Được dọn về một ngôi nhà mới, khang trang là chuyện vui của cả gia đình, thế nhưng nếu như sửa được một nửa căn hộ rồi lại có người nói với bạn đó là nhà của người khác thì thật chẳng ai tin được.
Thế mà anh Guo, 23 tuổi lại gặp phải tình cảnh trớ trêu này. Guo còn kể với phóng viên: “Bên quản lý nói rằng căn hộ mà tôi đang sửa chữa kia là của người khác, thế nên họ cũng cắt luôn điện và nước rồi”.
Trên bản sao giấy tờ “Giấy chứng nhận sở hữu bất động sản” của anh Guo có ghi rõ ràng vị trí của căn hộ là phòng 40-4, lô 6, số 168 đường CaiYuan.
Đến ngày 24/10, cả căn hộ đã được lát gạch men, phóng viên cũng xác nhận đó là căn số 40-4, xung quanh tầng 40 còn có phòng 40-1, 40-2 và 40-3. Giấy tờ và căn hộ khớp nhau như vậy, sao có thể nói là “nhầm” nhà được?
Chi ra tận nửa tỉ để sửa sang lại căn hộ mới mua, anh Guo cũng rất bàng hoàng khi biết mình sửa "nhầm".
Anh Guo cho biết, ngày 28/9/2016, anh mang giấy tờ, hợp đồng đến văn phòng ban quản lý làm thủ tục nhận căn hộ.
Ngày 8/10, anh bắt đầu tiến hành sửa sang lại. Cho đến chiều ngày 20/10, ban quản lý khu nhà mới gọi cho anh và hỏi rằng liệu có phải anh đã sửa nhầm nhà rồi không?
Anh kể lại: “Lúc đó tôi cũng có chút thắc mắc, rõ ràng giấy tờ đăng ký và số trên cửa nhà đều là 40-4. Hồi tháng 6 tôi đến xem nhà, cũng là phòng 40-4 này mà”.
Ngày 24/6, anh Guo đã hoàn thành thanh toán chi phí hơn 2 tỷ đồng cho căn hộ rộng gần 90 mét vuông này, sau đó còn bỏ ra hơn 500 triệu đồng nữa để sửa sang.
Anh Guo cho biết: “Cuối tuần vừa qua tôi có đến gặp ban quản lý vì họ tự tiện cắt điện với nước của tôi.
Họ còn nói rằng căn hộ tôi mua thực chất là căn số 2, lúc giao phòng tự tôi một mực đòi đổi sang số 4. Rõ ràng là họ sai mà lại đổ hết lỗi cho tôi”.
Ngày 24/10, giám đốc Trương bên ban quản lý có đưa ra một tấm sơ đồ mặt bằng căn hộ.
Ông Trương chỉ ra rằng: Mặc dù sơ đồ tầng 40 không có đánh số căn hộ nhưng có thể dựa vào số căn hộ ở tầng 39 để nhận biết vì sơ đồ 2 tầng này tương tự nhau. Như vậy có thể thấy cả 2 tầng có 8 căn hộ.
Ông Trương giải thích: “Thực ra tầng 4 chỉ có 4 căn hộ nhưng theo như trên sơ đồ có 8 căn thì số các căn tầng 40 sẽ là 2,4,6,8. Tầng 40 sẽ chỉ có căn hộ số 40-2, 40-4, 40-6 và 40-8.
Vậy thì trên hợp đồng viết phòng 40-2 nghĩa là phòng số 40-1 và căn hộ của anh Guo là 40-4 thực chất là 40-2”.
Sau đó, ông Trương có lấy ra một bản “Chứng nhận quyền sở hữu bất động sản” của một vị khách khác đã đăng kí mua căn hộ số 40-8 tức là căn 40-4 mà anh Guo đang sửa chữa.
Hình ảnh dự kiến căn hộ của anh Guo sau khi sửa xong nếu như không có sự cố "nhầm" nhà.
Trớ trêu hơn nữa, căn hộ mà anh Guo đang sửa chữa có diện tích nhỏ hơn gần một nửa so với căn hộ thật mà anh sở hữu, chênh lệch khoảng hơn 65 triệu đồng.
Ông Trương thốt lên: “Anh ấy không những chịu thiệt 65 triệu mà còn giúp người ta sửa sang nhà cửa, chúng tôi cắt điện cắt nước cũng chỉ là giúp anh bớt đi tổn thất”.
Tuy nhiên, khi ban quản lý giao phòng cho anh Guo, họ có nhắc anh phòng 40-4 thực chất là 40-2 không? Điều này ngay cả ông Trương cũng không rõ. Vì vậy, anh Guo không chấp nhận cách giải thích này.
Anh Guo nói: “Dù là xem nhà, nhận nhà hay sửa nhà, tôi cũng chỉ vào mỗi căn số 40-4 này. Thế mà qua bao nhiêu thủ tục không có một nhân viên nào thông báo cho tôi biết căn 40-4 này thực chất là 40-8 trên giấy tờ”.
Anh cũng cho biết, kể cả lúc xem sơ đồ để mua nhà, cũng không có ai giải thích cho anh cách đánh số nhà như trên.
Vì vậy, anh Guo sẽ tiếp tục nhờ đến pháp luật để giải quyết sự cố “nhầm lẫn trớ trêu” này.
(Nguồn: cinic.net)