Lần đầu tiên sau tai nạn trở về quê ăn Tết
Hơn hai năm sau vụ rơi máy bay quân sự Mi 171 ở Hòa Lạc ngày 7/7/2014, Thượng úy Đinh Văn Dương, người duy nhất còn sống sót đã được ra viện, ra quân và chuyển về điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh)
Sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đó, khuôn mặt của anh bị biến dạng, đôi chân, đôi tay không còn lành lặn như trước, nhưng như một điều kỳ diệu, người chiến sỹ không quân đã chiến đấu và giữ vững niềm tin, niềm lạc quan đến mức khó ai có thể tưởng tượng được.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, tại căn hộ chung cư được Bộ Quốc phòng tặng (thuộc khu đô thị Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội), khi chúng tôi đến thăm, thấy có tiếng gọi cửa, mẹ anh - bà Trịnh Thị Đông vội ra mở cửa với niềm vui ánh trong mắt.
Trên bộ ghế sofa của gia đình, anh Dương cũng tươi cười, giơ một bên tay không còn lành lặn ra hiệu chào, rồi gọi chúng tôi đến ngồi gần.
Anh kể câu chuyện của người "lính mới" ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh).
Theo lời anh Dương, ngay sau khi tiếp nhận người thương binh hạng đặc biệt, mất 99% sức khỏe là anh, lãnh đạo trung tâm đã rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo mọi điều kiện về phòng ở, cũng như điều dưỡng chăm sóc anh.
"Nhìn ở Trung tâm thì toàn các bác, các chú U50, 60 còn U30 thì chỉ có mình là người duy nhất và nếu nói về hạng thương binh thì mình cũng là người đặc biệt nhất", anh nói.
Bà Trịnh Thị Đông đang giúp con trai mặc chiếc áo cộc tay.
Một điều đặc biệt hơn mà anh Dương chia sẻ đó là sau 29 tháng 10 ngày nằm điều trị và 2 năm liền đón Tết trong Viện bỏng Quốc gia, năm nay, anh cùng gia đình đã được về quê ăn Tết.
"Lúc đầu, lãnh đạo Trung tâm có nói là lính mới nên phải ở lại nhưng rồi gia đình trình bày về hoàn cảnh 2 năm liền ăn Tết trong viện nên các bác đã đồng ý cho hai mẹ con về quê ăn Tết.
Khi bài viết được đăng tải, thì cả gia đình Thượng úy Đinh Văn Dương đang cùng nhau quây quần bên ngôi nhà nhỏ tại quê nhà, huyện Kim Bảng (Hà Nam) cùng họ hàng, bà con, bạn bè đón cái Tết sum vầy đầu tiên sau vụ tai nạn.
Thực sự là mình rất vui, hạnh phúc vì sau tất cả những gì trải qua, mong manh giữa sống - chết, giờ đây mình đã được trở về ngôi nhà nơi sinh ra đời, ở bên cạnh mẹ, vợ, hai con đón năm mới tới.
Rồi được gặp họ hàng, bà con, bạn bè, những người liên tục thăm hỏi trong suốt tháng ngày qua", anh Dương nói.
Còn theo bà Đông, mẹ anh Dương, vì đây là Tết đoàn tụ đầu tiên sau vụ tai nạn nên chắc chắn gia đình sẽ có "một cái Tết vui vẻ, đầm ấm hơn rất nhiều".
Cũng theo anh Dương, Tết này anh cũng có niềm vui nữa là sau khi về Trung tâm điều dưỡng một thời gian, một tổ chức xã hội ở Hà Nội đã quyên góp, vận động, tặng anh một chiếc xe lăn điện nên giờ đây, việc di chuyển đã có phần dễ dàng hơn, không phải sử dụng chân giả.
"Giờ tôi có thể ngồi trên xe và tự điều chỉnh xe đi lại trong nhà, ra ngoài hành lang mà không cần ai giúp đỡ cả. Tôi rất cảm ơn những tấm lòng đã luôn đồng hành trong thời gian qua", anh bày tỏ.
"Nụ cười của đồng đội là điều tôi luôn khắc ghi"
Nhớ lại 831 ngày nằm viện điều trị, anh bảo, đó là những tháng, ngày không thể nào quên được, đặc biệt, quãng thời gian khi còn trong phòng cấp cứu.
Lúc đó, cả thân thể bỏng nặng bị bó sát bởi những lớp băng trắng xóa nhưng trong tâm trí anh vẫn mơ hồ khi nghe thấy giọng nói của mẹ, của vợ và cô con gái Đinh Hải Yến gọi: "Ba ơi...".
Tấm ảnh cưới của vợ chồng anh Dương. Ảnh do anh cung cấp.
Đến khi mở mắt tỉnh dậy, dù trí nhớ còn chưa phục hồi nhưng thấy mẹ, vợ, con, các bác sỹ, đồng đội bên cạnh đã giúp anh có thêm động lực, đặc biệt là lúc nghe con gái hát bài "Cả nhà thương nhau", như một điều kỳ diệu giúp anh vượt qua.
Và cũng trong suốt thời gian đó, với 24 cuộc phẫu thuật, có lúc tình trạng diễn biến xấu, tim ngừng đập hai lần, suy đa tạng… tưởng chừng không vượt qua nổi, đã có lúc, gia đình còn bàn đến chuyện chuẩn bị "hậu sự" nhưng kỳ diệu, anh đã vượt qua tất cả và trở về nhà như ngày hôm nay.
"Có những lúc tôi cảm thấy rơi vào tuyệt vọng nhưng nhờ động viên của mẹ, vợ, con, sự tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, tôi lại nghĩ phải cố gắng vượt qua tất cả để sống tiếp một cuộc đời mới", anh tâm sự.
Anh Dương cùng 2 con nhỏ. Ảnh do anh cung cấp.
Nói đến đây, anh cũng nhắc lại việc mình giờ đã nhớ lại hết tất cả những gì đã xảy ra trong ngày định mệnh cùng 20 đồng đội.
"Điều mà tôi nhớ nhất, không bao giờ quên được đó chính là nụ cười của các đồng đội. Khi đó, các đồng đội cùng tôi còn đang cười với nhau thì bất ngờ vụ tai nạn xảy ra và cho đến lúc cuối cùng, mọi người vẫn cười.
Nhiều lúc, tôi có cảm giác như đồng đội đang cười bên cạnh và bảo, Dương ơi, cố gắng lên, hãy sống tốt vào.
Những ký ức, nụ cười đó có lẽ suốt cả cuộc đời còn lại này tôi sẽ không bao giờ quên được", anh tâm sự.
Đồng thời, anh Dương cũng bảo, dịp cuối năm đã lên địa điểm xảy ra vụ tai nạn để viếng, thắp hương cho đồng đội của mình và tâm nguyện lớn nhất hiện nay, là có thể cùng góp phần nhỏ bé, xây dựng đền thờ cho các chiến sĩ đã ngã xuống.
"20 đồng đội đã hy sinh tại đó và 10 người là bạn tôi còn 10 người là đồng đội, đồng chí nên tôi cũng chỉ mong, sớm có thể xây dựng một đền thờ để tưởng nhớ các anh nhưng một mình tôi chắc không thể làm được, bởi việc làm vượt ngoài khả năng", anh Dương bộc bạch.
Anh Dương trong chuyến về viếng đồng đội dịp cuối năm 2016. Ảnh: Nam Trần.
Khi được hỏi về mong muốn của bản thân mình hiện tại, người thương binh này cũng tâm sự, với tình hình sức khỏe còn khó khăn, anh mong muốn là sớm có được một bàn tay máy hoàn thiện, có các khớp.
"Tôi đã may mắn hơn các đồng đội nhiều nhưng thực sự lúc này, không mong muốn gì hơn là mình có một bàn tay máy hoàn thiện để có thể tự làm các công việc hàng ngày, phụ giúp cho người thân của mình chứ như bây giờ mọi việc đều do người khác giúp đỡ cả", anh bùi ngùi nói.