Một trong số đó là chiếc kiếm tre của bà Hoàng Thị Trinh, ở làng Cao Mai Đoài, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trong thời gian bà tham gia lực lượng dân quân từ năm 1946 đến 1954.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quân và dân ta tiếp tục chiến đấu để bảo vệ chính phủ cách mạng non trẻ. Mọi tầng lớp nhân dân đều được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đứng lên bảo vệ đất nước. Vào khoảng thời gian này, tại tỉnh Thái Bình, nơi vẫn chưa bị địch xâm chiếm, một đội quân cách mạng đã được thành lập và sẵn sàng chiến đấu.
Chiếc kiếm tre (bên phải) của bà Trinh trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Phong trào của nữ dân quân Kiến Xương phát triển rộng rãi, cùng với phong trào kháng chiến diễn ra khắp cả nước. Hằng ngày, phụ nữ ở làng Cao Mai Đoài luyện tập sử dụng kiếm và giáo để đánh giặc, đóng góp cho kháng chiến.
Để có đủ vũ khí luyện tập, chị em phụ nữ phải tự làm ra những vật dụng đơn giản như kiếm, giáo và mã tấu từ những vật liệu có sẵn như tre, nứa. Thanh kiếm, trông xa như kiếm sắt của bà Hoàng Thị Trinh, do chồng bà làm bằng tre cật.
Với chiếc kiếm này, bà Trinh tham gia đội du kích địa phương với tất cả lòng nhiệt huyết, luyện tập hằng tối cùng những người phụ nữ khác. Thanh kiếm đã gắn bó với bà từ năm 1946 đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi vẻ vang.