Một kênh truyền hình thuộc sở hữu nhà nước của Nga cho biết nước này có khả năng triển khai hệ thống phá hủy khoảng 32 vệ tinh của phương Tây, đồng nghĩa với việc có thể khiến các tên lửa của NATO trở nên vô dụng.
Ảnh minh họa: East2West
Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định sử dụng hệ thống vũ khí này để phá hủy vệ tinh trinh thám quân sự Tselina-D thời Liên Xô.
Hệ thống vũ khí trên đã được truyền thông nhà nước Nga gọi là "Star Warrior", đánh dấu bước tiến tiếp theo trong cuộc đua vũ trang trong không gian.
Các tên lửa đã được thử nghiệm 9 lần từ năm 2014 - 2020 trước khi được sử dụng để phá hủy vệ tinh ngày 15/11, Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow cho hay.
Kênh truyền hình Nga Channel One nhận định, việc bắn hạ vệ tinh vừa qua là một lời cảnh báo đến phương Tây rằng không nên vượt qua những lằn ranh đỏ của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine.
"Chúng tôi đã bắn hạ vệ tinh Tselina-D trên quỹ đạo không gian. Sự kiện này đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm hệ thống chống vệ tinh của Nga. Điều đó tức là nếu NATO vượt qua lằn ranh đỏ của chúng tôi, họ sẽ có nguy cơ mất tất cả 32 vệ tinh GPS cùng lúc", người dẫn chương trình kênh Channel One của Nga Dmitry Kiselyov bình luận.
Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi với những lo ngại về một cuộc tấn công quân sự Ukraine.
Hệ thống Star Warrior được cho là đã phóng các tên lửa đánh chặn 2 tầng 14TS033, loại tên lửa mà phiên bản cuối cùng của nó có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn động năng.
Hệ thống tên lửa A-235 là hệ thống chống vệ tinh và chống tên lửa đạn đạo, sẽ sử dụng radar Don-2N để phát hiện các mối đe dọa đang tiến gần và phá hủy chúng trên không, cũng như có thể phát hiện các mối đe dọa trong không gian.
Radar này hiện đang được sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 của Nga và sẽ được sử dụng trong hệ thống kế nhiệm của nó là A-235.
Phần trung tâm của radar này có một siêu máy tính gọi là Elbrus-2. Khi các mối đe dọa được phát hiện, các tên lửa 14TS033 có thể tăng tốc lên tới Mach 12, tức là khoảng 14.000 km/h. Chúng cũng được cho là có thể tấn công các mục tiêu cách Trái Đất khoảng 800km, trong khi quỹ đạo của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hiện ở độ cao khoảng 400 km.
Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov trước đó đã đánh giá, hệ thống Star Warrior không có đối thủ ở phương Tây.
Cuộc đua vũ trang trong không gian
Thế giới đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc đua không gian mang tính quân sự với việc cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đang thử nghiệm các vũ khí không gian.
Người dẫn chương trình kênh Channel One nhận định: "Nga không muốn tìm kiếm xung đột. Nga cần đảm bảo an ninh và để loại bỏ nguy cơ các hành động khiêu khích có thể biến thành một cuộc xung đột quân sự toàn diện, chúng tôi sẽ tiếp tục vạch rõ những lằn ranh đỏ của mình mà không ai được phép vượt qua".
Các quan chức phương Tây đã chỉ trích vụ thử vũ khí của Nga là "bất cẩn" và cảnh báo nguy cơ quân sự hóa không gian.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace bình luận: "Vụ thử tên lửa chống vệ tinh do Nga tiến hành cho thấy sự không tôn trọng an ninh, an toàn và sự ổn định trong không gian"./.