Ông Đỗ Văn Căn (Ba Mủ) sinh năm 1923 trong một gia đình nông dân nghèo ở Xuân Hòa, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông đã phải đi làm thuê để lấy tiền đóng góp cùng gia đình. Năm 1942, trong lúc đang đi tìm việc làm, được một người bạn rủ vào Sài Gòn kiếm sống, ông đã thuyết phục gia đình cho mình vào Sài Gòn lập nghiệp.
Tới nơi, ông đi làm thuê cho hãng dầu Vĩnh Hội, công việc vất vả, phải làm quần quật suốt ngày mới đủ miếng cơm, manh áo.
Hàng ngày chứng kiến cảnh đốc công và chủ hãng quát tháo, đánh đập, bớt xén những đồng lương ít ỏi của người thợ, lại được sự giác ngộ trực tiếp của cán bộ cách mạng Đỗ Minh Đường cùng làm ở hãng, Đỗ Văn Căn đã tham gia đấu tranh, chống lại sự đối xử bất công của chủ.
Tháng 6/1945, ông được huấn luyện quân sự ở khu rừng cao su Lái Thiêu. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược miền Nam, Đỗ Văn Căn được cấp trên giao nhiệm vụ trở lại Sài Gòn để gây dựng lại các cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch.
Cuối tháng 2/1946, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ trừ khử tên Việt gian bán nước Trần Tấn Phát và bắn chết ngay tại nhà riêng của hắn. Do có kẻ đầu hàng địch khai báo và chỉ điểm, Đỗ Văn Căn bị địch bắt. Tuy nhiên, chúng không có chứng cứ để buộc tội nên đã thả ông. Sau khi ra tù, ông được lệnh trở về Sài Gòn để tiếp tục hoạt động.
Biệt động Đỗ Văn Căn và vợ Nguyên Thị Cúc - Ảnh Báo ảnh Việt Nam.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, theo sự phân công của tổ chức, Đỗ Văn Căn cùng vợ (cũng là chiến sĩ biệt động) ở lại thành phố với vỏ bọc người bán nước đá. Hai vợ chồng nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân trên địa bàn, vận động mọi người cùng đoàn kết giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn.
Khi đã xây dựng được lòng tin của quần chúng, hai vợ chồng Đỗ Văn Căn tiến hành tuyên truyền, vận động mọi người đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức, xây dựng cơ sở cách mạng, làm giao liên cho Quận ủy.
Từ năm 1960, tại Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn liên tục có những trận đánh vang dội của lực lượng biệt động thành, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã phải trả giá ngay tại hang ổ, sào huyệt của chúng. Những trận đánh đó làm nhân dân vô cùng phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng và hăng hái tham gia đấu tranh giành độc lập.
Đầu năm 1962, theo chỉ thị của cấp trên, đồng chí Đỗ Văn Căn và một số cán bộ hoạt động nội thành chuyển sang Đội biệt động 159 do đồng chí Nguyễn Thanh Vân (Ba Đen) làm Đội trưởng.
Năm 1964, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của tổ chức, gia đình Đỗ Văn Căn bán ngôi nhà cũ, chuyển sang ngôi nhà mới ở địa chỉ 183/4 đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2 thuộc Quận 10, Tp Hồ Chí Minh) đối diện cơ quan viện trợ quân sự Mỹ, bên cạnh là Học viện quốc gia hành chính của ngụy quyền và biệt khu thủ đô ngụy.
Nhận lệnh của đồng chí Hai Trí - Chính trị viên của A30 (đơn vị chuyên xây dựng hầm bí mật để ém quân và vũ khí), Đỗ Văn Căn phải học nghề cán mủ cao su, cái tên Ba Mủ cũng bắt đầu từ đó.
Trong thời gian học và hành nghề, ông đã tạo được một lớp vỏ bọc khá vững chắc. Lúc đầu bọn địch nghi ngờ đã cử một tên mật vụ theo dõi ông hơn hai tháng từ khi ra khỏi nhà cho đến khi tới xưởng cán mủ cao su nhưng không phát hiện được gì nên chúng đành bỏ cuộc.
Biệt động Ba Mủ vận chuyển vũ khí (bên trong khối mủ cao su) từ ngoại ô vào Sào Gòn đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố, Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh Tư liệu.
Cũng trong thòi gian này, A20 và A30 được thành lập. A20 do đồng chí Đỗ Tấn Phong (Ba Phong - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) chỉ huy, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào nội thành. Còn A30 do đồng chí Nguyễn Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy chuyên xây dựng hầm bí mật ém quân và vũ khí.
So với đội chiến đấu, đội bảo đảm phải đảm nhiệm nhiều công việc công phu và phức tạp hơn. Bởi công tác đảm bảo chiến đấu được tiến hành ngay trong lòng địch trước sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao của chúng nên các chiến sĩ biệt động tiến hành hết sức bí mật, kỷ luật cao, họ phải tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bí mật, quy định, việc ai người nấy biết và chỉ được biết trong phạm vi cho phép.
Để xây dựng các hầm chứa vũ khí lớn ngay sát nách địch, các mục tiêu chiến lược và ngay trong hang ổ của địch là một công việc cực kỳ khó khăn phức tạp. Nhờ có sự tổ chức tài tình của Chính trị viên Hai Trí, công việc được tiến hành rất suôn sẻ.\
Những người được lựa chọn xây dựng hầm bí mật đều là những chiến sĩ ưu tú, có bản lĩnh cách mạng kiên trung, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ đều là những người đã có quá trình thử thách trong tù đày, chịu được mọi ngón đòn tra tấn của địch, có vỏ bọc nghề nghiệp an toàn, ổn định, sống hợp pháp trong thành phố.
Khoảng giữa tháng 4/1965, A30 giao nhiệm vụ cho Ba Mủ xây một hầm bí mật ngay trong nhà mình và có thể chứa được từ 7 đến 8 người. Nhận nhiệm vụ, ông đã suy nghĩ nhiều phương án và cuối cùng chọn đào hầm ngay tại phòng khách bởi đây là nơi bất ngờ mà bọn địch không nghĩ tới.
Miệng hầm bí mật chứa vũ khí do biệt động Ba Mủ xây dựng - Báo ảnh Việt Nam.
Khi chọn được vị trí, để giữ bí mật với mọi người trong gia đình, ông bàn với vợ đưa cả nhà đi Vũng Tàu chơi khoảng nửa tháng. Để che mắt kẻ địch, trước lúc cả nhà đi nghỉ tại Vũng Tàu, ông nhờ em gái (cũng là một chiến sĩ biệt động) đi cùng với vợ con, còn mình với lý do có việc bận, trên đường đi Vũng Tàu đã quay trở lại Sài Gòn ở tại một gia đình cơ sở.
Đến gần sáng, Ba Mủ bí mật luồn vào nhà bằng chìa khóa riêng để bắt tay vào công việc đào hầm bí mật. Mười lăm ngày vợ con đi vắng cũng là những ngày ông miệt mài, tỉ mẩn cậy từng viên gạch, khoét từng xẻng đất: xây, trát hoàn thiện căn hầm.
Những sinh hoạt như ăn, ngủ, nghỉ đều diễn ra ngay trước cửa hầm. Khi vợ con trở về, cũng là lúc căn hầm bí mật rộng 3 mét, cao 1 mét được hoàn thành mà không một ai nghi ngờ, chỉ riêng ông là gầy và xanh xao đi.
Công việc đã hoàn thành, ông báo cáo với chỉ huy và được đánh giá cao về độ an toàn cũng như địa điểm bất ngờ của căn hầm. Cấp trên quyết định giao cho ông nhiệm vụ tiếp nhận và cất giấu vũ khí tại căn hầm này. Kế hoạch hợp đồng, vận chuyển được A20 bàn bạc, tính toán tỉ mỉ, kỹ lưỡng và giao cho Ba Mủ phối hợp thực hiện.
Không gian trong hầm bí mật chứa vũ khí - Ảnh Báo ảnh Việt Nam.
Theo kế hoạch, khoảng giữa tháng 7/1965, Ba Mủ đầu đội chiếc mũ nhựa trắng đạp chiếc xe ba bánh đến điểm hẹn và ngồi uống nước ở cạnh một nhà cơ sở cách mạng của ta. Khoảng 10 phút sau, một chiếc ô tô tải chở những khối mủ cao su đến. Người lái xe đi chậm quan sát tìm địa điểm bốc dỡ hàng, đó là chỗ trước cửa có dựng một cây chổi và gần đó có người đàn ông to béo đội mũ nhựa trắng (đây là những ám hiệu an toàn).
Nhận thấy ám hiệu an toàn, chiếc xe tải đậu sát vỉa hè trước cửa nhà có dựng cây chổi, người lái xe nhanh chóng xếp nhũng khối mủ cao su xuống đất, những khối mủ có hình dáng, trọng lượng giống hệt khôi mủ thường, kích thước vuông 60 centimét.
Dỡ hàng xong, chiếc xe nhanh chóng hòa vào dòng người đông đúc trên đường phố. Ba Mủ đứng dậy, trả tiền nước tranh thủ quan sát xung quanh và đi đến những khối mủ cao su. Ông xếp gọn chúng vào sát mái hiên của nhà cơ sở cách mạng, lấy xe ba bánh bốc những khối mủ chở về nhà.
Đến chuyến thứ 3, khi vừa lăn 2 khối mủ xuống đất, bỗng nhiên thấy vợ ngồi thụp lên khối mủ, lấy chiếc nón đội trên đầu quạt lia lịa. Ba Mủ liếc nhìn ra ngoài, thấy có ba tên cảnh sát khu vực đang đi vào ngõ, cách nhà khoảng gần chục mét.
Vũ khí vận chuyển được đặt trong khối mủ cao su - Ảnh Bảo tàng LSQS Việt Nam.
Chưa kịp xử lý, vợ ông giục: "Anh đưa các chú ra ngoài uống nước cho mát". Ba Mủ hiểu ý vợ, nhanh nhẹn mời bọn chúng ra ngoài mua nước, hút thuốc và không quên giúi vào tay chúng ít tiền.
Vào tới nhà, thấy vợ đã đưa được 2 khối mủ cao su vào bên trong, bà chỉ cho chồng thấy nòng khẩu súng AK đen ngòm chọc thủng khối mủ, nhô ra ngoài. Ông lại càng khâm phục sự nhanh trí và bản lĩnh vững vàng của người vợ.
Được sự góp ý của bà, sau này vận chuyển các vật nhọn hay súng các loại, ông đều quấn bọc kỹ trước khi vận chuyển. Nhờ đó về sau, các lần vận chuyển không còn xảy ra sự cố nào nữa. Sau đó, vợ ông cũng được phân công cùng chồng bảo vệ kho vũ khí tại hầm bí mật của gia đình. Đến lúc này, vợ ông mới biết vị trí căn hầm mà chồng mình đã đào từ mấy tháng trước.
Năm 1966, do có thành tích vận chuyển và cất giấu vũ khí, đồng chí Đỗ Văn Căn được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng và vinh dự lớn nhất vào ngày 31/12/1966, Đỗ Văn Căn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kho vũ khí bí mật đã được vợ chồng ông Căn cất giấu, bảo quản cẩn thận, là cơ sở hậu cần quan trọng cung cấp vũ khí, đạn dược cho các Đội Biệt động Sài Gòn sử dụng, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau năm 1968, mặc dù ngôi nhà thường xuyên bị khám xét nhưng căn hầm vẫn không bị địch phát hiện.
Chiếc xe ba bánh chở vũ khí của biệt động Ba Mủ trưng bày tại triển lãm Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh Bảo tàng LSQS Việt Nam.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ba Mủ không còn làm công việc chạy xe ba bánh nữa nhưng vẫn giữ lại chiếc xe và những khối mủ cao su.
Với mong muốn gửi thông điệp cho các thế hệ mai sau hiểu biết sâu sắc hơn về những đóng góp, sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngày 26/3/1976, ông đã tặng lại chiếc xe ba bánh cùng khối mủ cao su cho Bảo tàng Đặc công.
Chiếc xe và khối mủ cao su đang được trưng bày tại Bảo tàng Đặc công trong chủ đề "Bộ đội Đặc công trong giai đoạn 1967-1968". Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến tuổi xuân, cống hiến xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng, cho sự độc lập, trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Những chiến công, những tấm gương đó sẽ mãi mãi là cuốn sử sông động để tiếp lửa truyền thống cho thế hệ mai sau.
Tại triển lãm Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968 do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968 - 2018), hiện vật chiếc xe ba bánh chở vũ khí của biệt động Ba Mủ được trưng bày, giới thiệu tới đông đảo du khách tham quan trong và ngoài nước.