"Chiếc ô" Mỹ sụp đổ ở Trung Đông, Nga mang S-400 đến Saudi Arabia định hình lại "bàn cờ" khu vực?

Quốc Vinh |

Nếu Saudi Arabia và Nga thực hiện thương vụ S-400, điều này có thể tạo ra một sự khó chịu đối với Tehran.

Cuộc tấn công gần đây vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã "thổi bay" một nửa sản lượng dầu của vương quốc, báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận an ninh khu vực và toàn cầu.

Khi giá dầu tăng vọt, mô hình của một vùng Vịnh an toàn được bảo vệ dưới "chiếc ô" của quân đội Mỹ bắt đầu sụp đổ. Tình hình đã làm tăng giá trị đối với các nguồn cung cấp năng lượng ổn định và an toàn, đưa trực tiếp lợi ích vào tay Nga, theo Middle East Eye.

Cơ sở hạ tầng quan trọng

Với hệ thống đường ống dẫn dầu, khí đốt đến châu Âu và đường ống đang phát triển tới Trung Quốc, Nga đã tạo dựng được uy tín là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Nga - vốn không gặp phải những thất bại hoặc cuộc tấn công lớn nào trong nhiều thập kỷ qua - càng làm tăng thêm danh tiếng này.

Moscow đơn giản là không phải đối mặt với những rủi ro giống như Saudi trong sản xuất và cung ứng dầu.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, cho biết không cần tăng sản lượng dầu để bù đắp sự tổn thất của Saudi, lưu ý rằng trong kho dự trữ toàn cầu vẫn có đủ để quản lý các tác động. Nga sẽ khó tăng sản lượng đáng kể trong bất kỳ sự kiện nào, khi nước này mới đạt đỉnh cao trong sản xuất năm ngoái.

Đồng thời, sự biến động gia tăng ở Trung Đông có thể dễ dàng trượt vào một cuộc chiến khu vực, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều bên khác nhau về chính trị và kinh tế, bao gồm cả Nga. Về cơ bản, Moscow cũng không có lợi ích nhiều từ việc căng thẳng đang gia tăng ở vùng Vịnh.

Trong bối cảnh đó, đề xuất của Nga gần đây về khái niệm cơ sở an ninh tập thể ở vùng Vịnh được cho là kịp thời và phù hợp. Moscow sẽ làm tốt trong việc sử dụng cơ hội này để tiếp thị khái niệm của mình một cách tích cực hơn, trong nỗ lực bắt đầu các cuộc thảo luận ở cấp khu vực.

Nó cũng tạo cơ hội cho một sự đột biến ngoại giao, với Nga và các đối tác châu Âu đang nỗ lực để hạn chế sự leo thang hơn nữa trong khu vực.

Trụ cột ổn định

Với danh tiếng là một trụ cột ổn định (có khả năng và sức mạnh tương tự Mỹ) đối với các quốc gia sản xuất dầu vùng Vịnh, Moscow có thể gặt hái những lợi ích khác từ cuộc khủng hoảng mới nhất, cụ thể là mở rộng thị trường cho các hệ thống quân sự của mình.

Chiếc ô Mỹ sụp đổ ở Trung Đông, Nga mang S-400 đến Saudi Arabia định hình lại bàn cờ khu vực? - Ảnh 1.

Nga có thể đưa mình vào thế khó khi bán S-400 cho Saudi Arabia.


Trong tương lai, Riyadh và các quốc gia vùng Vịnh khác có thể trở nên nghiêm túc hơn trong việc mua vũ khí của Nga, bao gồm S-400 và các hệ thống phòng không khác, bao gồm cả các hệ thống tác chiến điện tử, để giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng kinh tế và dầu mỏ quan trọng của chính họ - một gợi ý mà Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã thực hiện.

Như những gì các nhà phân tích nhận định, cuộc tấn công vừa qua đã mở ra một số cơ hội nhất định cho Moscow để tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự với Saudi.

Trên thực tế, Riyadh đã quan tâm đến việc mua vũ khí của Nga trong vài năm trở lại đây. Chủ đề này cũng thuộc chương trình nghị sự trong chuyến thăm năm 2017 của Quốc vương Salman tới Moscow, và có khả năng sẽ được nối tiếp trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin tới vương quốc.

Một ngày sau khi ông Putin đưa ra ý kiến ​​về việc Saudi nên mua các hệ thống phòng thủ của đất nước mình, tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga Rosoboronexport, tuyên bố sẽ giới thiệu các hệ thống chống máy bay không người lái và các vũ khí tấn công trên không khác tại Dubai Airshow vào tháng 11.

Iran khó chịu

Mặt khác, Riyadh có thể sẽ phải đối mặt với áp lực và sự phản đối khắc nghiệt từ Washington nếu quyết định mua vũ khí của Nga.

Trong khi đó, chính bản thân lời đề nghị bán hệ thống phòng không cho Saudi của Tổng thống Putin có thể đưa Nga vào thế khó. Nhà lãnh đạo Nga đã đề nghị bán cho Riyadh phiên bản tinh vi nhất là hệ thống phòng không S-400, trong khi đối thủ Iran lại có phiên bản S-300.

Nếu Saudi Arabia và Nga thực hiện thương vụ S-400, điều này có thể tạo ra một sự khó chịu đối với Tehran.

Rõ ràng, cuộc tấn công gần đây vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã thay đổi nhiều tính toán an ninh trong khu vực, đồng thời đưa khu vực này đến gần hơn những con đường nguy hiểm dễ trượt vào một cuộc chiến mà không ai muốn.

Trong tình huống này, Nga có thể sẽ sử dụng kho vũ khí ngoại giao của mình để giúp xoa dịu căng thẳng và giữ gìn mối quan hệ với Saudi Arabia - một vấn đề quan trọng trong chuyến đi của ông Putin tới vương quốc vào tháng tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại