Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn về tổng vốn đầu tư (Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Riêng 6 đối tác này đã chiếm hơn 81,4% tổng vốn đầu tư của cả nước trong năm 2023.
Trong năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với năm trước.
Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với năm trước. Đặc khu hành chính Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với năm trước. Tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,8%).
Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tính tới 20/12/2023, ước tính đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, tăng nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với 11 tháng năm 2023.
Xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 258,8 tỷ USD, giảm 6,2% so với năm trước, chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 256,9 tỷ USD, giảm 6,1%, chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 210 tỷ USD, giảm 9,9% so với năm trước và chiếm 64,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm trong năm 2023, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu gần 48,8 tỷ USD kể cả dầu thô và gần 46,9 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 21,9 tỷ USD.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh hơn so với năm trước.
Singapore hiện đứng đầu ASEAN và thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với hơn 3.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 70 tỷ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước với hàng nghìn hecta đất, thu hút 18 tỷ USD vốn đầu tư và tạo hàng trăm nghìn việc làm.
Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa.
Siêu dự án của Singapore tại Việt Nam gần đây là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (vốn đăng ký 4 tỷ USD); khu nghỉ dưỡng Nam Hội An ở Quảng Nam (4 tỷ USD) và dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (3,12 tỷ USD)...
Wilmar International của Singapore là nhà sản xuất dầu ăn lớn nhất và có cả chục nhà máy tại Việt Nam, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Neptune, Simply, MEIZAN, Cái Lân, Kiddy…
Một số tập đoàn bất động sản Singapore như Keppel Land, CapitaLand, Frasers Property... đang rót tiền vào lĩnh vực địa ốc của Việt Nam.
Theo tạp chí Tài chính Toàn cầu (GFMag), Singapore xếp thứ 3 trong danh sách các quốc gia giàu nhất thế giới năm 2023 tính trên GDP quy đổi theo sức mua tương đương bình quân đầu người. Quốc đảo này là một trung tâm thương mại, sản xuất và tài chính phát triển mạnh và 98% dân số trưởng thành hiện nay biết chữ.
Do đại dịch, vào năm 2020, nền kinh tế Singapore suy giảm 3,9%, khiến quốc gia này rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Năm 2021, nền kinh tế Singapore phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 8,8%. Năm 2023, Singapore dự kiến tăng trưởng 1,2-1,5%.