Trong giới khoa học, mối liên hệ giữa người hiện đại và một số chi người cổ đã tuyệt chủng vẫn luôn là điều rất bí ẩn. Trong đó đặc biệt là chi người Neanderthal, khi khoa học vẫn luôn tranh cãi xem đây là một nhánh phụ của người hiện đại (Homo sapiens), hay là một chủng người riêng biệt.
Tuy nhiên, mới đây con người đã có một bước tiến lớn trong việc giải quyết mối quan hệ phức tạp này. Khởi nguồn bằng một mẩu xương đùi của người Neanderthal được tìm thấy từ 80 năm trước, và nay kết thúc bằng một phát hiện có thể thay đổi lịch sử loài người.
Để hiểu được câu chuyện này, trước tiên chúng ta phải xét đến kiến thức vẫn đang được công nhận bởi khoa học về lịch sử của con người. Theo đó, tổ tiên của chủng người hiện đại, người Neanderthal và người Denisovan cùng sống trong giai đoạn cách đây 765.000 - 550.000 năm.
Chủng người hiện đại chỉ chịu rời châu Phi vào khoảng 60.000 năm về trước, trong khi 2 chủng tộc kia lại di cư sang lục địa Á - Âu từ rất lâu trước đó. Việc phối ngẫu giữa người hiện đại và Neanderthal chỉ phổ biến vào khoảng 50.000 năm trước.
Người Neanderthal đã di cư từ rất lâu trước người hiện đại, nhưng hóa ra không lâu như chúng ta tưởng
Nhưng có vẻ như câu chuyện vốn được nhiều người công nhận ấy lại không đúng sự thật, âu cũng vì mẩu xương hóa thạch kia. Mảnh xương đùi hóa thạch có niên đại từ 124.000 năm trước, vốn được xác định là của người Neanderthal.
Tuy nhiên, bằng các xét nghiệm ADN mới nhất, mẩu xương ấy lại có gene thuộc về chủng người hiện đại.
Điều đó chứng tỏ, chủng người hiện đại Homo sapien đã rời châu Phi sớm hơn chúng ta tưởng rất nhiều - ước tính phải hơn 270.000 năm trước, sau đó giao phối với người Neanderthal tại châu Âu.
Có vẻ như bằng chứng của cuộc di cư này đã biến mất trong lịch sử vì một lý do bí ẩn nào đó, nhưng bộ gene vẫn di truyền trong nhiều thế hệ người Neanderthal.
Đây có thể nói là một phát hiện rất lớn đối với các nhà cổ sinh vật học, khi họ phải dành nhiều thập kỷ để thu thập và kết nối các dữ liệu hóa thạch, tạo nên một lịch sử xuyên suốt cho con người.
"Chúng tôi nhận ra rằng lịch sử tiến hóa của con người có nhiều mối liên hệ bí ẩn hơn so với những gì con người biết đến," - Fernando Racimo, đồng tác giả nghiên cứu từ Trung tâm Di truyền New York cho biết.
Để có được những bằng chứng lần này, các chuyên gia đã xét nghiệm ADN ti thể (mtADN) trong một mẩu xương hóa thạch của người Neanderthal được khai quật từ năm 1937.
Theo chủ nhiệm nghiên cứu Cosimo Posth từ Học viện Max Planck: "Khúc xương ấy có các dữ liệu di truyền của tộc người Neanderthal. Tuy nhiên, bên trong có cả thành phần ADN ti thể của người hiện đại nữa".
Nhóm nghiên cứu hiện đang phân tách hạt nhân ADN trong hóa thạch, nhằm xác nhận lại giả thuyết quả mình. Nếu như thành công, phát hiện lần này đã thực sự thay đổi lịch sử tiến hóa của con người.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communication.
Nguồn: IFL Science, Daily Mail, Plos One