Chiến sự Nagorno-Karabakh: Giải pháp ngoại giao đang xa dần

Trần Nga |

Lệnh ngừng bắn nhất trí hôm 16/10 gần như không có tác động làm giảm giao tranh ở Nagorno-Karabakh, bất chấp nguy cơ bùng nổ thành cuộc xung đột rộng hơn.

Tình hình Nagorno-Karabakh đang căng như dây đàn sau các cuộc đụng độ mới đẫm máu nhất giữa các lực lượng Azerbaijan và người thiểu số Armenia kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước.

Trước lệnh ngừng bắn hầu như vô tác dụng, các cường quốc đang xúc tiến các sáng kiến ngoại giao nhưng giới chức 2 bên tham chiến đều phủ nhận khả năng cho một giải pháp ngoại giao ở thời điểm này.

Lệnh ngừng bắn nhất trí hôm 16/10 gần như không có tác động làm giảm giao tranh ở Nagorno-Karabakh, bất chấp nguy cơ bùng nổ thành cuộc xung đột rộng hơn có sự can dự của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nỗi lo an ninh đối với đường ống dẫn khí đốt ở Nam Caucasus.

Giới chức tại Nagorno-Karabakh đã ghi nhận các cuộc pháo kích mới vào sáng ngày 19/10 và giao tranh đặc biệt căng thẳng tại phía Nam vùng chiến sự này.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng ghi nhận giao tranh ở một số khu vực, trong đó có vùng tranh chấp sát với đường giới tuyến chia cắt giữa 2 bên.

Azerbaijan cho biết đã giành được một số lợi thế trên thực địa và tịch thu xe tải quân sự của Armenia trong các cuộc đụng độ quanh Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, Armenia cũng tuyên bố đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Azerbaijan và vẫn kiểm soát được tình hình.

Thông tin mà Azerbaijan và Armenia công bố thường trái ngược nhau và rất khó để kiểm chứng. Mỗi bên đều cáo buộc đối phương tấn công các mục tiêu dân sự và các nhóm cứu trợ lo sợ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Dù cả 2 bên đều tuyên bố “rắn” nhưng không phải không có các nỗ lực ngoại giao. Cả Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đều xác nhận với hãng thông tấn TASS của Nga rằng, họ sẵn sàng đến Moscow để đàm phán.

Tổng thống Armenia đã lên đường đến Brussels để đàm phán với Liên minh châu Âu và liên minh quân sự NATO. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cho biết ông đã tiến hành hội đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan.

Sau đó, 2 ngoại trưởng sẽ đến Washington để hội đàm trong ngày 23/10 với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, làm dấy lên hi vọng sẽ có đột phá. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh:

“Con đường đúng đắn phía trước là giảm xung đột, kêu gọi các bên giảm leo thang và mỗi nước cần đứng ra xa, không đổ thêm dầu vào cuộc xung đột, không cung cấp vũ khí, hay sự hỗ trợ cho cuộc chiến. Và khi đó sẽ là thời điểm cho một giải pháp ngoại giao được tất cả các bên chấp nhận”.

Tuy nhiên, hi vọng về sự tham gia trực tiếp của Ngoại trưởng Pompeo ở vai trò trung gian đã vụt tắt khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong bài diễn văn trước toàn dân ngày 21/10 tuyên bố ông không thấy có khả năng về giải pháp ngoại giao ở thời điểm này.

“Chúng ta cần nhận ra rằng, vấn đề Nagorno-Karabakh ít nhất là ở thời điểm này và trong một thời gian dài nữa, chưa thể có giải pháp ngoại giao.

Mọi vấn đề mà phía Armenia chấp nhận về mặt ngoại giao đã không còn được phía Azerbaijan chấp nhận nữa”, ông Pashinyan nói.

Sở dĩ Thủ tướng Armenia đưa bình luận trên là vì trước đó Tổng thống Azerbaijan tuyên bố ông tin tưởng cuộc xung đột có thể giải quyết theo “con đường quân sự”.

Tuyên bố của 2 bên tham chiến đã làm gia tăng nghi ngờ về tính khả thi các sáng kiến ngoại giao được các các cường quốc xúc tiến để đưa hòa bình trở lại vùng Nam Caucasus.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại