Tên lửa đạn đạo Israel đưa Iran vào tầm ngắm, Tehran "nóng mặt"
Trong một cuộc họp báo vào trung tuần tháng 12, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã kịch liệt lên án phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ đã phớt lờ các hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Israel mới đây.
Cũng theo Ngoại trưởng Iran, việc Israel thử nghiệm tên lửa đạo đạo Jericho là dấu hiệu cho thấy Tel Aviv đang dần hoàn thiện năng lực răn đe hạt nhân của nước này. Bởi không cần nói ai cũng hiểu rằng, Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông sở hữu vũ khí hạt nhân cho dù nó ở cấp độ nào đi nữa.
Với năng lực của công nghiệp quốc phòng Israel, họ hoàn toàn có thể chế tạo các mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Ảnh: IAI.
Dĩ nhiên, Tel Aviv chưa bao giờ thừa nhận mình sở hữu vũ khí hạt nhân cho dù chương trình phát triển hạt nhân của nước này từ lâu đã đạt tới ngưỡng cần thiết để chế tạo vũ khí.
Ngoại trưởng Zarif cũng nhấn mạnh rằng, Israel không hề giấu giếm ý định phát triển tên lửa đạn đạo khi công khai tuyên bố thử nghiệm thành công động cơ đẩy tên lửa thế hệ mới hôm 6/12 vừa qua tại căn cứ Palmahim ở miền trung Israel.
"Israel đang hướng tên lửa hạt nhân tới Iran, đó là sự thật mà phương Tây đặc biệt là Mỹ đang cố tình lờ đi", Ngoại trưởng Zarif nói.
Truyền thông Israel dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, động cơ đẩy mới được Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phát triển cho các dòng tên lửa "Arrow" và "Jericho". Trong đó, Jericho là mẫu tên lửa đạn đạo được Israel phát triển từ những năm 1960.
Còn "Arrow" là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung được Israel phát triển để ngăn ngừa các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo, mà cụ thể hơn ở đây chính là để đề phòng Iran. Biến thể mới nhất của Arrow có thể đánh chặn các mục tiêu ở độ cao lên tới 100.000m. Tổ hợp này được cho là dùng để chống lại các tên lửa đạn đạo "Shahab" và "Sadzil" của Iran.
Tuy nhiên, đối với Iran mà nói "Arrow" không nguy hiểm bằng "Jericho" bởi đây tên lửa này có thể giúp Israel thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào Tehran. Trong khi đó những gì mà tình báo Iran biết về "Jericho" gần như bằng không.
Điều này cũng khá dễ hiểu bởi "Jericho" sẽ phương tiện chính để Tel Aviv thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào bất cứ đâu mà họ muốn ở Trung Đông, do đó việc giữ bí mật về loại vũ khí này là cần thiết. Ngoài ra Israel chưa bao giờ họ thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như công khai thông tin về tên lửa "Jericho".
Từ đó có thể thấy việc Ngoại trưởng Zarif nhận định Israel đang hướng tên lửa hạt nhân về phía Iran không phải là câu nói đùa.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo đầy bí ẩn của Israel
Tất cả những gì mà thế giới bên ngoài biết được về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo "Jericho" của Israel thì gần như không phải dữ liệu gốc, mà là thông tin từ các nguồn tin trong lĩnh vực quốc phòng hoặc không phải từ các chuyên gia quân sự Israel.
Được biết, Israel hiện có ít nhất 3 phiên bản tên lửa "Jericho". Phiên bản đầu tiên xuất hiện vào đầu thập niên 70. Quả tên lửa một tầng đẩy, tầm bắn - khoảng 500km. Có khả năng mang theo một đầu đạn nặng 450kg.
Biến thể thứ hai được biên chế cho quân đội Israel vào giữa thập niên 80, phức tạp hơn. Tên lửa có hai tầng đẩy. Tầm bắn được nâng lên thành 3.500km, có thể mang theo đầu đạn nặng tới 1 tấn.
Đồ họa tầm bắn các biến thể tên lửa đạn đạo Jericho do Israel phát triển, trong đó Jericho-2 có đủ sức vươn tới Iran. Ảnh: Missile Threat - CSIS.
Biến thể thứ 3 xuất hiện vào giữa những năm 2000, với 3 tầng đẩy. Những thông tin về quả tên lửa này rất khác nhau. Tầm bắn theo các nguồn tin (không có dữ liệu chính thức) lúc thì 4.000km, lúc lại 5.000km, có khi tới cả 6.500km.
Thậm chí, có cả những khẳng định cho rằng đây là quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, mà tầm bắn tối đa của nó có thể đạt tới 11.500km. Tuy nhiên, tất cả nguồn tin đều cùng khẳng định rằng tên lửa Jericho-3 có thể mang 2-4 đầu đạn và chúng có thể là đầu đạn hạt nhân.
Có những thông tin cho thấy Israel đang nghiên cứu chế tạo một mẫu tên lửa đạn đạo mạnh hơn - đó là Jericho-4. Cho nên động cơ đẩy đang được Israel thử nghiệm nhiều khả năng là dành cho mẫu tên lửa mới này.
Nói về vũ khí hạt nhân của mình, Tel-Aviv không phủ nhận, nhưng cũng không thừa nhận. Có nghĩa là họ lựa chọn im lặng trước mọi câu hỏi. Trong khi đó, Israel cũng không ký Hiệp ước cấm phát triển vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia hạt nhân thế giới nhận định, với năng lực hạt nhân của Israel thì Tel Aviv đã sở hữu ít nhất 15 đầu đạn hạt nhân trong giữa thập niên 70, đến đầu thập niên 80 là 35 đơn vị, con số này đến Chiến tranh Vùng Vịnh (1991) là 55 đơn vị. Có những thông tin không chính thức cho thấy, Israel ngưng sản xuất vũ khí hạt nhân từ năm 2004 và có trong tay ít nhất 80 đầu đạn.
Trong khi đó, một số cơ quan tình báo của Nga lại cho rằng, Israel có thể đang sở hữu từ 100 đến 200 đầu đạn hạt nhân. Liên quan tới sức công phá của các đầu đạn này, thì nó đâu đó ở mức tối đa 5 kiloton, có nghĩa là tương đương với vũ khí hạt nhân chiến thuật đủ để trang bị cho các tên lửa đạn đạo tầm trung như Jericho.
Tên lửa đạn đạo Jericho của Israel được phóng đi từ căn cứ không quân Palmachim, phía nam Tel Aviv sáng 6/12 (theo giờ địa phương).