ông Erdogan cho biết.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố triển khai cuộc tấn công quân sự nếu lực lượng của chính quyền ông Assad không rút khỏi khu vực này cuối tháng 2.
Trong bối cảnh trên bờ vực của chiến tranh, ông Erdogan nói hoặc Nga ngừng bắn phá Idlib "hoặc chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết". Dường như lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.
Tướng Mỹ Tod Wolters đã thăm Ankara vào đầu tháng 1 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Syria. Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 4/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hoan nghênh cuộc tấn công trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ.