Hoa Đà (145 – 208) tự là Nguyên Hóa, người huyện Tiêu, Bái Quốc, nay thuộc địa phận huyện Bặc, tỉnh An Huy (Trung Quốc).
Theo ghi chép của các nguồn sử liệu, cách đây 1.800 năm, vị thần y họ Hoa này đã có thể thực hiện được các cuộc phẫu thuật ngoại khoa, mổ lồng ngực, sau đó dùng kim chỉ khâu lại như cũ, không khác nhiều so với các thao tác của phẫu thuật hiện đại.
Điều này cũng đủ chứng minh y thuật của ông tinh thông cái thế tới chừng nào.
Sống trong thời loạn lạc, nhưng nhờ học rộng tài cao, lại tinh thông y học, Hoa Đà được người đời suy tôn là bậc "thần y" và trở thành một trong những "ông tổ" của ngành Đông y. (Tranh: nguồn internet).
Vậy nhưng, cuộc đời của vị lương y ấy lại kết thúc một cách bi thảm và đầy hối tiếc trong ngục tù dưới tay Tào Tháo.
Cho tới nay, Tào Tháo vẫn luôn là người phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho cái chết của Hoa Đà. Thậm chí việc ông đoạt mạng vị thần y này còn bị hậu thế đời đời trách cứ.
Tuy nhiên, liệu Tào Tháo có phải là người sai trong cái chết của lương y họ Hoa? Phải chăng, chúng ta đã hiểu lầm về con người thực sự của Hoa Đà trong suốt gần 2 thiên niên kỷ qua?
Thần y cao minh hay kẻ tài tự phụ?
Sinh thời, Hoa Đà vốn xuất thân Nho học, nhưng lại nhờ vào y thuật cao minh mà nổi tiếng khắp thiên hạ. Ở thời đại nào, y học luôn là phương diện không thể thiếu, và những bậc lương y đều là những người mang thiên chức chữa bệnh cứu người.
Tuy nhiên, người đương thời lại có quan niệm "hàng vạn thứ đều là hạ đẳng, duy chỉ có việc đọc sách là cao quý". Bởi vậy, giới đại phu và nghề thuốc đều không có địa vị xã hội, thậm chí bị không ít người coi rẻ.
Sống trong xã hội đầy định kiến với nghề thuốc, giống như một lẽ tất yếu, Hoa Đà cũng từng coi việc đọc sách làm quan là hàng đầu.
Những năm tháng niên thiếu, ông cũng từng đến Từ Châu theo học như bao kẻ sĩ khác. Hoa Đà khi ấy từng là Nho sinh xuất sắc, tinh thông kinh sử, lại thông minh sáng dạ. (Tranh minh họa).
Thấy được tài năng của Nho sinh họ Hoa này, Bái Quốc tướng Trần Khuê và Thái úy Hoàng Uyển từng tiến cử ông làm chức khảo liêm (chức quan nhỏ chuyên làm công việc giám sát và tổ chức thi cử).
Nhưng Hoa Đà bấy giờ lại tự cho mình là kẻ tài trí hơn người, không phù hợp với mấy việc công văn thấp kém, nên đã thẳng thừng từ chối.
Thuở thiếu thời, Hoa Đà từng từ chối một chức quan nhỏ vì cho rằng mình xứng đáng làm những chức vị lớn hơn. (Ảnh minh họa).
Cũng vào khoảng thời gian ấy, ông bắt đầu có niềm say mê với y học và bước chân vào con đường chữa bệnh cứu người.
Nhưng dù y thuật có cao minh tới đâu, thì những định kiến xã hội vẫn khiến cho nghề nghiệp ông theo đuổi vẫn chưa bao giờ được người đời đánh giá cao.
Hơn nữa, thiên hạ lúc bấy giờ đều chỉ coi Hoa Đà là một đại phu có tài, chứ không coi ông là một kẻ sĩ để dùng vào việc chính trị.
Bấy giờ, Hoa Đà mới thấy tiếc nuối vì bỏ lỡ chức quan công văn nhỏ năm xưa. Ông lại tiếp tục tìm kiếm cơ hội để theo đuổi giấc mộng bước chân vào chốn quan trường.
Chỉ tiếc rằng, thần y họ Hoa đã mắc phải một sai lầm lớn trong quá trình theo đuổi công danh, và ông phải dùng chính sinh mạng của mình để trả giá cho sai lầm đó.
Tào Tháo giết Hoa Đà là đúng luật?
Về "nghiệt duyên" của Tào Tháo và Hoa Đà, "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung từng viết:
Tào Tháo vì muốn xây điện Kiến Thủy nên đã chặt cây Dược Long, liền đắc tội với thần cây, sau khi gặp ác mộng thì mắc phải chứng đau đầu khó chữa.
Hình tượng nhân vật Tào Tháo trên phim truyền hình Trung Quốc.
Khi đó, y thuật cao minh của Hoa Đà đã vang danh khắp thiên hạ. Tào Tháo liền cất công mời danh y này tới chữa bệnh cho mình.
Bấy giờ, Hoa Đà nói với Tào Tháo rằng căn nguyên của bệnh "đầu phong" (đau đầu) chính là do "phong diên"(khối u) lớn dần trong não, chỉ còn cách dùng "ma phí tán" (thuốc mê do Hoa Đà điều chế), sau đó dùng rìu bổ đầu, lấy "phong diên" ra ngoài mới có thể trị dứt tật bệnh.
Tháo vốn tính đa nghi, nghe tới việc bổ đầu thì nổi trận lôi đình, cho rằng Hoa Đà có ý định hại chết mình để trả thù cho Quan Vũ. Trong cơn thịnh nộ, ông lập tức nhốt Hoa Đà vào ngục rồi giết chết vị thần y này.
Vậy nhưng, bản thân "Tam Quốc diễn nghĩa" chỉ là một cuốn tiểu thuyết "ba phần thực, bảy phần hư". Liệu câu chuyện về cái chết của Hoa Đà có thực sự giống như những gì La Quán Trung dùng ngòi bút thể hiện?
Câu chuyện về cái chết của Hoa Đà trong "Tam Quốc diễn nghĩa" đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh. (Ảnh minh họa).
Kỳ thực, Hoa Đà đồng ý trở thành "ngự y" của Tào Tháo là muốn mượn danh Tào để bước vào con đường quan lộ. Bởi vậy, trong quá trình chữa bệnh, Hoa Đà liên tục dùng nhiều cách để kéo dài thời gian.
Ông nói với Tháo: "Bệnh này một lúc không thể chữa khỏi, cần phải có thời gian". Sau đó lại dùng hàng loạt lý do như "quên sách thuốc ở nhà, phải trở về lấy", "vợ ốm" mà không chịu quay lại chữa bệnh cho Tào Tháo.
Mục đích của Hoa Đà chính là dùng bệnh tật gây sức ép, buộc Tào Tháo phải phong chức cho mình.
Tào Tháo từ sớm đã nghi ngờ những lý do trên, liền phái người về quê Hoa Đà để kiểm tra thực hư. Sau khi việc nói dối bị phát hiện, vị thần y này lập tức bị tống giam vào ngục chờ ngày xử tử.
Sau khi Hoa Đà bị giam, mưu thần nổi tiếng của Tào Tháo là Tuần Vực đã ra mặt xin tha. Nhưng Tháo nói: "Không lo, thiên hạ thiếu gì loại vô lại như thế!"
Là một thần y lấy việc chữa bệnh cứu người làm thiên chức, nhưng Hoa Đà lại dùng tính mạng của bệnh nhân như một công cụ để đạt được mục đích của mình. Vì thế, trong mắt Tào Tháo, dù có sở hữu y thuật cao minh tới đâu, thì ông vẫn bị coi là "kẻ vô lại" đáng tội chết.
Ngay cả khi căn bệnh của mình chỉ có Hoa Đà mới chữa được, Tào Tháo vẫn thẳng tay xử tử vị thần y này mà không hề hối tiếc. (Ảnh minh họa).
Sau khi Hoa Đà bị xử tử, bệnh đau đầu của Tào Tháo vô phương cứu chữa. Nhưng ông không bao giờ có nửa lời hối hận mà còn thẳng thắn nhận định:
"Hoa Đà có thể trị được bệnh của ta, nhưng lại cố ý kéo dài để tự đề cao mình. Nếu như ta không giết y, thì rốt cuộc y cũng không trị tận gốc bệnh của ta được".
Kỳ thực, Tào Tháo hiểu rõ cả tài năng và dụng tâm của Hoa Đà, nhưng lại không chấp nhận việc vị thần y này "dùng điểm yếu để uy hiếp người khác".
Hơn nữa, xét theo "Hán luật" của triều đình bấy giờ, Hoa Đà đã phạm vào hai tội danh. Tội danh thứ nhất là "lừa đảo", liên tục dùng những lý do không có thật để nói dối. Tội danh thứ hai là tội trốn tòng quân.
"Hán luật" cũng từng có đề cập tới tội "đại bật kính". Trong đó, "mộ binh không đến" cũng bị xếp vào trọng tội này.
Như vậy, chỉ dựa vào hai tội này, Tào Tháo hoàn toàn có đủ lý do để đường đường chính chính khép Hoa Đà vào tội chết.