Năm 2019, cựu cảnh sát và lính cứu hỏa người Anh John Thompson, khi đó vừa bước sang tuổi 91 tuổi đã mất hết khoản tiền tiết kiệm 15.000 bảng Anh (hơn 450 triệu đồng) chỉ sau một cuộc điện thoại. Cụ ông này cho biết mình có cài phần mềm chặn những số lừa đảo trên điện thoại nhưng vẫn không tránh được chiêu thức gọi giả danh.
Cựu cảnh sát John Thompson thời trẻ
Ông Thompson từng là trợ lý thanh tra cảnh sát vào những năm 1950. Vậy nên ông cảm thấy bản thân vô cùng “ngốc nghếch” khi trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Tuy nhiên John Thompson vẫn quyết định chia sẻ lại câu chuyện của bản thân để không ai mắc sai lầm tương tự.
Cảnh sát về hưu này cho biết hồi tháng 5/2019, ông nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng bộ phận bảo mật của ngân hàng địa phương Doncaster. Những kẻ lừa đảo đã sử dụng công nghệ để giả được số điện thoại giống ngân hàng, lọt qua cả lớp lọc từ phần mềm ông Thompson đã cài vào máy trước đó. Ban đầu cựu cảnh sát rất cảnh giác nên đã tắt máy ngay sau cuộc điện thoại đầu tiên.
Tuy nhiên 20 phút sau, chuông điện thoại lại vang lên. Lần này đầu dây bên kia nhận mình là giám đốc ngân hàng Doncaster nên ông Thompson vẫn giữ máy. Người này nói rằng tài khoản của John Thompson đã vi phạm quy định bảo mật của ngân hàng nên ông cần chuyển tiền sang một tài khoản an toàn hơn.
John Thompson bị lừa qua điện thoại dù đã cài phần mềm chống sô kẻ lừa đảo
Mặc dù cựu cảnh sát không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho đầu dây bên kia nhưng giám đốc ngân hàng tự xưng kia vẫn có thể kể lại giao dịch gần đây, số dư tài khoản và thậm chí kể cả tên thời con gái của mẹ ông Thompson. Điều này khiến cụ ông 91 tuổi tin tưởng và chuyển tổng cộng gần 15.000 bảng Anh vào tài khoản người kia yêu cầu.
“Tôi đã gọi đến ngân hàng Doncaster vào ngày hôm sau và họ nói rằng đó là một trò lừa đảo”, John Thompson cho biết. Sự việc này khiến cựu cảnh sát vô cùng hối hận, suy sụp và mất ngủ vì bị lừa mất số tiền tiết kiệm cả đời. Ông đã dự định sẽ dùng khoản tiền này để hỗ trợ các cháu gái mua nhà.
Mặc dù là nạn nhân của vụ lừa đảo nhưng ông Thompson vẫn không thể lấy lại số tiền của mình. Phía ngân hàng giải thích là John Thompson đã tự mình chuyển tình tiền chứ không phải tiền bị đánh cắp khỏi tài khoản. Vậy nên một chiến dịch cộng đồng đã quyên góp gần 3.000 bảng Anh cho người đàn ông này.
Phía cảnh sát địa phương cho biết vô số nạn nhân cũng bị lừa giống ông Thompson khi những kẻ xấu sử dụng phương pháp đơn giản nhưng có yếu tố tinh vi hơn. Điển hình là việc làm giả số điện thoại giống như số của ngân hàng để lọt qua phần mềm chống số giả, số lừa đảo trong trường hợp của cựu cảnh sát John Thompson.
Ảnh minh họa
“Một ngân hàng hợp pháp sẽ không bao giờ liên hệ để yêu cầu bạn chuyển tiền vào tài khoản hay yêu cầu mã PIN, mật khẩu. Nếu bạn nảy sinh nghi ngờ, hãy cúp điện thoại và chủ động gọi vào số đúng của ngân hàng để được tư vấn”, đại diện cảnh sát cho biết.
Những kẻ lừa đảo này nhắm đến đối tượng người cao tuổi, nhóm dễ bị tổn thương nhất. Chúng sử dụng thông tin cá nhân thu thập được từ nạn nhân để lấy lòng tin, sau đó hướng dẫn họ từng bước chuyển tiền vào tài khoản của chính mình.
Cảnh sát cũng nhắc nhở người dân không bao giờ nhấp vào các liên kết từ mạng xã hội, email không biết rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, không tùy ý cung cấp các thông tin bảo mật tài khoản qua điện thoại, tin nhắn hoặc để lộ chúng trên mạng xã hội.