Chiến đấu đến người cuối cùng

Thụy Du |

Tại tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), từ mờ sáng 17/2/1979, các Ðồn Biên phòng Pha Long, Bát Xát, Mường Khương, Nậm Chảy, Nậm Mít bị quân xâm lược tấn công dồn dập. Cơ yếu các đồn đã kịp thời mã điện chuyển đi những tin chiến sự đầu tiên, đồng thời cùng đơn vị trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch.

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trà Lĩnh (Cao Bằng) hội ý, rút kinh nghiệm sau trận đánh, năm 1979. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trà Lĩnh (Cao Bằng) hội ý, rút kinh nghiệm sau trận đánh, năm 1979. Ảnh: Trần Mạnh Thường

CƠ YẾU BIÊN PHÒNG TRONG CUỘC CHIẾN BẢO VỆ BIÊN GIỚI 1979: CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ

Kì 1. Mạch thông tin, mạch máu

Kì 2. Chiến đấu đến người cuối cùng

Quyết không hàng địch

Gương chiến đấu điển hình trong các tổ chức cơ yếu trên hướng này là nhân viên cơ yếu Đồn Biên phòng Pha Long Nguyễn Duy Mạc. 

Liên tục trong hai ngày 17 và 18/2, anh cùng đồng đội chiến đấu trong điều kiện vô cùng ác liệt. Đồn bị bao vây cô lập hoàn toàn với các lực lượng xung quanh, phải chống chọi không cân sức với quân thù đông gấp bội.

Đến 9 giờ ngày 18/2, địch tập trung lực lượng lớn tiếp tục áp sát đồn, kêu gọi anh em ta đầu hàng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Pha Long vẫn bình tĩnh ngoan cường nổ súng. Những lúc ác liệt đó, Nguyễn Duy Mạc vẫn liên tục một tiếng, rồi ba mươi phút một lần mã điện báo cáo về tỉnh và Bộ tư lệnh.

Quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Đồn Pha Long đã được Nguyễn Duy Mạc chuyển đi ngay trưa 18/2: 

"Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều. Nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn một người cũng chiến đấu".

11 giờ 20 phút ngày 18/2, bộ phận cơ yếu Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Hoàng Liên Sơn cấp tốc truyền mệnh lệnh chiến đấu của Ban chỉ huy tỉnh cho Đồn Pha Long và Đại đội 3 cơ động biên phòng: 

"Đại đội 3 chi viện ngay cho Đồn Pha Long để cùng phối hợp chiến đấu. Các đồng chí hãy nêu cao khí phách anh hùng, dù hy sinh cũng phải chiến đấu đến cùng, kiên quyết không đầu hàng địch, không để địch bắt sống".

Chiến đấu đến người cuối cùng - Ảnh 2.

Các bức điện khẩn yếu được lực lượng cơ yếu Biên phòng chuyển đi trong thời gian diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: Tư liệu

Tiếp đó, Phòng Cơ yếu cũng mã ngay chỉ thị khẩn cấp của Bộ tư lệnh cho Trung đoàn 16 cơ động biên phòng: "Điều ngay Tiểu đoàn 1 ở Mường Khương triển khai lên cùng tác chiến với Đồn Pha Long. Cho một đại đội khác tìm đường từ Si Ma Cai lên Pha Long cùng chiến đấu. Nhận chỉ thị này thực hiện ngay không được chậm".

Đến sáng 19/2, mặc dù quân xâm lược đông gấp bội nhưng vẫn không sao chiếm được đồn. Địch tiếp tục tăng cường thêm lực lượng và khép chặt dần vòng vây. Lúc này, các tin tức từ Đồn Pha Long vẫn liên tiếp được báo cáo về Bộ tư lệnh và tỉnh. Qua 3 ngày chiến đấu, hơn 40 công điện được Nguyễn Duy Mạc mã hóa, giải mã chính xác, kịp thời.

Trước nguy cơ đồn bị rơi vào tay địch, Phòng Cơ yếu đã điện chỉ đạo thẳng cho cơ yếu Pha Long: "Tình hình không bảo đảm an toàn tài liệu thì báo cáo Ban chỉ huy đồn tìm cách bảo vệ hoặc xử lý ngay"

Được lệnh, Nguyễn Duy Mạc đã hủy toàn bộ tài liệu, phương tiện kỹ thuật mật mã. Đêm 19/2, lợi dụng sơ hở của địch, số cán bộ chiến sĩ còn lại trong đồn đã mưu trí vượt vòng vây rút ra ngoài an toàn.

11 giờ ngày 19/2/1979, cơ yếu Ðồn Pha Long đã mã bức điện cuối cùng của Ban chỉ huy đồn báo cáo Bộ tư lệnh và Ban chỉ huy tỉnh: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

Chiến đấu đến người cuối cùng - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ Pò Hèn ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), tháng 1/2022. Ảnh: VOV

Không để thông tin gián đoạn

Tại tỉnh Lai Châu, Đồn Biên phòng Dào San bị địch tập trung lực lượng tấn công nhiều hướng. Cán bộ, chiến sĩ của đồn đã chặn đánh quyết liệt, đánh lui nhiều đợt tấn công của chúng, giữ vững trận địa.

Thượng sĩ cơ yếu Nguyễn Văn Bình vừa bảo đảm tốt chỉ đạo, chỉ huy qua kỹ thuật mật mã, giữ an toàn tài liệu, phương tiện nghiệp vụ và tham gia vận chuyển thương binh về phía sau, ngay cả lúc bị thương vẫn không rời vị trí chiến đấu.

Anh đã tiêu diệt hàng chục tên xâm lược. Nguyễn Văn Bình đã được Bộ tư lệnh phong vượt cấp lên thiếu úy, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Ở cơ quan tỉnh bộ Lai Châu, chuẩn úy Ngô Văn Minh nhận lệnh giao tài liệu mật mã cho cơ yếu Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng. Những ngày anh ở đồn thì cũng là lúc xảy ra chiến sự.

Chuẩn úy Minh đã trực tiếp cùng đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới. Anh đã góp phần cùng đồng đội tiêu diệt hàng trăm tên địch, được Bộ tư lệnh phong quân hàm thiếu úy trước niên hạn và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Chiến đấu đến người cuối cùng - Ảnh 6.

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trà Lĩnh (Cao Bằng) hội ý, rút kinh nghiệm sau trận đánh, năm 1979. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Trên đoạn biên giới tỉnh Hà Tuyên (nay là hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang), Đồn Biên phòng Lũng Làn là một mục tiêu bị địch tập trung binh lực, hỏa lực tấn công dữ dội. Pháo địch bắn cấp tập, từng đợt dài, phá nát chiến hào, công sự, tiêu hao lực lượng ta rồi thổi kèn xua bộ binh hò reo xông lên định chiếm đồn.

Từ thế trận đã bày sẵn, cán bộ, chiến sĩ ta đã kiên cường bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Trước tình thế chiến đấu căng thẳng, hạ sĩ cơ yếu Hoàng Nguyên Ngọc nhanh chóng chọn phương án bảo vệ tài liệu.

Được Ban chỉ huy đồn đồng ý, hạ sĩ Ngọc chôn giấu tài liệu vào vị trí đã quy định trước, rồi cùng đơn vị cơ động đánh địch. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Lũng Làn đã ngoan cường chiến đấu. Nhiều đợt địch tấn công bị quân ta đánh bật trở lại.

Tranh thủ những lúc địch chùng xuống, hạ sĩ Ngọc lại đào tài liệu lên, mã điện báo cáo lên trên, giữ vững liên lạc thông suốt cho đến ngày quân dân ta đánh đuổi quân xâm lược về bên kia biên giới. Hoàng Nguyên Ngọc sau đó được phong vượt cấp lên thượng sĩ và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tại mặt trận.

Ở Đồn Bản Máy, ngay từ lúc địch vừa tấn công vào biên giới, máy vô tuyến điện bị địch bắn hỏng, Lương Ngọc Quyến - nhân viên cơ yếu đồn mã xong điện không còn phương tiện để chuyển.

Không để mất liên lạc trong tình hình địch đang tấn công ta, đồng chí Quyến đã linh hoạt cùng báo vụ chạy bộ mang theo điện mã đến công an huyện nhờ đài bạn chuyển về tỉnh. Sau đó anh quay lại tham gia cùng đơn vị chiến đấu diệt địch…

Quá trình chuẩn bị chiến đấu, mọi mặt công tác liên quan đều được kiểm tra chặt chẽ. Khi chiến sự xảy ra, cơ yếu các đồn biên phòng, các đơn vị cơ động đã nêu cao tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh, vừa truyền đạt kịp thời các tin tức ban đầu, vừa trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch. Trên toàn tuyến biên giới không có đơn vị nào để tài liệu rơi vào tay địch.

(Bài viết sử dụng tư liệu Lịch sử Cơ yếu Bộ đội Biên phòng, 1959-1989)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại