Sự can thiệp quân sự rầm rộ của Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai tuần đã ngăn cản chiến thắng cuối cùng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong việc kiểm soát phần lãnh thổ còn lại ở Idlib.
Sự can thiệp táo bạo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp hồi sinh uy tín và năng lực của Thổ Nhĩ Kỳ như một thế lực mạnh mẽ trong lúc cuộc xung đột đang trên đường trở thành chiến thắng toàn diện cho Nga và Iran.
Lợi thế của Thổ Nhĩ Kỳ
Sự can thiệp của Ankara ở Idlib đã tạo không gian cho ngoại giao cưỡng chế, với việc tạo ra một lằn ranh đỏ giúp củng cố đòn bẩy trên bàn đàm phán với Chính phủ Syria và Nga nhằm ngăn chặn sự sụp đổ ở Idlib cũng như đảm bảo các nhượng bộ khác liên quan đến nguy cơ làn sóng người tị nạn, tờ National Interest nhận định.
Mặc dù phương Tây đã tránh hành động trong những năm gần đây do e ngại kích động một cuộc xung đột với Nga, nhưng chiến dịch quân sự liên tiếp đạt được những thành công của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng qua đã mang lại một tiếng vang lớn, giúp nước này thoát ra khỏi những tính toán vạch sẵn của Moscow.
Về cơ bản, một khi Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tiến lên phía trước, Nga sẽ có động thái lùi lại tương ứng. Điều này xuất phát từ việc Moscow không muốn trực tiếp giao chiến với các đối thủ của mình ở Syria.
Cũng giống như phương Tây, có rất nhiều hạn chế và rủi ro mà Moscow phải đối mặt khi can thiệp vào Syria. Tuy nhiên, Nga không bao giờ tự đánh giá quá cao khả năng quân sự của bản thân mình hoặc lao theo những mục tiêu mới khác so với ban đầu.
Mục tiêu tối thượng nhất của Moscow vẫn chỉ là hậu thuẫn cho chính quyền Assad thay vì quan tâm đến những thứ khác.
Nga có thể giảng hòa tạm thời với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cuộc tiến công giành lại lãnh thổ của quân đội Syria sẽ không dừng lại. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể tận dụng động lực do chính mình tạo ra để thay đổi tình thế lúc này hay không.
Ngoại giao cưỡng chế được thiết kế để khiến đối thủ buộc phải ngừng lại hoặc hoàn tác hành động. Ngoại giao cưỡng chế có thể dùng hoặc không cần dùng đến hành động quân sự. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải tạo được uy lực đủ lớn để buộc đối thủ tự tuân theo yêu cầu của bên ép buộc.
Trong trường hợp của mình ở Idlib vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện bản thân là một lực lượng hiếu chiến, sẵn sàng leo thang quân sự để đạt được mục đích, bất chấp cả việc có quan hệ với Nga.
Điều này đã buộc chính quyền Assad và Nga phải tính toán kỹ lưỡng trước bất kỳ hành động nào ở Idlib trong tương lai, nếu không muốn Ankara tiếp tục có sự can thiệp quân sự ngang tàng như vậy.
Một sự can thiệp tương tự khác của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ còn ở quy mô lớn hơn và vô tình trở thành yếu tố phá vỡ sự ổn định của chính quân đội Syria. Đây là những tính toán mà Damascus và Nga chưa từng nghĩ đến trước đây, cũng như không hề mong muốn.
Chiến dịch can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã lấy lại thế trận ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ khai thác điểm yếu
Sau chiến dịch can thiệp quân sự ở Idlib vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khiến đối thủ bộc lộ những điểm yếu có thể khai thác.
Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy rằng một khi tiến hành hành động can thiệp quân sự mạnh mẽ, họ hoàn toàn có thể gây áp lực buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib là một ví dụ điển hình để nước này có thể tận dụng cách thức như vậy trong tương lai, không chỉ là trong hành động một mình, mà có thể là chung sức cùng với Mỹ.
Thứ hai, sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chính quyền Syria bị phụ thuộc rất nhiều vào Nga và không có khả năng chống chọi lại sức mạnh từ Ankara trừ khi được Moscow yểm trợ bằng cách khóa không phận.
Tuy nhiên, điểm yếu của liên quân Nga-Syria chỉ là một phần của vấn đề, vẫn còn rất nhiều việc mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ phải làm nếu muốn giải quyết triệt để bế tắc Idlib.
Cả Ankara và Washington đều có lợi ích chung ở Syria: Ngăn chặn quyền kiểm soát của Tổng thống Assad đối với đất nước này; kiềm chế ảnh hưởng của Iran; và trì hoãn một giải pháp chính trị ở Syria.
Vì thế, chỉ cần có sự đồng thuận giữa Washington và Ankara, cán cân ở Idlib sẽ đảo chiều, Nga sẽ lập tức gặp khó. Nhưng vấn đề là Mỹ không có hứng thú đưa binh lực tới Idlib, khi hiểu rằng phe đối lập nơi đây đã suy yếu, trong khi cuộc khủng hoảng Syria về tổng thể đã ngã ngũ.
Hơn nữa, liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vẫn còn căng thẳng do bất đồng về vấn đề người Kurd cũng như thương vụ tên lửa S-400 tranh cãi.
Chưa thể khẳng định rằng sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở ra triển vọng mới mẻ trong việc hồi sinh liên minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ hoàn toàn không ghi nhận khả năng thay đổi tình thế của Ankara trong cuộc khủng hoảng Idlib.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không phải là một bước ngoặt, nhưng động thái này đã tạo thêm những lớp lang mới phức tạp hơn, khiến cho cuộc chiến Syria chưa thể kết thúc sớm và điều đó có thể tạo ra cơ hội cho Washington theo những cách không ngờ tới.