Tàu ngầm Nga ít khả năng sống sót sau khi bắn tên lửa
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Nga - thuyền trưởng cấp I (Đại tá) Igor Kurdin cho biết, trong trường hợp chiến tranh quy mô lớn nổ ra, nếu tàu ngầm hạt nhân của Nga thực hiện phóng tất cả các tên lửa đạn đạo của mình, thì ngay lập tức nó sẽ bị đối phương phát hiện và tiêu diệt.
Theo ông Kurdin, ngay khi con tàu nhận được mệnh lệnh thì đó cũng là lúc nó đánh mất khả năng cơ động. Trong tình huống này, chỉ có ngư lôi hoặc phương tiện thủy âm có thể bảo vệ nó trước đối phương.
Ông Kudrin cũng bổ sung thêm rằng việc triển khai các nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt khó khăn ở Bắc Cực.
Hải quân Mỹ tạo ra mối đe dọa lớn
Theo trang tin vpk-news.ru, để thực hiện nhiệm vụ chống lại tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga, một số lượng đáng kể các tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm của Hải quân Mỹ sẽ được triển khai trước tiên.
Căn cứ vào quy mô của những vùng có khả năng xảy ra chiến sự trong khu vực chịu trách nhiện của Hạm đội Biển Bắc, sẽ có hơn 10 chiếc tàu ngầm của Mỹ và NATO chống lại các tàu ngầm Nga.
Trong trường hợp có thể đánh bại được Hạm đội Biển Bắc của Nga thì Hải quân Mỹ vẫn cần thêm vài tàu ngầm nguyên tử, cũng như máy bay của lực lượng không quân tuần tra [tối đa 2-3 phi đội] và 1-2 nhóm tàu chiến tìm kiếm-tấn công, gồm 2-3 khu trục hạm lớp Arleigh Burke để có thể tiêu diệt được tàu ngầm chiến lược của Nga.
Trên biển Okhotsk, để chiến đấu với các tàu ngầm chiến lược của Nga, Washington và đồng minh có thể triển khai một vài tàu ngầm nguyên tử Mỹ và phi nguyên tử của Nhật Bản. Với sự áp chế của cụm các đơn vị không quân Nga tại Kamchatka, Sakhalinsk và khu vực đảo Kuril, sẽ có một vài phi đội UAV triển khai nhiệm vụ tiêu diệt các tàu ngầm Nga.
Ngoài ra, đối phương sẽ tích cực sử dụng thủy lôi, chủ yếu là các loại thủy lôi băng rộng để tiêu diệt tàu ngầm Nga ở cả trong những khu vực tuần tra chiến đấu của tàu ngầm, lẫn trên những lộ trình triển khai chúng.
Có thể đánh giá sức mạnh của các tàu ngầm chiến lược Nga và tàu ngầm Mỹ trong trận chiến diễn ra giữa hai bên, dựa trên cơ sở thế hệ của chúng. Căn cứ vào tiếng ồn và khả năng của các tổ hợp thủy âm được lắp đặt trên tàu ngầm, hạm đội của Nga có thể sánh ngang với của Mỹ, nhưng chỉ bắt đầu từ các tàu ngầm thế hệ tiền mới nhất – những đề án 877 và 971.
Như vậy, có thể đánh giá rằng các tàu ngầm đề án 667 và 941 - những sản phẩm của thập niên 80 - thua xa các tàu ngầm tối tân của Mỹ về phạm vi phát hiện mục tiêu. Điều đó có nghĩa, khi mặt đối mặt, chúng sẽ không có nhiều cơ hội thành công.
Tàu ngầm Nga phóng tên lửa trong một cuộc tập trận. Ảnh: aljazeera
Những tàu ngầm chiến lược tối tân của Nga đề án 955 Borey tương đương với thế hệ tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Bởi vậy, có thể nhận thấy rằng các cơ hội thành công của chúng là gần tương đương, với một vài ưu thế nghiêng về lớp tàu ngầm của Mỹ.
Các tàu ngầm chiến lược của Nga gần như không có khả năng chiến đấu một cách hiệu quả với lực lượng không quân chống hạm, bởi vì chúng không được trang bị phương tiện phòng không và do thám trên không hiệu quả.
Thiếu tên lửa chống hạm, các tàu ngầm Nga, khi chiến đấu chống lại nhóm tàu chiến tìm kiếm-tấn công của đối phương, chỉ có thể dựa vào việc sử dụng ngư lôi nhưng điều đó buộc chúng phải tiến sát tới các tàu chiến mặt nước của đối phương để tiếp cận khu vực triển khai hiệu quả vũ khí.
Giải pháp bảo vệ tàu ngầm Nga
Có thể nói, trong trận chiến chống lại lực lượng chống hạm của đối phương, các tàu ngầm chiến lược Nga ở trong tình thế bất lợi. Bởi vậy, để bảo đảm khả năng ổn định chiến đấu của chúng, điều quan trọng là cần phải dựa vào tính năng khó bị phát hiện.
Tuy nhiên, diện tích các khu vực có thể triển khai tuần tra, như đã đề cập ở trên, không quá lớn nên không thể bảo đảm cho chúng khả năng ổn định chiến đấu nếu không có được sự bảo vệ bằng các lực lượng khác của hạm đội.
Theo vpk-news.ru, vì các tàu ngầm nguyên tử của đối phương là mối đe doạ chủ yếu đối với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga nên các lực lượng chống hạm sẽ là nền tảng của hệ thống phòng thủ những khu vực tuần tra chiến đấu.
Ở Hạm đội Biển Bắc, để thực hiện nhiệm vụ này, ít nhiều có thể triển khai các lực lượng chủ lực của cụm tàu chiến chống hạm khu vực cận bờ, bao gồm một vài nhóm tàu chiến tìm kiếm-tấn công (các tàu hộ vệ và tàu chống hạm hạng nhỏ thuộc dòng tàu chiến cận bờ) và phần lớn những tàu ngầm nguyên tử và phi nguyên tử đa nhiệm, cũng như hầu hết các máy bay chống hạm.
Ngoài những lực lượng này, có thể thiết lập hàng rào thuỷ lôi tại các hướng bị đe doạ, bao gồm cả những thủy lôi băng rộng.
Ở Thái Bình Dương, để bảo vệ các tàu ngầm chiến lược tại biển Okhotsk, có thể tổ chức một nhóm các lực lượng chống hạm, với cơ cấu thành phần tương tự nhưng nhỏ hơn đôi chút về số lượng do có sự hạn chế về thành phần tàu chiến của hạm đội và diện tích hoạt động không lớn lắm của những khu vực tác chiến trên biển Okhotsk. Có thể bố trí các hàng rào thủy lôi tại những eo biển nằm giữa quần đảo Kuril.