Chiến dịch Barbarossa (Đức tấn công Liên Xô) - chiến dịch xâm lược lớn nhất trong lịch sử

Trung Hiếu |

Đúng 80 năm về trước, Đức Quốc xã tiến hành cuộc xâm lược lớn nhất trong lịch sử nhằm vào Liên Xô. Hoàng đế Pháp Napoleon từng xâm lược Nga vào năm 1812 với 685.000 quân nhưng trùm phát xít Đức Hitler thực hiện điều này vào tháng 6/1941 với số quân lớn gấp hơn 5 lần.

Lính phát xít Đức ở mặt trận phía Đông trong Thế chiến II. Ảnh: Tư liệu Đức.

Lính phát xít Đức ở mặt trận phía Đông trong Thế chiến II. Ảnh: Tư liệu Đức.

Khi ấy Liên Xô bị bất ngờ và bị đối phương vượt trội cả về số lượng quân, đẳng cấp, và trình độ chỉ huy. Liên Xô có nguy cơ cao mất thủ đô Moscow. Tổn thất của Liên Xô là khủng khiếp: mất tới 5 triệu người, tính tới tháng 12/1941.

Quân Đức đã tiến sát thủ đô Moscow. Nhưng Moscow đã không thất thủ do ý chí chiến chiến đấu của quân và dân Liên Xô cũng như những trở ngại mà quân Đức gặp phải như cự ly di chuyển lớn (trên nước Nga rộng lớn), đường bộ kém, và việc Hitler ưu tiên cả mục tiêu đánh chiếm Ukraine.

Chiến dịch tham vọng, muốn ăn tươi nuốt sống Liên Xô

Chiến dịch Barbarossa (Đức xâm lược Liên Xô) phát triển từ kế hoạch của tướng Marcks vào tháng 8/1940, với nội dung ưu tiên phá hủy phần lớn sinh lực Hồng quân ở Belarus và chiếm thủ đô Moscow.

Kế hoạch trên đã bị sửa đổi đáng kể trong nhiều lần xem xét kế tiếp và Hitler cuối cùng đã hạ thấp tầm quan trọng của việc chiếm Moscow so với việc chiếm Leningrad (nay là Saint Petersburg) và nước cộng hòa thành viên của Liên Xô là Ukraine.

Phía Đức cuối cùng chốt mục tiêu của 3 cụm tập đoàn quân của chúng như sau:

1- Cụm tập đoàn quân phía Bắc: Tiến từ Đông Phổ qua các nước Baltic và hội quân với đồng minh Phần Lan để chiếm thành phố Leningrad của Liên Xô.

2- Cụm tập đoàn quân Trung tâm: Ban đầu hoạt động từ các khu tập trung xung quanh thủ đô Warsaw nhằm dọn sạch các lộ trình truyền thống có thể được dùng để tấn công Moscow, tới tận Smolensk, sau đó ngược lên phía bắc để hậu thuẫn cho cuộc tiến công nhằm vào Leningrad. Sau khi chúng chiếm được thành phố Warsaw, cuộc tiến công Moscow sẽ được nối lại.

3- Cụm tập đoàn quân phía Nam: Bao gồm các sư đoàn Romania và Hungary, có nhiệm vụ đánh chiếm các vựa nông nghiệp của Ukraine và dọn sạch vùng duyên hải Biển Đen.

Mục tiêu chung của quân Đức là gài bẫy và tiêu diệt phần lớn lực lượng Hồng quân thông qua một loạt cuộc bao vây ở miền tây Liên Xô, trước khi chiếm và giữ vững tuyến đường nối Archangel với Astrakhan.

Cơ hội thành công của cuộc xâm lược này dựa vào 19 sư đoàn xe tăng (tổ chức thành 4 tập đoàn xe tăng Panzer), trong đó có 14 sư đoàn bộ binh cơ giới. Lực lượng này tạo thành lợi thế của Đức trong cuộc tấn công lớn mở màn.

Nhiệm vụ của nó là đột phá qua lực lượng đông đảo mà Hồng quân có thể triển khai ở phần châu Âu của Liên Xô, với số quân có thể lên tới 170 sư đoàn, trong đó có 60 sư đoàn xe tăng và ít nhất 13 sư đoàn bộ binh cơ giới.

Hầu hết các đơn vị Liên Xô nói trên được triển khai sát biên giới.

Liên Xô trụ vững trước sóng dữ Barbarossa nhưng phải bước tiếp 4 năm đầy hy sinh

Dù cuối cùng quân Đức đã thảm bại ở Liên Xô, chúng vẫn đạt được nhiều thắng lợi đáng kể, nhất là trong bối cảnh phải đối mặt với quân đội Liên Xô đông đảo.

Vào cuối thập niên 1930, trong khi Đức Quốc xã tái quân sự hóa với quyết tâm sắt đá thì nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin lại có những động thái làm suy yếu quân đội của chính mình.

Cuộc đại thanh trừng vào thập niên 1930 đã tàn phá đội ngũ sĩ quan Hồng quân, trong đó có các vị chỉ huy xuất sắc, đặc biệt là Mikhail Tukhachevsky - người đi tiên phong về các học thuyết quân sự mới có sử dụng sức mạnh cơ động của thiết giáp.

Sau cuộc thanh trừng, những sĩ quan bảo thủ lên nắm quyền trong quân đội, tiêu biểu như Budenny - người ưa thích kỵ binh hơn xe tăng.

Cuộc thanh trừng đó đã làm tê liệt tính chủ động ở mọi cấp chỉ huy. Hồng quân rơi vào thế hoàn toàn không có khả năng phản ứng hiệu quả trước loại hình tác chiến hiện đại, cơ động, và thay đổi nhanh mà quân đội phát xít Đức áp dụng.

Trong khi ấy, chế độ Đức Quốc xã cho phép các sĩ quan cấp cao vạch ra mục tiêu tổng quát và phân bổ lực lượng, còn các chỉ huy chiến đấu trực tiếp thì được trao quyền chủ động đưa ra quyết định ở cấp chiến thuật.

Do vậy, Hồng quân vào giai đoạn đầu đã đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, trong khi Đế chế Đức khi đó mở rộng từ Đại Tây Dương cho tới cổng thành Moscow, nắm trong tay các nguồn lực lớn về người, thực phẩm, nguyên liệu thô, và năng lực công nghiệp. Và do đó, Liên Xô sẽ phải bước tiếp vào 4 năm chiến tranh tiêu hao đầy gian khổ để hủy diệt dần sức mạnh của phát xít Đức.

Và trong tiến trình đó, Liên Xô phải hứng chịu thêm nhiều thương vong, với hàng chục triệu người chết...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại