"Nếu các ngài không muốn bán vũ khí, chúng tôi sẽ tới Nga", ông Duterte nói, "Tôi đã cử các tướng lĩnh tới Nga và họ nói rằng 'đừng lo lắng, chúng tôi có mọi thứ mà các vị cần, chúng tôi sẽ cung cấp cho các vị'... Về phần Trung Quốc, họ nói rằng 'chỉ cần đến và ký (hợp đồng), mọi thứ sẽ được chuyển giao'".
Những tuyên bố mới nhất của ông Duterte được đưa ra sau phát ngôn hồi tháng trước rằng Manila có thể tìm cách "xoay trục" sang Trung Quốc và Nga để đối trọng với Mỹ và lớn hơn là sự ảnh hưởng của phương Tây.
Cuối năm nay, ông Duterte có kế hoạch tới thăm cả Moscow và Bắc Kinh để tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế với cả hai cường quốc, trong đó có đầu tư từ Nga và Trung Quốc, đặc biệt là ở lĩnh vực hàng không và viễn thông.
Hệ thống phòng không Tor M2U.
Trao đổi với tờ Svobodnaya Pressa, ông Dmitri Kornev - Tổng biên tập trang tin tức và phân tích MilitaryRussia cho rằng do Philippines là một quốc đảo nên Nga, với tư cách là một quốc gia hàng đầu về xuất khẩu tàu hải quân, có thể cung cấp cho nước này các tàu cao tốc và thậm chí cả tàu ngầm diesel-điện.
Ngoài ra, Manila có thể tìm tới Nga để mua các hệ thống phòng không, trong đó có các tổ hợp tên lửa đất-đối-không tầm ngắn/trung Buk và Tor.
"Các hệ thống hiện đại hơn, như Vityaz và Morphei chưa được trang bị cho quân đội Nga nên Philippines khó có thể mua được chúng", ông Kornev nói, "các hệ thống mạnh hơn, như S-300, sẽ không được chuyển giao bởi quá trình sản xuất đã tạm ngừng; hệ thống S-400 cũng sẽ như vậy trong vòng 1-2 năm nữa và vẫn còn một hàng dài đơn đặt hàng dành cho chúng".
"Tuy nhiên, việc cung cấp máy bay thì có thể", ông Kornev nhận định, "Nga từng cung cấp MiG-29 và Su-30 cho Malaysia, quốc gia láng giềng của Philippines. Dần dần, chúng ta thậm chí có thể cung cấp Iskander-E, hệ thống mà Nga mới chỉ cung cấp cho Armenia".
Tổ hợp Iskander phóng tên lửa hành trình.