Đó là Bắc Kinh có thể do thám hoạt động giao tiếp điện tử của bất kỳ ai sử dụng công nghệ của Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Cũng vì nỗi lo này, các lãnh đạo tình báo Mỹ hồi tháng 2 qua thúc giục người dân nước này không sử dụng điện thoại của Huawei hoặc ZTE - một tập đoàn thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc.
Đó cũng là lý do Úc và New Zealand trong năm nay quyết định cấm Huawei tham gia xây dựng mạng không dây 5G của họ.
Đến tháng 10, hai thượng nghị sĩ Marco Rubio và Mark Warner của Mỹ cảnh báo Thủ tướng Canada Justin Trudeau rằng sự tham gia của Ottawa vào các hoạt động tình báo chung với Mỹ, Anh, Úc, New Zealand có thể bị hạn chế nếu Canada cho phép Huawei tham gia dự án mạng không dây 5G tại nước này.
Nỗi lo về Huawei và ZTE giờ đây còn lan đến Nhật Bản sau khi truyền thông nước này hôm 7-12 đưa tin Tokyo chuẩn bị cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm viễn thông của hai công ty này.
Báo Yomiuri đưa tin chính phủ Nhật Bản sớm nhất là vào đầu tuần sau sẽ chỉnh sửa quy định về hoạt động thu mua. Quy định mới không nêu tên Huawei và ZTE để tránh chọc giận Trung Quốc nhưng 2 công ty này chịu tác động của lệnh cấm.
Nỗi lo về các tập đoàn công nghệ Trung Quốc không có gì quá mới. Hồi năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo về Huawei và ZTE, theo đó kết luận 2 công ty này sẽ mở đường để các cơ quan tình báo, quân sự Trung Quốc tiếp cận mạng viễn thông Mỹ.
Ngoài ra, báo cáo cảnh báo Trung Quốc có thể đưa phần cứng hoặc phần mềm độc hại vào các linh kiện, hệ thống viễn thông sản xuất tại nước này. Nếu chúng đến tay khách hàng Mỹ, những chương trình độc hại này sẽ cho phép Bắc Kinh vô hiệu hóa hoặc phá hoại các hệ thống an ninh quan trọng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh.
Ông Ren Zhengfei từng là một kỹ sư của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trước khi lập công ty Huawei năm 1987. Ảnh: AP
Bà Meng Wanzhou. Ảnh Reuters
Hiện rất khó xác định liệu Huawei có làm việc cho Bắc Kinh hay không. Dù vậy, thực tế là ông Ren Zhengfei (cha của bà Meng) từng là một kỹ sư của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trước khi lập công ty Huawei năm 1987.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn đầu tư hàng chục tỉ USD vào công ty này, giúp họ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Vụ bắt giữ bà Meng đang đe dọa khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng ngay vào thời điểm hai bên chuẩn bị đàm phán để tìm giải pháp cho chiến tranh thương mại.
Tờ South China Morning Post hôm 7-12 tiết lộ quan điểm của 2 nước đối với vụ việc đang có sự khác biệt. Cụ thể, Bắc Kinh cho đến giờ phát đi tín hiệu cho thấy họ muốn tách biệt chuyện bà Meng và các cuộc đàm phán.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói không có thông tin gì về trường hợp của bà Meng và bày tỏ Bắc Kinh tin sẽ đạt được thỏa thuận với Washington trong thời gian đình chiến kéo dài 90 ngày.
Tương tự, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từ chối gắn kết 2 vụ việc, thay vào đó chỉ nói nước này đã yêu cầu Canada và Mỹ giải thích về vụ bắt giữ và phóng thích bà Meng lập tức.
Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những công ty công nghệ Mỹ như Huawei. Photo: AP
Ở chiều ngược lại, Washington đã nói bóng gió về chuyện sử dụng vụ bà Meng làm quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán sắp tới với Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn đài NPR, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Huawei nên là một chủ đề thảo luận chính trong các cuộc đàm phán thương mại nhưng không nêu đích danh vụ việc của bà Meng.
Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng vụ bắt giữ bà Meng là một phần kế hoạch của Washington nhằm tìm kiếm nhiều nhượng bộ hơn từ Bắc Kinh trong quá trình đàm phán.