Chi tiết quy trình phát lệnh dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu: Có yếu tố chính trị đằng sau vụ bắt giữ chớp nhoáng?

Tất Đạt |

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không chỉ gây ra chấn động với thị trường tài chính mà còn đặt nhiều dấu hỏi lớn đối với thỏa thuận "đình chiến" tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu - và cũng là con gái của nhà sáng lập công ty viễn thông này - đã bị bắt giữ vào ngày 1/12 khi đang đợi chuyển máy bay tại Vancouver. Một nguồn tin thân cận cho biết bà Mạnh có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ vì vi phạm lệnh cấm vận của quốc gia này.

Chính quyền Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ Mỹ và Canada - cho rằng hai quốc gia không có lời giải thích thỏa đáng với vụ bắt giữ và yêu cầu thả bà Mạnh ngay lập tức.

Theo Reuters, Mỹ luôn tuân thủ một số quy định nhất định trong việc bắt giữ và đưa ra lệnh dẫn độ các nhân vật quan trọng ở nước ngoài.

Chính quyền Mỹ phát lệnh bắt giữ như thế nào?

Công tố viên của bang và liên bang Mỹ không thể chỉ đơn thuần phát lệnh yêu cầu cảnh sát nước ngoài bắt giữ và giao nộp một số cá nhân cụ thể. Những yêu cầu như vậy buộc phải được chuyển qua Văn phòng Các Vấn đề Quốc tế của Bộ Tư pháp Mỹ (OIA).

OIA duy trì đường dây thông tin với chính quyền các nước khác, và chịu trách nhiệm quản lí từng bước việc bắt giữ và dẫn độ.

Douglas McNabb - một luật sư bào chữa tội phạm hình sự quốc tế tại Houston - cho biết quyết định công tố tội danh với nhân vật quan trọng như bà Mạnh có thể được đưa ra ở cấp chính phủ Mỹ, "xét tới yếu tố bà Mạnh là một công dân Trung Quốc có người thân mang tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn".

Bradley Simon - một luật sư bào chữa hình sự và là cựu công tố viên liên bang ở Brooklyn - tiết lộ việc bắt giữ bà Mạnh có thể liên quan tới "hoạt động điều tra hàng loạt" tại Bộ Tư Pháp Mỹ.

Hoạt động dẫn độ từ Canada về Mỹ được thực hiện như thế nào?

Canada là 1 trong hơn 100 quốc gia có kí kết hiệp ước dẫn độ với Mỹ, buộc nước này phải hợp tác theo như yêu cầu từ OIA. Các hiệp ước nói trên được áp dụng tùy theo tội danh của nhân vật, một số loại trừ trường hợp dẫn độ vì liên quan tới quốc tịch công dân hoặc vì người bị dẫn độ lãnh án tử hình.

Hiệp ước giữa Mỹ - Canada yêu cầu hoạt động dẫn độ được thực hiện khi người bị bắt giữ được coi là tội phạm ở cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, tới nay không rõ liệu OIA có chính thức yêu cầu dẫn độ bà Mạnh hay không.

Một khi nhận được yêu cầu dẫn độ, tòa án Canada sẽ quyết định liệu có đủ bằng chứng để thực hiện dẫn độ hay không và Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ phải đưa ra lệnh chính thức.

Các nước không có hiệp ước dẫn độ sẽ xử lí như thế nào?

Trung Quốc, Nga và Ả Rập Saudi là một số quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.

Nếu Mỹ nhắm vào một nhân vật tại các quốc gia nói trên, OIA sẽ phải liên hệ với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) để phát "cảnh báo đỏ", yêu cầu một lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với nghi phạm.

Cảnh báo đỏ sẽ không được công khai, nhưng một người có thể sẽ bị bắt giữ theo quy định của cảnh báo đỏ khi người này đặt chân qua biên giới hoặc sân bay ở một nước thứ 3 có kí hiệp ước dẫn độ với Mỹ.

Bà Mạnh bị bắt giữ tại sân bay, nhưng theo Reuters, hiện chưa xác minh được liệu Canada có bắt giữ bà theo cảnh báo đỏ hay không.

Bà Mạnh có thể kháng lệnh dẫn độ về Mỹ hay không?

Yêu cầu dẫn độ từ OIA có thể sẽ khác biệt trong từng trường hợp cụ thể, nhưng nhìn chung sẽ yêu cầu chính quyền Mỹ nộp tài liệu liên quan tới cáo buộc và bằng chứng tội cụ thể.

Luật sư bào chữa thường sẽ kháng lệnh dẫn độ dựa trên nền tảng pháp lí rằng quyền lợi của bị cáo tại quốc gia tổ chức bắt giữ sẽ bị vi phạm nếu bị cáo được đưa tới quốc gia yêu cầu dẫn độ. Một số vụ kiện đã kéo dài hàng tháng tới nhiều năm.

Vụ bắt giữ bà Mạnh có yếu tố chính trị hay không?

Thời điểm bắt giữ bà Mạnh - trùng hợp với thỏa thuận thương mại giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đã khiến một số nhà quan sát không khỏi hoài nghi về yếu tố chính trị liên quan.

Một quan chức Nhà Trắng khẳng định ông Trump không hay biết gì về yêu cầu dẫn độ bà Mạnh khi ông nói chuyện với ông Tập vào ngày 1/12.

Theo vị quan chức này, tổng thống không có quyền truy tố cá nhân cụ thể và trong bất kì hoàn cảnh nào, các cáo buộc nhằm vào bà Mạnh sẽ phải thông qua "nhiều lớp lang" tại Bộ Tư pháp trước khi được xử lí. Vụ bắt giữ bà Mạnh khi chuyển máy bay tại Canada dường như mang tính ngẫu nhiên hơn là tính toán trước.

Nhưng đổi lại, có khả năng Bộ Tư pháp đã xin tư vấn từ Nhà Trắng về thời điểm bắt giữ - vì yếu tố liên quan tới các vấn đề nhạy cảm chính trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại